Sản Lượng Cá Ngừ Đại Dương Giảm

Cá ngừ đại dương (CNĐD), một đặc sản chiến lược của nghề biển Việt Nam đang có dấu hiệu sụt giảm sản lượng khiến nhiều ngư dân lo lắng bởi nguồn thu sẽ ảnh hưởng không nhỏ.
Tại cảng Hòn Rớ (TP Nha Trang) - cảng cá lớn nhất Nam Trung bộ, không khí nhộn nhịp ngày nào nay ảm đạm đến lạ kỳ. Anh Phan Văn Dũng, một lao động tại cảng, cho biết mấy tháng nay tiền bốc xếp cá sụt giảm bởi lượng cá về cảng ít quá.
Có khi, chủ ghe và thuyền viên trên tàu sau khi cập cảng họ tự bốc xếp cá, vì bản thân họ đã lỗ sau chuyến biển nên không còn tiền mướn người.
Chủ vựa cá Ngọc Hoa tại Phước Đồng cho biết, gần 2 tháng nay, cá ngừ vào cảng ít khiến thiếu hụt nguyên liệu chế biến. Theo chủ vựa này thì năm nay CNĐD sụt giảm một cách “bất thường” so với mọi năm. Thời điểm này năm ngoái, dù sản lượng có giảm so với lúc chính vụ nhưng không “thê thảm” như hiện nay.
Ngư dân Mai Thành Phúc (Phước Đồng, TP Nha Trang) - Đội trưởng Ngư đội Trường Sa Lớn (Khánh Hòa), cho biết: So với các tàu trên địa bàn, đội tàu khai thác CNĐD của ông thường xuyên đánh bắt có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, mấy chuyến biển vừa rồi tàu ông chỉ đủ chi phí, khai thác cầm chừng.
Còn chủ tàu KH96336 TS, ông Đinh Văn Luận, cho biết tổ đội của ông có 5 chiếc chuyên khai thác CNĐD tại vùng biển Trường Sa. Chuyến biển vừa rồi cả 5 tàu cập cảng nhưng chỉ có 2 chiếc hòa vốn, số còn lại lỗ nặng.
Theo thống kê từ Ban Quản lý cảng cá Hòn Rớ, số lượng tàu câu CNĐD cập cảng mấy năm qua vẫn tăng. Điều này cho thấy nghề đánh bắt CNĐD đang phát triển và thu hút nhiều ngư dân, lao động tham gia. Tuy nhiên, đó là mặt nổi của vấn đề vì thực tế năm nay tàu câu CNĐD từ các nơi đổ về Hòn Rớ bán cá nhiều hơn, kéo theo đó là sản lượng qua cảng tăng. Nhưng thực tế sản lượng không tăng mà giảm so với cùng kỳ.
Từ đầu tháng 9 đến nay, cảng cá Hòn Rớ đón khoảng 120 tàu khai thác CNĐD, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước. Tàu về nhiều nhưng cá ít, bình quân cứ 10 tàu về cảng thì khoảng 8 chiếc thất bại. Trung bình, mỗi chiếc chỉ câu được 5-7 con, thậm chí có tàu đi cả chuyến chỉ câu được 2 con.
Cá ngừ về cảng hiện được thu mua với giá 110.000 đồng/kg, nhưng ngư dân vẫn lỗ vì sản lượng khai thác được quá ít. Trong khi đó, phí tổn mà các chủ tàu phải bỏ ra cho mỗi chuyến biển 120-150 triệu đồng, quá lớn so với nguồn thu.
Không chỉ ở Khánh Hòa, hai “thủ phủ” khai thác cá ngừ khác là Phú Yên và Bình Định cũng trong tình cảnh chung. Theo phản ánh của hai địa phương này, sản lượng CNĐD 2 tháng qua giảm, ngư dân thất thu và có hiện tượng tàu cá nằm bờ.
Ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hòa, nhìn nhận: Sản lượng CNĐD và nhiều loại cá khác giảm là điều đáng lo, dù nguyên nhân chính được cho là do biến đổi khí hậu gây ra. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần ổn định lại số lượng tàu thuyền khai thác, thường xuyên đánh giá trữ lượng CNĐD để đưa ra hướng khai thác phù hợp.
Có thể bạn quan tâm

Với mục tiêu giúp các hộ chăn nuôi giảm tỷ lệ tiêu tốn thức ăn/1 kg tăng trọng, giảm chi phí thức ăn khoảng 10-15%, từ đó nâng cao giá trị sản xuất trong chăn nuôi lợn, năm 2014, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với trạm khuyến nông các huyện Hoằng Hóa, Đông Sơn, Vĩnh Lộc, tổ chức thực hiện mô hình chăn nuôi lợn thịt sử dụng thức ăn lên men lỏng, tại 46 hộ thuộc 3 huyện trên, với quy mô 5-10 con/hộ.

Hiện nay, các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ và Châu Thành, tỉnh Long An đã thu hoạch xong 2.780ha tôm, đạt hơn 80% diện tích nuôi. Nông dân lãi từ 250 đến 350 triệu đồng/ha, có hộ lãi hơn 500 triệu đồng/ha.

Ngày 31-7 giá tiêu trung bình tại các tỉnh Tây nguyên và Đông Nam bộ đã lên mức 187.000-188.000 đồng/kg trong khi giá bán tại các hộ bảo quản tốt, độ ẩm dưới 12% là 200.000 đồng/kg.

Quang Bình là một huyện có các tiềm năng lợi thế về đất đai, lực lượng lao động dồi dào để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Huyện có 2 tuyến đường quan trọng, đó là Quốc lộ 279 và Tỉnh lộ 183 chạy qua, nối từ Quốc lộ 2 với các tỉnh Lào Cai, Yên Bái.

Cua đồng có giá trị dinh dưỡng cao, là món ăn phổ biến dân dã. Hiện nay, do khai thác quá mức và không có ý thức bảo vệ, tái tạo nên cua đồng trong tự nhiên ngày càng khan hiếm.