Sản Lượng Thức Ăn Chăn Nuôi Công Nghiệp Tăng 10%

Sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp được sản xuất trong năm 2014 dự báo tăng khoảng 10% so với cùng kỳ do chăn nuôi gia súc, gia cầm phục hồi và xuất khẩu thủy sản tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho biết dự báo sản lượng thức ăn cho gia súc, gia cầm cả năm 2014 đạt xấp xỉ 14 triệu tấn, tăng khoảng 700.000 tấn so với năm 2013. “Thức ăn cho nuôi tôm và cá tra dự báo cũng sẽ tăng mạnh, góp phần đưa sản lượng cả năm tăng khoảng 10% so với năm ngoái”, ông Lịch cho biết.
Theo ông Lịch, sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng nhờ chăn nuôi gia súc, gia cầm phục hồi do kiểm soát được dịch bệnh, giá bán sản phẩm đứng ở mức cao. Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản tiếp tục tăng trưởng mạnh và diện tích nuôi được mở rộng, dù vẫn xảy ra tình trạng “treo ao” đối với cá tra.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, cho biết gần đây giá heo luôn đứng ở mức khoảng 5,4-5,5 triệu đồng/tạ, người chăn nuôi có lãi khá nên họ đẩy mạnh tái đàn, làm nhu cầu tiêu thụ thức ăn chăn nuôi cũng tăng theo, “do đó các nhà máy cũng đẩy mạnh nâng công suất sản xuất lên”, ông Công nói.
Cụ thể, theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong tháng 8-2014, chăn nuôi heo tiếp tục tăng khoảng 1-1,5% và gia cầm tăng khoảng 2% so với cùng kỳ năm 2013.
Còn thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết xuất khẩu thủy sản 8 tháng đầu năm 2014 đạt 4,95 tỉ đô la Mỹ, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ diện tích nuôi được mở rộng.
Chẳng hạn, tại Vĩnh Long, diện tích nuôi cá tra trong 8 tháng đầu năm nay đạt 425 héc ta, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2013; tại Đồng Tháp đạt 1.555 héc ta, tăng 2,4%; tại Tiền Giang đạt 158 héc ta, tăng 31,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó, diện tích nuôi tôm xuất khẩu ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau…, hầu hết đều tăng mạnh so với cùng kỳ.
Dự báo của Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho biết sản lượng thức ăn công nghiệp được sản xuất ra sẽ tiếp tục tăng trong năm tới do một số doanh nghiệp đầu tư mở rộng/xây dựng thêm nhà máy mới.
Theo thống kê của Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, năm 2013 cả nước sản xuất được khoảng 17 triệu tấn thức ăn công nghiệp các loại. Trong đó, chỉ riêng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có khoảng 50 doanh nghiệp, chiếm 25% số doanh nghiệp cả nước (200 doanh nghiệp) nhưng nắm giữ đến 65-70% thị phần cả nước.
Riêng Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam (CP Goup) chiếm khoảng 15% thị phần và Công ty cổ phần Việt Pháp (PROCONCO) chiếm khoảng 10%.
Có thể bạn quan tâm

Sản lượng tăng có nhiều nguyên nhân, như tháng 6 vừa qua, thời tiết thuận lợi cho việc khai thác thủy sản. Tại các vùng biển miền Trung và Nam Trung Bộ, các đàn cá nổi xuất hiện liên tục, tạo điều kiện cho bà con ngư dân ra khơi khai thác đạt kết quả cao.

Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, Cty CP thủy sản Bá Hải đã được Bộ KH-CN chọn phối hợp với Tập đoàn ABI (Nhật Bản) tiếp nhận chuyển giao công nghệ đông lạnh sản phẩm CAS và thiết bị cấp đông có công suất 500 kg/giờ.

Dây Thìa canh được biết đến là loại dược liệu quý, có tác dụng trong điều trị bệnh đái tháo đường. Ngoài ra, loại dây này còn có nhiều công dụng khác như: kích thích tiêu hoá, chống độc… Dây Thìa canh đang được trồng nhiều ở xã Yên Ninh (Phú Lương, Thái Nguyên), góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Vào cuối tháng 11, chúng tôi tìm đến HTX xoài Mỹ Xương (xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) khi nhà vườn bắt đầu thu hoạch xoài nghịch vụ. HTX có 24 xã viên với diện tích SX là 40 ha. Hầu hết các hộ trồng xoài ở đây đều áp dụng kỹ thuật bao trái và tập tành mô hình SX theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Trong khi đó, nhiều loại cây trồng, như: cao su, điều, mía... đang lâm vào cảnh khó khăn về thị trường và giá cả. Nhiều địa phương trong đó có Đồng Nai, đang diễn ra tình trạng, nông dân ồ ạt chặt bỏ những cây trồng kém hiệu quả chuyển sang cây tiêu.