Rừng Hoa Công Nghệ Cao

Sản xuất giống hoa theo phương pháp cấy mô (invitro), xuất khẩu sang nhiều nước trong đó có cả “Vương quốc hoa” Hà Lan thu về 2 triệu USD/năm, đó là thành công của Công ty CP công nghệ sinh học Rừng Hoa Đà Lạt.
Tự tạo cơ hội: “Rừng hoa” công nghệ cao
Công ty Rừng Hoa Đà Lạt thành lập năm 2003, ban đầu nhằm mục tiêu sản xuất hoa cắt cành thương phẩm, giống hoa các loại để cung cấp cho các nhà vườn Đà Lạt. Tuy nhiên, vào năm 2006, một công ty của Bỉ đã tìm đến đặt hàng sản xuất giống hoa, cây cảnh. Sau lô hàng xuất khẩu đầu tiên, đối tác nước ngoài tin tưởng vào chất lượng và năng lực của công ty nên tiếp tục đặt hàng.
Theo PGS-TS Lê Xuân Thám, Giám đốc Sở KH-CN Lâm Đồng, với quy mô đang có, Công ty Rừng Hoa Đà Lạt là trung tâm nhân giống invitro lớn nhất VN, là mô hình sản xuất cây giống công nghiệp tiên tiến đem lại hiệu quả kinh tế cao.
“Cú hích” quan trọng này khiến ông Nguyễn Đình Sơn, Tổng giám đốc công ty, đi tới quyết định mở rộng quy mô sản xuất, quảng bá sản phẩm trên mạng internet.
Ông Sơn cho biết, năm 2006 là thời điểm kinh tế châu Âu và thế giới suy thoái, các công ty nước ngoài phải tái cơ cấu, tìm cách giảm chi phí, giá thành và VN trở thành địa chỉ họ tìm đến để đặt hàng, bởi sản phẩm cây giống của VN chất lượng tốt mà giá rất thấp so với ở châu Âu. Nhận thấy cơ hội đang đến, công ty đã mạnh dạn đầu tư công nghệ hiện đại nhất, phát huy sự sáng tạo, khéo léo của các kỹ sư VN, đáp ứng tốt yêu cầu của các đối tác nước ngoài.
Tiếng lành đồn xa, nhiều công ty ở các nước khác cũng tìm đến Rừng Hoa Đà Lạt đặt hàng. Hiện công ty có tổng cộng 600 giống hoa và cây cảnh xuất khẩu, thị trường mở rộng từ Bỉ, Đan Mạch, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc... và cả Hà Lan - đất nước được mệnh danh là “vương quốc hoa”.
Ông Nguyễn Đình Sơn vui mừng cho biết: “Năm 2013, công ty xuất khẩu hơn 10 triệu cây giống thu về gần 2 triệu USD. Theo hợp đồng đã ký kết với các nước thì năm 2015 doanh thu xuất khẩu giống hoa của công ty sẽ đạt 6 triệu USD”.
Để có thể đáp ứng nhu cầu khách hàng, công ty đã đầu tư 2 phòng lab rộng 5.000 m2 cùng trang thiết bị hiện đại phục vụ nghiên cứu, sản xuất theo quy mô công nghiệp với công suất 24 triệu cây giống/năm; hệ thống vườn ươm diện tích 0,5 ha, sản xuất 400.000 cây con/tháng. Trong đó có khu nhà kính 3.000 m2 theo công nghệ châu Âu trị giá 7 tỉ đồng.
Các thiết bị tự động điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, tưới nước, bón phân... cũng được chú trọng tối đa nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Đội ngũ của công ty hiện có gần 500 người, trong đó có 170 kỹ sư chuyên ngành công nghệ sinh học. Hằng năm, Rừng Hoa Đà Lạt đều cử kỹ sư sang châu Âu học về phương pháp quản lý và kỹ thuật mới trong sản xuất giống công nghệ cao.
Năm 2011, Rừng Hoa Đà Lạt là một trong 3 công ty đầu tiên của cả nước được Bộ NN-PTNT cấp giấy chứng nhận “Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao”. Nhiều năm qua, nơi đây cũng là địa chỉ học tập, nghiên cứu khoa học của nhiều học sinh, sinh viên và là điểm tham quan của du khách.
Có thể bạn quan tâm

Tại Tiền Giang, gần 1.500ha ca cao trồng xen trong vườn dừa đang bị đàn sóc hoang hoành hành, gây thiệt hại lớn cho người nông dân.

Ngày 6-12, giá dâu tây được bán ở vườn tại Đà Lạt (Lâm Đồng) chỉ còn 20.000 đồng/kg, giảm 50.000 đồng/kg so với thời điểm cách đây 2 tháng, ngoài lý do thu hoạch dâu tây chính vụ thì cái chính vẫn là do dâu tây Trung Quốc tràn ngập thị trường các tỉnh phía Bắc.

Ngoài giá heo hơi tăng thì giá gà tam hoàng gần 1 tuần nay cũng tăng nhẹ, từ 39-40 ngàn đồng/kg lên 41-42 ngàn đồng/kg.

Đến cuối năm 2013, diện tích nuôi cá nước ngọt toàn huyện Hải Lăng có 435ha, chủ yếu tập trung trên các con sông Ô Lâu, Thác Ma, Ô Giang thuộc các xã Hải Tân, Hải Sơn, Hải Chánh. Trong đó có 120 mô hình nuôi cá lồng, bè; hiệu quả nhất vẫn là mô hình cá chình lồng (28 lồng).

Bình quân nuôi 1 con bò cho sữa, mỗi tháng cho thu nhập từ 1,8 đến 2,2 triệu đồng. Đây là mức thu nhập rất đáng kể đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, do vậy mà các địa phương được đầu tư nuôi bò sữa đã xác định đây là vật nuôi giúp nông dân thoát nghèo bền vững.