Sản Lượng Cá Ngừ Đại Dương Giảm

Cá ngừ đại dương (CNĐD), một đặc sản chiến lược của nghề biển Việt Nam đang có dấu hiệu sụt giảm sản lượng khiến nhiều ngư dân lo lắng bởi nguồn thu sẽ ảnh hưởng không nhỏ.
Tại cảng Hòn Rớ (TP Nha Trang) - cảng cá lớn nhất Nam Trung bộ, không khí nhộn nhịp ngày nào nay ảm đạm đến lạ kỳ. Anh Phan Văn Dũng, một lao động tại cảng, cho biết mấy tháng nay tiền bốc xếp cá sụt giảm bởi lượng cá về cảng ít quá.
Có khi, chủ ghe và thuyền viên trên tàu sau khi cập cảng họ tự bốc xếp cá, vì bản thân họ đã lỗ sau chuyến biển nên không còn tiền mướn người.
Chủ vựa cá Ngọc Hoa tại Phước Đồng cho biết, gần 2 tháng nay, cá ngừ vào cảng ít khiến thiếu hụt nguyên liệu chế biến. Theo chủ vựa này thì năm nay CNĐD sụt giảm một cách “bất thường” so với mọi năm. Thời điểm này năm ngoái, dù sản lượng có giảm so với lúc chính vụ nhưng không “thê thảm” như hiện nay.
Ngư dân Mai Thành Phúc (Phước Đồng, TP Nha Trang) - Đội trưởng Ngư đội Trường Sa Lớn (Khánh Hòa), cho biết: So với các tàu trên địa bàn, đội tàu khai thác CNĐD của ông thường xuyên đánh bắt có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, mấy chuyến biển vừa rồi tàu ông chỉ đủ chi phí, khai thác cầm chừng.
Còn chủ tàu KH96336 TS, ông Đinh Văn Luận, cho biết tổ đội của ông có 5 chiếc chuyên khai thác CNĐD tại vùng biển Trường Sa. Chuyến biển vừa rồi cả 5 tàu cập cảng nhưng chỉ có 2 chiếc hòa vốn, số còn lại lỗ nặng.
Theo thống kê từ Ban Quản lý cảng cá Hòn Rớ, số lượng tàu câu CNĐD cập cảng mấy năm qua vẫn tăng. Điều này cho thấy nghề đánh bắt CNĐD đang phát triển và thu hút nhiều ngư dân, lao động tham gia. Tuy nhiên, đó là mặt nổi của vấn đề vì thực tế năm nay tàu câu CNĐD từ các nơi đổ về Hòn Rớ bán cá nhiều hơn, kéo theo đó là sản lượng qua cảng tăng. Nhưng thực tế sản lượng không tăng mà giảm so với cùng kỳ.
Từ đầu tháng 9 đến nay, cảng cá Hòn Rớ đón khoảng 120 tàu khai thác CNĐD, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước. Tàu về nhiều nhưng cá ít, bình quân cứ 10 tàu về cảng thì khoảng 8 chiếc thất bại. Trung bình, mỗi chiếc chỉ câu được 5-7 con, thậm chí có tàu đi cả chuyến chỉ câu được 2 con.
Cá ngừ về cảng hiện được thu mua với giá 110.000 đồng/kg, nhưng ngư dân vẫn lỗ vì sản lượng khai thác được quá ít. Trong khi đó, phí tổn mà các chủ tàu phải bỏ ra cho mỗi chuyến biển 120-150 triệu đồng, quá lớn so với nguồn thu.
Không chỉ ở Khánh Hòa, hai “thủ phủ” khai thác cá ngừ khác là Phú Yên và Bình Định cũng trong tình cảnh chung. Theo phản ánh của hai địa phương này, sản lượng CNĐD 2 tháng qua giảm, ngư dân thất thu và có hiện tượng tàu cá nằm bờ.
Ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hòa, nhìn nhận: Sản lượng CNĐD và nhiều loại cá khác giảm là điều đáng lo, dù nguyên nhân chính được cho là do biến đổi khí hậu gây ra. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần ổn định lại số lượng tàu thuyền khai thác, thường xuyên đánh giá trữ lượng CNĐD để đưa ra hướng khai thác phù hợp.
Có thể bạn quan tâm

Phong trào nuôi ba ba đã xuất hiện ở xã Vị Bình (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) đang lan rộng. Ông Đinh Chí Tính – cán bộ khuyến nông xã Vị Bình cho biết: “Hiện toàn xã có 19 hộ nuôi ba ba, trong đó tập trung ở ấp 9a1 (12 hộ) và ấp 4.

Ông Kiều Văn Cang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật thuộc Sở NN-PTNT, cho biết: Trong vụ Hè Thu năm nay, được sự hỗ trợ kinh phí của Tổ chức SNV (Hà Lan), Chi cục đã phối hợp với một số địa phương trong tỉnh triển khai sản xuất 7 mô hình thâm canh lúa cải tiến chống biến đổi khí hậu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất (gọi tắt là phương pháp SRI) với diện tích 507 ha.

Đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, đặc biệt các tỉnh phía Nam, là giải pháp giúp loại trái cây nổi tiếng này có đầu ra ổn định lâu dài, giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Chưa hết “bàng hoàng” vì Ethoxyquin (ETQ), doanh nghiệp XK tôm sang Nhật Bản tiếp tục phải đối mặt với quyết định kiểm 100% Oxytetracycline (OTC). XK tôm sang thị trường này chưa kịp phục hồi đã lại giảm mạnh.

Sáng ngày 16/6, tại huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam, chi nhánh Nghệ An đã tổ chức hội thảo “EMS – giải pháp phòng ngừa và kỹ thuật nuôi tôm mùa nóng”. Tham dự có trên 150 khách hàng là đại diện các đại lý và người nuôi tôm trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa.