Sản Lượng Nuôi Tôm Nước Lợ Tăng 22%

Ngày 4/11/2014, tại Bến Tre, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức tổng kết nuôi tôm nước lợ năm 2014, triển khai kế hoạch năm 2015. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Thứ trưởng Vũ Văn Tám, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Nguyễn Thành Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cùng chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị còn có ông Trương Vĩnh Trọng - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, đại diện 30 tỉnh, thành có biển, các doanh nghiệp, nông dân sản xuất kinh doanh tôm.
Mặc dù còn gặp nhiều bất lợi do thời tiết, dịch bệnh thủy sản… diễn biến phức tạp nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ NN&PTNT, Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, các sở, ngành địa phương và sự lao động cần cù, sáng tạo của ngư dân, vụ nuôi tôm nước lợ năm 2014 đã đạt kết quả đáng kể. Đến tháng 10-2014, cả nước đã thả nuôi 675.830ha, đạt 101% kế hoạch. Trong đó, diện tích nuôi tôm sú 582.514ha, tôm chân trắng 93.316ha, đạt 133% kế hoạch năm. Sản lượng thu hoạch 568.668 tấn, đạt 103% kế hoạch, tăng 22% so với cùng kỳ.
Công tác chỉ đạo, sản xuất nuôi tôm nước lợ năm 2014 còn những hạn chế như hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về thủy sản từ trung ương đến địa phương chưa đồng bộ. Thống kê và dự báo trong sản xuất còn nhiều bất cập.
Công tác xây dựng, thực hiện, quản lý quy hoạch còn hạn chế. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản còn chưa đồng bộ, chưa được đầu tư tương xứng và chưa theo kịp sự phát triển thực tế sản xuất.
Việc ban hành các văn bản quản lý, các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về con giống, về điều kiện của cơ sở sản xuất giống còn chậm, gây khó khăn trong công tác quản lý. Chất lượng nguồn tôm giống, tỷ lệ tôm giống qua kiểm dịch chưa cao, tôm sú bố mẹ gần như phụ thuộc hoàn toàn vào khai thác tự nhiên nên chất lượng không đồng đều.
Năm 2015, tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình nuôi tôm nước lợ, phát hiện nhanh dịch bệnh, xử lý, kịp thời khống chế không để dịch bệnh phát tán trên diện rộng, đặc biệt là nuôi thâm canh và bán thâm canh tôm chân trắng, không phá vỡ quy hoạch, đảm bảo diện tích 700 ngàn ha; sản lượng 700 ngàn tấn.
Các giải pháp đặt ra là phải có sự phối hợp đồng bộ về quản lý thức ăn, quản lý môi trường, dịch bệnh, đầu tư cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ, công tác khuyến ngư, hỗ trợ vốn cho sản xuất.
Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định năm qua kinh tế nông nghiệp cả nước phát triển vượt bậc, đặc biệt là ngành nuôi tôm nước lợ. Tốc độ tăng trưởng ngành nuôi tôm 22% là đạt kỷ lục từ trước đến nay.
Kết quả này rất có ý nghĩa đối với các tỉnh vùng biển trong cơ cấu kinh tế. Bộ trưởng đề nghị không lặp lại tình trạng như nhiều năm trước đây, nhất là các loại dịch nguy hiểm không thể khống chế được. Hai rủi ro lớn nhất của nghề nuôi tôm hiện nay là yếu tố thị trường và dịch bệnh. Về thị trường, phát triển nuôi tôm nhưng phải hết sức thận trọng, đừng để cung vượt quá cầu.
Dịch bệnh đáng lo ngại nhất là bệnh chết sớm và bệnh đốm trắng. Hướng tới, cần nỗ lực duy trì, mở rộng thị trường xuất khẩu, rất cần sự phối hợp giữa các bộ, ngành Trung ương và địa phương. Tiếp tục thông tin kịp thời diễn biến giá cả thị trường trong nước và thế giới để người nuôi, doanh nghiệp tiếp cận nhanh, nâng cao giá trị sản xuất, xuất khẩu.
Khả năng cung sẽ nhiều hơn cầu nên cần khuyến khích người nuôi, doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất để có thể cạnh tranh hiệu quả.
Nhanh chóng rà soát, thực hiện nghiêm quy hoạch nuôi, kiềm chế mở rộng diện tích mà phải chuyển từ diện tích nuôi tôm sú sang nuôi tôm thẻ chân trắng, tăng cường thâm canh, tăng năng suất, xác định mô hình nuôi phù hợp. Hoàn thiện qui trình nuôi phù hợp để người nuôi áp dụng...
Có thể bạn quan tâm

20 năm qua, trải qua không ít thăng trầm, nhưng ông Võ Văn Hoàng (ấp Cửu Hòa, xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) vẫn kiên trì, bám trụ và gắn bó với nghề ương, dưỡng cá giống, cá kiểng do sự đam mê cũng như những hiệu quả thiết thực do nghề này mang lại.

Cùng với việc được hỗ trợ xây dựng hệ thống kè bê tông, giúp điều tiết hợp lý nước nhiễm mặn vào ao nuôi, đạt độ mặn 1-2 phần nghìn, gia đình ông Đoàn còn được hướng dẫn các kỹ thuật mới về nuôi tôm càng xanh năng suất cao như làm ao ươm giống, tách riêng từng giống tôm ở các ao nuôi. Kiểm soát nước nhiễm mặn, áp dụng kỹ thuật mới, con tôm càng xanh đã cho năng suất tăng 30% so với trước.

Thời gian gần đây tuyến đê biển tây đã được Nhà nước đầu tư xây dựng bờ kè, gia cố, bồi trúc ở những nơi xung yếu nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho ba khía sinh sản trở lại. Đây được xem là tín hiệu vui cho người dân sống ven đê biển Tây, một khi ba khía sinh sản trở lại sẽ tạo nguồn thu đáng kể, giúp họ tăng thu nhập gia đình, từng bước vươn lên ổn định cuộc song.

Nhu cầu đối với tôm cỡ lớn hiện đang vượt xa nguồn cung, một nhà NK tôm từ Ấn Độ cho biết. Mặc dù sản lượng tôm sú đã giảm đáng kể trong những năm gần đây, nhưng năm nay tôm sú được quan tâm hơn do thiếu tôm chân trắng cỡ lớn.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết hiện tại có 12 nhà máy của Việt Nam XK trực tiếp vào thị trường Na Uy.