Sản Lượng Lúa Cả Năm 2012 Ước Đạt Hơn 43 Triệu Tấn

Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng diện tích lúa cả năm 2012 đạt gần 7,75 triệu ha, tăng 1,2% so với năm 2011; năng suất bình quân ước đạt 56 tạ/ha, tăng 0,6 tạ/ha; sản lượng ước đạt 43,4 triệu tấn, tăng hơn 1 triệu tấn (+2,6%) so với năm trước.
Trong tháng Chín, các địa phương miền Bắc tập trung chăm sóc, bảo vệ lúa mùa và các cây rau, màu khác, trong khi các tỉnh miền Nam đẩy nhanh thu hoạch lúa Hè Thu, đồng thời tiếp tục gieo cấy lúa Thu Đông, lúa mùa.
Tính đến ngày 15/9, cả nước đã gieo cấy đạt gần 1,52 triệu ha lúa mùa, bằng 91,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các tỉnh miền Bắc đã kết thúc gieo cấy, đạt diện tích hơn 1,13 triệu ha, xấp xỉ bằng cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo từ các địa phương, lúa mùa miền Bắc năm nay gieo cấy trong điều kiện thuận lợi, có mưa đều, thời vụ kéo dài nhờ năm âm lịch nhuận 2 tháng Tư, lúa được chăm bón hợp lý nên sinh trưởng và phát triển tương đối đều. Hiện nay, phần lớn diện tích lúa đã trỗ thoát và ngậm sữa, một số nơi trà lúa sớm đã bắt đầu cho thu hoạch, trà trung cho thu hoạch vào cuối tháng Chín sẽ tạo điều kiện giải phóng đất sớm để mở rộng diện tích trồng cây vụ Đông 2012 - 2013.
Khác với các tỉnh miền Bắc, tiến độ xuống giống lúa mùa ở các tỉnh miền Nam chậm, mới đạt khoảng hơn 450.000 ha, bằng khoảng 86% cùng kỳ năm trước, trong đó các tỉnh ĐBSCL đạt 166.000 ha, bằng 82% so cùng kỳ với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do thời tiết tại một số tỉnh vùng sâu thuộc địa bàn ĐBSCL không thuận lợi và phần lớn lao động tập trung thu hoạch nhanh gọn lúa Hè Thu và xuống giống lúa Thu Đông.
Hiện tại, các tỉnh miền Nam đã thu hoạch được hơn 1,93 triệu ha lúa Hè Thu, chiếm 96,3% diện tích xuống giống, trong đó các tỉnh thuộc vùng ĐBSCL thu hoạch hơn 1,62 triệu ha, nhanh hơn 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ thu hoạch lúa Hè Thu ở vùng ĐBSCL khá nhanh một phần do cảnh báo lũ năm nay về sớm và nhiều địa phương bố trí tăng đáng kể diện tích lúa Thu Đông.
Theo đánh giá sơ bộ của các địa phương ĐBSCL, năng suất lúa Hè Thu trên diện tích thu hoạch tăng nhẹ so với vụ trước, bình quân đạt khoảng 55 tạ/ha, ước sản lượng toàn vùng đạt hơn 9 triệu tấn. Tuy nhiên, do chi phí sản xuất lúa Hè Thu năm nay tăng khá nhiều trong khi giá lúa không bằng vụ trước, nên lợi nhuận giảm đáng kể.
Cũng tính đến thời điểm trên, tổng diện tích xuống giống lúa Thu Đông tại một số tỉnh thuộc vùng ĐBSCL đạt 573.000 ha, tăng gần 1% so với cùng kỳ năm trước. Một số tỉnh có diện tích lúa Thu Đông tăng nhiều so với năm trước như: Kiên Giang tăng trên 20.000 ha, An Giang tăng 15.000 ha, Long An tăng gần 10.000 ha. Trong khi đó, diện tích lúa Thu Đông của Đồng Tháp giảm hơn 22.000 ha, chủ yếu thuộc diện tích ngoài đê bao, sản xuất bấp bênh và bị mất mùa nặng trong vụ trước.
Có thể bạn quan tâm

Từ đê tả Hồng, men theo con đường đất dài khoảng 2km là đến vùng đất bãi bồi sông Hồng thuộc xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ. Trong tiết trời xuân, nhiều loại cây trồng bên 2 ven đường bắt đầu bật những chồi non, xa xa là cánh đồng chuối trải dài tít tắp, xanh biếc cả một vùng trời.

Chúng tôi có cuộc hành trình đến những trang trại của các nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Từ bàn tay trắng, với nghị lực vượt khó, họ đã thành tỷ phú trên vùng cao.

Làm ăn bây giờ mà không hợp tác, liên kết khó có thể thành công! Liên kết ở đây là mối liên kết “4 nhà”, cốt lõi nhất là liên kết giữa nhà nông với doanh nghiệp để ký kết hợp đồng “đầu vào, đầu ra”. Nhiều hợp tác xã (HTX) ở ĐBSCL đã làm được điều này và trở thành những HTX kiểu mới điển hình.

Tuy kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Dubai trong năm 2013 còn khiêm tốn, nhưng thị trường này đang mở ra khá nhiều hấp lực với doanh nghiệp Đồng Nai. Hàng hóa khi đã vào được Dubai thì dễ dàng sang các nước Trung Đông, châu Phi.

Năm 2014, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bạc Liêu sẽ được đầu tư cho trồng và chăm sóc rừng (từ năm 2014 - 2016) với kinh phí hơn 2 tỷ đồng; trong đó, trồng rừng trên đất nuôi tôm hơn 71ha.