Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Sa Pô Lên Ngôi, Nhà Vườn Tính Chuyện Lâu Dài Ở Tiền Giang

Sa Pô Lên Ngôi, Nhà Vườn Tính Chuyện Lâu Dài Ở Tiền Giang
Ngày đăng: 14/05/2013

Trong những năm gần đây, chưa bao giờ giá sa pô giữ ở mức cao và kéo dài như năm nay. Hiện nay, giá sa pô đang có dấu hiệu giảm nhẹ nhưng vẫn còn khá cao. Trước diễn biến này, nhiều nơi nông dân bắt đầu chọn cây sa pô để thay thế những cây trồng kém hiệu quả khác.

SA PÔ LÊN NGÔI?

Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, giá sa pô liên tục giữ ở mức từ 12.000 - 22.000 đồng/kg, có thời điểm từ 26.000 - 27.000 đồng/kg, nhà vườn rất phấn khởi. Cách nay hơn nửa tháng, anh Nguyễn Thành Tâm, ấp Giáp Nước (Phước Thạnh, TP. Mỹ Tho - Tiền Giang) thu hoạch 2,4 công sa pô được 1,5 tấn. Dù trái nhỏ nhưng sa pô của anh cũng bán được giá 16.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, anh thu được 20 triệu đồng. Hiện nay, vườn sa pô của anh cũng chuẩn bị cho thu hoạch đợt mới, hứa hẹn nguồn thu nhập khá.

Về các xã Song Thuận, Kim Sơn, Phú Phong (Châu Thành), nơi có diện tích sa pô trồng tập trung của tỉnh trong những ngày này, chúng tôi nhận thấy rõ niềm vui hứng khởi của những người trồng sa pô. Tại các vườn sa pô, nhà vườn đang tất bật thu hoạch sa pô đưa vào bội chuyển đi bán cho thương lái.

Ông Nguyễn Văn Hòa, ấp Mỹ, xã Kim Sơn, đang lau chùi những trái sa pô vừa hái chuẩn bị đưa đi bán, cho biết năm nay vú sữa thất giá nhưng sa pô lại trúng giá. Có lúc, giá sa pô loại cơi tăng từ 24.000 - 26.000 đồng/kg. Ông Hòa cũng cho biết, cách nay nửa tháng, giá sa pô bắt đầu giảm nhẹ (do ruồi đục trái tấn công) nhưng vẫn còn khá cao.

Trong đợt thu hoạch này, ông Hòa bán được 700 kg. Với giá hiện nay, sau khi trừ chi phí, ông còn lời 10 triệu đồng. Còn nếu tính từ Tết Nguyên đán đến nay, vườn sa pô của ông cho thu hoạch 3 đợt trái, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được 30 triệu đồng.

“Mọi năm, sau Tết Nguyên đán, sa pô đều có giá (do nghịch vụ, sản lượng ít) nhưng chưa bao giờ có giá cao và kéo dài như thế. Mọi khi đến thời điểm tháng 5, sa pô bắt đầu tuột giá nhưng hiện tại giá vốn còn khá cao. Những năm qua, giá sa pô lúc lên, lúc xuống nhưng tính chung lại trong năm, người trồng sa pô vẫn có lời khá. Năm nay, sa pô được giá kéo dài, bà con càng phấn khởi hơn” - ông Nguyễn Văn Hòa cho biết.

Giá sa pô ở mức cao kéo dài cộng với giá cả không biến động lớn trong những năm gần đây, người dân nhiều nơi cũng bắt đầu chuộng trồng sa pô.

“Đứa con trai tên Nguyễn Thanh Phương ở xã Long Hưng vừa trồng mới 4,3 công sa pô cách nay hơn 1 năm. Đứa con gái cũng trồng 5 công sa pô, trong đó có 2 công trồng chỉ mới được 2 năm nay. Ngoài ra, đứa con trai nữa của tôi là Nguyễn Thanh Hiền cũng có 1,5 công sa pô đang cho thu hoạch rất tốt” - ông Nguyễn Văn Hòa vui mừng nói.

Ông Huỳnh Văn Nghi, Chủ tịch Hội Làm vườn xã Kim Sơn, cho biết: “Sa pô đang dần lấy lại vị thế của mình. Hiện nay, các chủ vườn trồng sa pô đang tích cực chăm sóc, cải tạo lại vườn. Nhiều nông dân cũng bắt đầu quan tâm đến cây trồng này. Những diện tích sa pô trồng mới thời gian qua chủ yếu trên vườn vú sữa già cỗi hay bị bệnh; một số diện tích sa pô được trồng mới trên những vườn cây ăn trái kém hiệu quả”.

Tuy nhiên, khi đề cập đến giá sa pô trong tương lai thì ông Nghi bày tỏ: “Việc này không thể đoán được. Nó tùy thuộc vào diễn biến của cung cầu trên thị trường”.

TÍNH CHUYỆN BỀN VỮNG

Theo ông Huỳnh Hữu Hòa, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành, sa pô đã từng trải qua những giai đoạn “thăng trầm”, đã có thời điểm giá sa pô xuống thấp trong thời gian dài, nhà vườn đốn sa pô trồng cây khác. Vài năm trở lại đây, giá sa pô tương đối ổn định cùng với lợi thế cho trái quanh năm đã tránh được tình trạng đụng hàng rớt giá. Dù vậy, trên thực tế, người trồng sa pô vẫn còn rất bấp bênh.

Để khẳng định thương hiệu sa pô vùng này cũng như hướng đến phát triển bền vững loại cây ăn trái có thế mạnh của huyện Châu Thành, Hội Làm vườn huyện đã tiến hành khảo sát vùng trồng, chất lượng trái, quy trình sản xuất, thực trạng sản xuất và xúc tiến thủ tục đăng ký Nhãn hiệu hàng hóa tập thể cho sa pô Mặc Bắc Kim Sơn và đã được Cục Sở hữu Trí tuệ công nhận.

Tiếp theo đó, các đơn vị chức năng, địa phương đã xúc tiến thành lập tổ hợp tác sa pô và triển khai sản xuất theo hướng an toàn, chất lượng. Đến cuối năm 2011, Tổ hợp tác sa pô Kim Sơn có 37 tổ viên với diện tích 12 ha đã được Sở NN&PTNT chứng nhận đủ tiêu chuẩn sản xuất an toàn.

Trao đổi về hướng đi này, anh Nguyễn Vũ Hưng, Tổ Trưởng Tổ hợp tác Sa pô Kim Sơn cho biết, dù cây sa pô có lợi thế nhưng đầu ra còn rất bấp bênh. Nhiều năm gắn bó với cây sa pô, anh nhận thấy cần liên kết lại, sản xuất theo hướng chất lượng, an toàn mới có cơ hội tìm đầu ra ổn định. Và khi chất lượng trái sa pô đảm bảo, thương hiệu sa pô Mặc Bắc được nhiều người biết đến, khi đó giá sa pô mới ổn định được.

Thực tế đã cho thấy, thời gian qua sa pô có đôi lúc bị giảm giá mạnh nhưng trái sa pô loại cơi vẫn có giá cao. Theo anh Hưng, thời gian gần đây, nhà vườn trồng sa pô đã quan tâm nhiều đến chất lượng trái, mà không còn đặt nặng vấn đề năng suất như trước đây. Tổ hợp tác và mô hình sản xuất sa pô an toàn ra đời cũng nhằm hướng dẫn người dân sản xuất theo hướng chất lượng, an toàn một cách có quy trình, khoa học.

“Sa pô là loại cây ăn trái dễ triển khai phát triển theo hướng bền vững. Thời gian qua, huyện đã tiến hành xây dựng nhãn hiệu, thành lập tổ hợp tác, xây dựng mô hình sản xuất an toàn và đang triển khai mô hình sản xuất theo VietGAP. Từ tiền đề này, thời gian tới, các ngành, các cấp sẽ tính đến việc nhân rộng mô hình theo điều kiện cho phép, làm cơ sở để phát triển cây sa pô theo hướng bền vững” - ông Huỳnh Hữu Hòa nói.


Có thể bạn quan tâm

Sản Lượng Cá Ngừ Giảm Do Khai Thác Bằng Đèn Cao Áp Ở Phú Yên Sản Lượng Cá Ngừ Giảm Do Khai Thác Bằng Đèn Cao Áp Ở Phú Yên

Lão ngư Phạm Đáng, chủ tàu cá PY 92447 ở TP Tuy Hòa cho biết, chuyến biển mới đây, tàu của ông nằm ngoài khơi đến cả tháng trời, câu được có vài con cá, bán được hơn 22 triệu đồng, tính ra lỗ đến hơn 150 triệu đồng. Tương tự như ông Đáng, sợ thua lỗ, nhiều ngư dân ở tỉnh Phú Yên chấp nhậnnằm bờ. “Đã 1 tháng nay chúng tôi không dám đi làm vì giá thành cá quá thấp không đủ trang trải chi phí. Hơn nữa, hiện nay câu cá bằng loại đèn cao áp 1.000W - 1.500W sẽ làm thịt cá ngừ bị ảnh hưởng, không đảm bảo cho xuất khẩu. Chúng tôi mong muốn Nhà nước xem lại lệnh cấm dùng đèn giàn truyền thống” - ông Phạm Đáng nói.

31/05/2013
Cánh Đồng Mẫu Cà Phê Đầu Tiên Tại Tây Nguyên Cánh Đồng Mẫu Cà Phê Đầu Tiên Tại Tây Nguyên

UBND TP. Buôn Ma Thuột vừa phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật, Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, Công ty TNHH Dak Man Việt Nam, Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang triển khai thực hiện cánh đồng mẫu cà phê tại xã Hòa Thuận – TP. Buôn Ma Thuột.

31/05/2013
Kinh Tế Hộ Gia Đình, Cách Làm Hiệu Quả Kinh Tế Hộ Gia Đình, Cách Làm Hiệu Quả

Đến thăm mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình ông Phạm Văn Phú, ở thôn Suối Nhum, xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình (Bình Thuận) một ngày đầu tháng tư. Dưới cái nắng gay gắt của vùng đất khô hạn, vậy mà vợ chồng ông đã tạo dựng nên mô hình sản xuất các giống cây hoa màu xanh tốt. Lân la trò chuyện cùng ông bên vườn cây màu đang bước vào mùa thu hoạch. Ông Phú tiết lộ: “Gia đình về vùng đất nghèo khô hạn này từ năm 2000.

31/05/2013
Tôm Đang Dịch, Người Dân Vẫn Thả Nuôi Ở Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) Tôm Đang Dịch, Người Dân Vẫn Thả Nuôi Ở Tư Nghĩa (Quảng Ngãi)

Lần đầu tiên Quảng Ngãi công bố dịch ở tôm trên địa bàn huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi). Trong khi ngành chức năng và địa phương lo dập dịch thì người nuôi tôm vẫn mặc nhiên súc hồ, mua tôm giống về thả nuôi.

31/05/2013
Trồng Cây Có Múi Đạt Hiệu Quả Kinh Tế Cao Trồng Cây Có Múi Đạt Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Với 11 công đất vườn trồng cây có múi, ông Trương Văn Hoa, ở ấp 3 - xã Bình Hòa (Giồng Trôm - Bến Tre) hàng năm thu hoạch vài trăm triệu đồng. Hiện, ông là Tổ trưởng Tổ liên kết bưởi da xanh của ấp.

31/05/2013