Sắn Chết Hàng Loạt, Nông Dân Gặp Khó Ở Tuy An (Phú Yên)

Hơn 2 tháng nay, tại các xã miền núi huyện Tuy An (Phú Yên), 70% diện tích sắn không mọc rễ, không nảy mầm và bị chết hàng loạt. Nguyên nhân ban đầu là do nắng hạn kéo dài kết hợp không khí lạnh khiến đất khô cằn.
Ông Nguyễn Văn Sang ở thôn Xuân Trung, xã An Xuân cho biết: “Vụ này gia đình tôi trồng hơn 1ha. Trước Tết Nguyên đán, tôi đã cày đất, bón phân, xuống giống như các vụ trước nhưng sắn không mọc mà cứ chết dần.
Sau tết tôi phải phá bỏ, tiếp tục thuê người cày lại đất và lên xã Sơn Phước (Sơn Hòa) mua giống để trồng nhưng sắn cũng không mọc và bị chết như lần trước.
Tiền thuê máy cày hơn 8 triệu đồng, mua phân NPK bón lót hơn 4 triệu đồng và mua giống trồng lại lần hai gần 2 triệu đồng (ước tính ban đầu thiệt hại hơn 14 triệu đồng), chưa tính phân chuồng sẵn có và công nhà bỏ ra”.
Còn ông Nguyễn Thanh Phong cũng ở thôn Xuân Trung cho biết, hơn 2,5ha sắn của ông cũng bị chết như hộ ông Sang. Ông Phong trồng giống KM94 và giống sắn cao sản có nguồn gốc từ Tây Ninh nhưng các giống này chủ yếu lấy từ vụ trước.
Theo người dân ở đây, từ trước Tết Nguyên đán đến nay ở xã An Xuân chưa có mưa lớn, sáng sớm thường có sương mù và trời lạnh làm cho đất bị khô, đây có thể là nguyên nhân làm cho cây sắn không mọc và bị chết hàng loạt. Khi đào những hom sắn bắt đầu có triệu chứng chết thì phát hiện bị con mối ăn rỗng trong ruột. Nhiều hộ trồng sắn ở xã An Xuân hiện không dám xuống giống trồng lại lần ba, đa số bà con chờ có mưa mới dám trồng tiếp…
Hiện đa số diện tích trồng sắn của nông dân xã An Xuân trong niên vụ 2013-2014 đều bị chết, trong đó có các hộ: Đinh Văn Hùng 1ha, Nguyễn Thị Hồng Kiều 1,5ha, Nguyễn Thị Thu trồng hơn 2ha… Các diện tích sắn có tỉ lệ cây chết từ 70 đến 100%; nhiều hộ đã trồng lại lần hai nhưng cũng bị chết.
Bà Trần Thị Hồng Lan ở xã An Xuân cho biết: “Một bó sắn giống khoảng 20 cây hiện nay mua khoảng 10.000 đồng, nhưng tại địa phương không còn nên chúng tôi phải đến các huyện Tây Hòa, Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân… để mua.
Chưa có năm nào sắn bị chết như năm nay. Hiện nay cây sắn giống mua cũng không ra. Hơn 1ha sắn của tôi khi phát hiện bị héo lá, gia đình đã kéo ống nước để bơm tưới nhưng sắn cũng bị chết nhưng tỉ lệ chết thấp hơn.
Không biết ngoài nguyên nhân khô hạn thì còn có nguyên nhân gì khác? Bà con nông dân kiến nghị Nhà nước quan tâm tìm ra nguyên nhân cây sắn bị chết trên địa bàn xã và có chính sách hỗ trợ, cung cấp cây giống cho bà con tiếp tục trồng vì hiện nay tìm giống không có”.
Ông Trần Quang Minh, Chủ tịch UBND xã An Xuân, cho biết: “Hiện chưa thể thống kê số diện tích sắn bị chết, nhưng xã đã khuyến cáo bà con nên chờ cơ quan chức năng tìm ra nguyên nhân gây chết cây sắn và chờ có mưa thì mới trồng lại, tránh thiệt hại. UBND xã cũng đã báo cáo việc này cho Phòng NN-PTNT huyện để có hướng chỉ đạo tiếp theo”. Ông Cao Văn Tiên, Phó phòng NN-PTNT huyện Tuy An cho biết:
“Không chỉ xã An Xuân mà nhiều xã miền núi của huyện đều có sắn bị chết. Phòng NN-PTNT huyện đã cử cán bộ chuyên môn xuống cơ sở nắm tình hình, nguyên nhân ban đầu được xác định là do thời tiết khô hạn cộng với không khí lạnh làm cho đất bị khô cằn, hom sắn mới trồng không mọc rễ và không nảy mầm được, nên bị con mối ăn rỗng ruột làm cho sắn bị chết hàng loạt. Hiện huyện Tuy An có khoảng 560ha đất trồng sắn, chủ yếu tại xã An Xuân và An Nghiệp.
Đến nay, bà con đã trồng hơn 270ha. Theo các địa phương báo cáo, ước tính ban đầu tỉ lệ sắn bị chết trên 70%, trong đó có nhiều diện tích đã trồng lại lần hai nhưng sắn vẫn bị chết.
Phòng NN-PTNT huyện đã khuyến cáo bà con trồng sắn trên địa bàn cần làm đất kỹ và bón phân, chờ trời có mưa tiếp tục trồng lại hoặc chuyển số diện tích trên sang trồng các loại cây khác có khả năng chịu hạn”.
Có thể bạn quan tâm

Quản lý dịch chổi rồng ở ĐBSCL thời gian qua chưa thật sự hiệu quả. Đó là nhận định chung được đưa ra tại hội nghị quản lý bệnh chổi rồng hại nhãn và chôm chôm do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức vừa qua tại Vĩnh Long.

Vụ trồng chính sẽ được triển khai từ nay đến cuối năm, cây quýt giống đã được chiết ghép và chăm sóc tốt tại vườn ươm thị trấn Mương Khương. Các xã đang triển khai rà soát lại quỹ đất, phát dọn thực bì, khi thời tiết thuận lợi sẽ tiến hành giao cây giống để bà con trồng .

Ngày 7-10, ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, ngành Nông nghiệp đã có kế hoạch phát triển “Cánh đồng lớn” trong sản xuất lúa giai đoạn 2014 - 2020.

Theo UBND tỉnh, tình hình nuôi trồng thủy sản trong tháng 9 tương đối ổn định, khai thác biển thuận lợi. Giá bán các loài thủy sản nuôi ổn định: giá cá điêu hồng thương phẩm tăng nhẹ, người nuôi có lãi nhưng giá cá tra tiếp tục ở mức thấp làm cho người nuôi gặp rất nhiều khó khăn.

Kết quả điều tra của hãng Bloomberg ở các thương gia và nhà phân tích uy tín cho thấy, sản lượng trong niên vụ bắt đầu từ 1/10/2014 có thể đạt 1,69 triệu tấn. Con số này cao hơn mức 1,65 triệu tấn điều tra hồi tháng trước, mặc dù thấp hơn mức cao kỷ lục 1,71 triệu tấn của năm ngoái.