Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Rong Mơ Mất Giá

Rong Mơ Mất Giá
Ngày đăng: 09/06/2014

Những năm qua, nguồn lợi rong mơ đã mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân tại xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa). Năm nay, giá rong mơ giảm chỉ còn 1/3 so với trước khiến nhiều người không còn mặn mà.

Nghề khai thác rong mơ đã giúp gia đình ông Nguyễn Văn Hòa (thôn Đông, xã Ninh Vân) có thu nhập khá cao trong suốt thời gian dài. “Những năm trước, khai thác rong mơ là nghề hái ra tiền ở xã Ninh Vân, vì vậy cứ tới mùa rong mơ (khoảng đầu tháng 4 đến tháng 8 hàng năm) là cả làng đi biển, lặn rong.

Theo đó, trung bình mỗi người có thể kiếm được từ 500 - 700 nghìn đồng/ngày”, ông Hòa cho biết. Tương tự, ghe của gia đình ông Cao Văn Khánh ở cùng thôn cũng có 3 người chuyên đi lặn rong. Do quen với con nước, lại thạo nghề lặn nên ghe của ông Khánh khai thác được hàng tấn rong mơ mỗi ngày.

Theo tính toán của ông Hòa, ông Khánh, trung bình 7kg rong mơ tươi sau khi phơi sẽ được 1kg rong khô. Trước đây, thương lái mua rong khô với giá 9.000 đồng/kg, thế nhưng năm nay giá rong lại giảm mạnh, hiện chỉ có giá 3.000 đồng/kg, thu nhập của người khai thác rong mơ chỉ còn khoảng 150 - 200 nghìn đồng/người/ngày.

Ông Trà Thái Sanh (người chuyên vận chuyển rong mơ) lý giải: “Qua tìm hiểu các thương lái thu mua rong mơ tại Ninh Vân, tôi biết họ thu mua rồi xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Năm nay, do mặt hàng rong mơ xuất chậm nên thương lái thu mua cũng dè chừng và giá giảm nhiều”.

Theo tâm sự của người lặn rong ở xã Ninh Vân, việc khai thác rong mơ không phải dễ dàng, phụ thuộc nhiều vào thủy triều, tùy theo con nước lên xuống lúc nào thì ra biển lúc đó, thậm chí có khi 2 - 3 giờ sáng đã đi lặn.

Để khai thác rong, những người đàn ông khỏe mạnh mang theo dây dẫn khí để thở, lặn xuống các ghềnh đá sâu để hái rong, họ gặp vạt rong nào là bứt vạt ấy, không tuân thủ biện pháp kỹ thật khai thác nào. Những người không đủ sức khỏe để lặn sâu dưới nước thì ở lại trên thuyền thu gom rong.

Điều đáng nói là với những dụng cụ lặn thô sơ, người làm nghề lặn rong có thể phải đối mặt với nhiều nguy hiểm. Thực tế tại Ninh Vân có không ít người gặp tai nạn do lặn rong mơ.

Từ đầu năm đến nay, do giá rong mơ giảm mạnh khiến người dân không mặn mà lắm với việc hái rong. Nhiều gia đình đang có ý định chuyển sang làm nghề khác. Tuy nhiên, cũng có một số hộ vì không có nghề gì để làm nên đành phải bám biển, đối mặt với nhiều nguy hiểm để kiếm kế sinh nhai.

Bà Trà Thị Bông Sen - Chủ tịch UBND xã Ninh Vân cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn xã có 71 ghe thuyền. Năm trước, 100% ghe trên địa bàn xã đều tham gia khai thác rong mơ, với hàng trăm lao động tham gia. Việc khai thác rong mơ đã mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình tại địa phương.

Từ đầu vụ đến nay, người dân địa phương đã khai thác được hàng trăm tấn rong mơ; sản lượng tuy cao nhưng do rong mơ mất giá nên người dân địa phương không mấy mặn mà với nguồn lợi này, số ghe đi lặn rong ngày càng ít đi”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Khánh Hòa là một trong những địa phương có nguồn lợi rong mơ lớn. Rong mơ hình thành các thảm rong biển rộng từ vài héc-ta đến vài trăm héc-ta; tập trung nhiều tại vùng biển thuộc vịnh Vân Phong, vùng biển Ninh Hòa, Nha Trang, Cam Ranh…

Theo ông Võ Khắc Én, cán bộ Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh, rong mơ là giống rong có chu trình sinh sản 1 năm, vì vậy nếu không thu hoạch thì chúng sẽ thối rữa, tàn lụi.

Việc khai thác rong mơ một cách hợp lý sẽ mang lại thu nhập khá cho người dân. Khi thu hoạch rong mơ, người dân cần đảm bảo thời gian thu hoạch, không thu hoạch non; khi cắt rong thu hoạch cần chú ý để lại gốc bám và 1 đoạn thân dài khoảng 10 - 15cm để duy trì sự phát tán, phát triển của chúng.

Thực tế, lâu nay tình hình khai thác và tiêu thụ rong mơ của người dân hoàn toàn tự phát. Đã đến lúc các cấp, ngành cần có định hướng và trợ giúp người dân để tránh những thiệt thòi trước sự bất ổn của thị trường.


Có thể bạn quan tâm

Phát Triển Kinh Tế Đang Phải Đối Mặt Với Nhiều Thách Thức Phát Triển Kinh Tế Đang Phải Đối Mặt Với Nhiều Thách Thức

Mặc dù tình hình phát triển kinh tế của tỉnh trong 5 tháng qua đã có những bước chuyển biến khá tích cực nhưng trên thực tế vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm, công tác thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư vẫn còn đạt thấp, diễn biến dịch bệnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cây trồng, vật nuôi...

12/06/2014
WB Tài Trợ 47 Tỷ Đồng Nâng Cấp Mở Rộng Cảng Cá Ở Bình Định WB Tài Trợ 47 Tỷ Đồng Nâng Cấp Mở Rộng Cảng Cá Ở Bình Định

Ông Trần Văn Vinh, Phó giám đốc Ban quản lý Dự án Vì sự phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản ven bờ (CRSD) tỉnh Bình Định cho biết, Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ 47 tỷ đồng để nâng cấp và mở rộng cảng cá Đề Gi tại thôn An Quang, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát.

12/06/2014
Nhìn Lại Tạm Trữ Lúa Gạo Vụ Đông Xuân Nhìn Lại Tạm Trữ Lúa Gạo Vụ Đông Xuân

Tuy nhiên khi bắt tay vào thực hiện có 6 DN trả lại chỉ tiêu và 5 DN xin giảm chỉ tiêu được giao. Khi đó VFA đã nhanh chóng điều chỉnh chỉ tiêu, kết quả có 130 DN tham gia tạm trữ được 995.494 tấn gạo, đạt 99,55% kế hoạch, trong đó có 3 DN không mua đạt chỉ tiêu với số lượng 4.506 tấn.

12/06/2014
Lật Tẩy Chiêu Thu Gom Bông Thanh Long Lật Tẩy Chiêu Thu Gom Bông Thanh Long

Ngày 12/6, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ nhiệm Hợp tác xã Thanh long ruột đỏ Đức Mỹ, huyện Càng Long (Trà Vinh) cho biết nhiều thương lái đang rầm rộ thu mua bông thanh long. Theo kinh nghiệm nhiều năm làm vườn, ông nhận định đây có thể là chiêu trò lừa gạt, tận thu bông đang nở để gây thiệt hại mùa màng của bà con nông dân.

13/06/2014
Hơn 70% Số Hộ Thu Hoạch Tôm Có Lãi Hơn 70% Số Hộ Thu Hoạch Tôm Có Lãi

Riêng, đối với giá tôm sú vẫn ổn định, loại 20 con giá từ 199.000 - 214.000 đồng/kg; loại 30 con/kg giá 172.000 - 182.000 đồng/kg, loại 40 con giá 142.000 - 152.000 đồng/kg, loại 50 con giá 138.000 đồng/kg… Theo số liệu thống kê, đến nay có 206 hộ thu hoạch hòa vốn, 753 hộ bị thua lỗ và hơn 2.588 hộ nuôi có lãi, chiếm 70,4% số hộ thu hoạch.

13/06/2014