Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Sản phẩm đặc trưng sâm Ngọc Linh và ô tô

Sản phẩm đặc trưng sâm Ngọc Linh và ô tô
Ngày đăng: 02/10/2015

Triển khai nhiều đề tài

Đề cập dấu ấn của ngành KH-CN Quảng Nam, ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH-CN nhìn nhận, đến nay, nhiều nhiệm vụ KH-CN có kết quả nghiên cứu tốt, tính ứng dụng và khả năng nhân rộng cao, phục vụ có hiệu quả cho sản xuất và đời sống, nhất là trong lĩnh vực tam nông và chương trình nông thôn mới.

Có thể điểm qua những kết quả nghiên cứu nổi bật như: dự án “Ứng dụng công nghệ vi sinh để sản xuất phân hữu cơ vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp an toàn tại Quảng Nam”, dự án “Xây dựng mô hình sản xuất, chế biến một số loại nấm dược liệu và nấm ăn theo phương thức công nghiệp tại Quảng Nam”…

Hay như đề tài “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để sản xuất thử nghiệm các mặt hàng từ nguyên liệu sâm Ngọc Linh” đã thể hiện sự gắn kết giữa nghiên cứu khoa học và sản xuất của doanh nghiệp.

Từ nguồn nguyên liệu có sẵn, hai mặt hàng trà túi lọc sâm Ngọc Linh và nước uống bổ dưỡng sâm Ngọc Linh đã ra đời, được xây dựng tiêu chuẩn cơ sở…

Đề tài cũng mở ra triển vọng phát triển vùng trồng sâm Ngọc Linh.

 

Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân chỉ đạo tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Nam.

Cũng theo ông Tích, ngoài lĩnh vực nông nghiệp, các dự án thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ đã giúp xây dựng chỉ dẫn địa lý (CDĐL) cho sản phẩm sâm Ngọc Linh, quản lý và phát triển CDĐL quế Trà My đã được bảo hộ, giúp cho các sản phẩm này được nhận biết rộng rãi, khẳng định được thương hiệu, giá trị trên thị trường…

Đáng chú ý là dự án KH-CN được sự hỗ trợ của Bộ KH-CN:

“Nghiên cứu thiết kế, chế tạo xe khách giường nằm cao cấp mang thương hiệu Việt Nam” do Công ty CP Ô tô Trường Hải chủ trì thực hiện giai đoạn 2014 - 2016 với tổng kinh phí gần 40 tỷ đồng…

Theo thuyết minh, sản phẩm từ dự án là 5 bộ hồ sơ thiết kế, quy trình kỹ thuật, công nghệ liên quan đến sản phẩm xe khách giường nằm cao cấp; 2 bộ thiết bị, khuôn mẫu xe; 5 xe khách giường nằm được trang bị các linh kiện nội ngoại thất cao cấp Thaco, phiên bản 2013 - 2014…

Phát triển sâm và ô tô

Quảng Nam nổi tiếng với cây sâm Ngọc Linh. Nhận diện được thế mạnh này, UBND tỉnh đã ban hành cơ chế khuyến khích phát triển vùng trồng sâm, quy hoạch vùng trồng lên 19.000ha và có cơ chế nhân rộng mô hình trồng sâm nhân dân…

Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án sâm Việt Nam do huyện Nam Trà My xây dựng. Sâm Ngọc Linh cũng là một trong những loài dược liệu quý được Chính phủ đưa vào danh mục chương trình dự án trọng điểm “Phát triển cây sâm Ngọc Linh trở thành cây đặc sản quốc gia”.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh, đối với cây sâm Ngọc Linh, hiện vẫn còn nhỏ lẻ, phần lớn người dân trồng tự phát, chưa có quy hoạch để phát triển công nghiệp sâm. Dù tỉnh đã quy hoạch vùng trồng 19.000ha, nhưng khó khăn hiện nay vẫn là nguồn giống, trong khi nuôi cấy mô vẫn chưa thành công.

Sản phẩm từ sâm vẫn còn đơn điệu, vậy nên hướng sản xuất thực phẩm chức năng từ cây sâm cần được chú trọng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh đề nghị, Bộ KH-CN cần ưu tiên hỗ trợ cho dự án nhân giống, di thực, canh tác và sản xuất một số sản phẩm sâm Ngọc Linh; dự án nghiên cứu xây dựng vùng sâm gốc sâm Ngọc Linh… nhằm tạo nguồn nguyên liệu bền vững, bên cạnh hỗ trợ dự án “Phòng thí nghiệm công nghiệp ô tô miền Trung tại khu phức hợp ô tô Chu Lai, Trường Hải”, nhằm tạo đà phát triển công nghiệp ô tô.

Giai đoạn 2011 - 2015, Quảng Nam triển khai 70 nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh gồm 59 đề tài và 11 nhiệm vụ được hỗ trợ kinh phí từ nguồn sự nghiệp KH-CN tỉnh nhằm phục vụ 9 chương trình KH -CN đến năm 2015, tầm nhìn 2020 được UBND tỉnh phê duyệt.

Quảng Nam cũng đã được Bộ KH-CN hỗ trợ triển khai 8 nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia.

Qua 5 năm (2011 - 2015), tổng nguồn ngân sách chi cho KH-CN toàn tỉnh hơn 103,1 tỷ đồng (chưa kể nguồn kinh phí sự nghiệp KH-CN trung ương hỗ trợ để thực hiện các đề tài, dự án cấp nhà nước).

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh mới đây về Chiến lược phát triển KH-CN Quảng Nam giai đoạn 2015 - 2020, Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân nhấn mạnh, về CDĐL “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm, Sở KH-CN cần tiếp tục phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ để sớm cấp giấy chứng nhận bảo hộ.

CDĐL cực kỳ quan trọng, khi gia nhập hiệp định thương mại tự do, yêu cầu bảo hộ CDĐL sẽ rất nghiêm ngặt. Không dừng lại ở bảo hộ trong nước, CDĐL sâm Ngọc Linh cần được bảo hộ ở thế giới.

Thực tế đặt ra là chú trọng việc nghiên cứu bảo tồn giống gốc và nâng cấp sâm Ngọc Linh trở thành sản phẩm quốc gia.

Riêng dự án “Phòng thí nghiệm công nghiệp ô tô miền Trung tại Khu phức hợp ô tô Chu Lai - Trường Hải”, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, ngân sách nhà nước đầu tư phát triển KH-CN có thể đầu tư vào khu vực sản xuất tư nhân nên việc hỗ trợ xây dựng phòng thí nghiệm là có cơ sở pháp lý.

“Thực tế cho thấy, thu ngân sách của tỉnh từ công nghiệp ô tô xấp xỉ 60% tổng thu ngân sách toàn tỉnh, chứng tỏ sản xuất công nghiệp ô tô đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Và mỗi năm, chỉ một doanh nghiệp ô tô đã đóng góp gần 80% tổng ngân sách tỉnh.

Vì vậy, đầu tư cho công nghiệp và dịch vụ ô tô là thế mạnh của Quảng Nam. Sắp tới, Bộ KH-CN sẽ cố gắng hỗ trợ Trường Hải một vài dự án nữa. Dự án xây dựng phòng thí nghiệm sẽ được cân nhắc” - Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.


Có thể bạn quan tâm

Vỗ Béo Bò, Nghề Mới Của Nông Dân Xã Phước Mỹ (Bình Định) Vỗ Béo Bò, Nghề Mới Của Nông Dân Xã Phước Mỹ (Bình Định)

Mô hình này lần đầu tiên được triển khai thực hiện ở xã Phước Mỹ, tạo nghề mới để tăng hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi cho nông dân. Mô hình rất phù hợp với chăn nuôi gia đình vì kỹ thuật nuôi đơn giản, dễ áp dụng, tận dụng được nguồn lao động và một số loại thức ăn là phế phụ phẩm nông nghiệp, thời gian vỗ béo ngắn, ít rủi ro hơn những đối tượng vật nuôi khác.

04/12/2014
Ngành Chăn Nuôi Năm 2014 Có Dấu Hiệu Khởi Sắc Ngành Chăn Nuôi Năm 2014 Có Dấu Hiệu Khởi Sắc

Hoạt động chăn nuôi đang có dấu hiệu khởi sắc, có lợi cho người nông dân. Đó là nhận định của ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tại Hội nghị đánh giá kết quả triển khai mô hình chăn nuôi liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 2/12, tại Hà Nội.

04/12/2014
Nuôi Sò Huyết Giúp Nông Dân Làm Giàu Nuôi Sò Huyết Giúp Nông Dân Làm Giàu

Những năm gần đây, nông dân huyện Năm Căn không ngừng tìm hướng đi mới trong sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. Mô hình nuôi sò huyết giờ đã trở thành phong trào và giúp nhiều nông dân có thu nhập ổn định.

15/07/2014
Gọi Lộc Bên Nhà Gọi Lộc Bên Nhà

Cầm trên tay một khay bắp hạt, bà Trần Thị Sạ bước ra bên hiên nhà dưới gọi “lộc, lộc, lộc...” cả chục chú hươu mới trưởng thành chạy ùa ra trước sân chuồng đón mừng một bữa trưa thường nhật. Bỗng có khách lạ vào tham quan, chúng ngơ ngác chạy lùi ra xa. Bà Sạ kể: “Hồi mới đưa về xã Tân Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng này, nuôi nhốt hai chục con hươu (còn gọi là con lộc) trong chuồng nhà mãi đến mấy tháng sau, chúng mới quen dần tiếng gọi, tiếng chân đi của chủ nhà…”.

04/12/2014
Yên Minh Cánh Đồng Đạt 70 Triệu/ha/vụ Nhờ Trồng Lúa Japonica ĐS 1 Yên Minh Cánh Đồng Đạt 70 Triệu/ha/vụ Nhờ Trồng Lúa Japonica ĐS 1

Giống lúa năng suất, chất lượng cao Japonica ĐS 1 được trồng thử nghiệm thành công tại thôn Cốc Cai, xã Mậu Duệ (Yên Minh) trong vụ Xuân, vụ Mùa năm 2013.

15/07/2014