Rộn ràng vụ hoa Tết

Vào vụ mới
Năm nay gia đình ông Kiều Quang Nhiên ở khối 2, thị trấn Sông Vệ (Tư Nghĩa) trồng hơn 800 chậu hoa cúc và gần 100 chậu hoa đủ loại.
Ông Nhiên cho biết: “Các nhà vườn khác người ta đã xuống giống cách đây 15 – 20 ngày rồi, giờ mình mới trồng thì cũng hơi muộn, nên phải thuê 5 – 7 người làm cho kịp”.
Cũng như ông Nhiên, gia đình chị Văn Kim Hồng, thôn Mỹ Hòa, xã Nghĩa Mỹ cũng đúc chậu, sửa soạn làm đất để trồng cho kịp đợt hoa phục vụ tết. Chị Hồng cho biết:
“Vụ này vợ chồng tôi đúc hơn 1.000 chậu. Xong công đoạn này sẽ bắt đầu trộn hỗn hợp phân và đất, sau đó xuống giống.
Những vụ trước, cũng lấy công làm lời như vậy mà kiếm được 15 – 20 triệu đồng sau mỗi vụ, gia đình phấn khởi lắm!”.
Theo chủ nhà vườn ở các địa phương trồng hoa, vụ hoa tết được bắt đầu từ cuối tháng 7 đến hết tháng 8 (âm lịch) hằng năm.
Theo đó, việc chuẩn bị chậu, phân bón, đất là khâu đầu tiên và quan trọng hơn hết vì phải làm hết sức kỹ lưỡng.
Tiếp đến là khâu chọn giống. Nếu có lượng giống dự trữ từ các năm trước để lại, thì việc nhập giống đỡ tốn kém chi phí hơn so với việc mua giống từ Đà Lạt về.
Ngoài ra, để giữ nhiệt độ cho vườn hoa, các chủ vườn thường kéo điện, thắp đèn cho cây đủ độ sáng để sinh trưởng, phát triển tốt.
Bên cạnh việc xuống giống trồng cúc, nhiều nhà vườn còn trồng xen kẽ các loại hoa như hồng, lay – ơn, vạn thọ… để cung ứng đầy đủ cho thị trường hoa Tết.
Ông Nguyễn Công Binh – Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Mỹ cho biết, việc trồng hoa phục vụ tết là nghề đã có từ rất lâu đời ở địa phương này.
Các hộ dân rất chú trọng đến việc chăm sóc và lo đầu ra cho hoa.
Chính vì thế, tới mùa là hầu như nhà nào cũng tất bật vào vụ để trồng và kịp cung ứng cho thị trường hoa tết những chậu hoa đẹp và chất lượng nhất.
Giải quyết việc làm lúc nông nhàn
Vụ lúa hè thu vừa kết thúc, thì cũng là lúc vụ hoa tết bắt đầu. Đây là một trong những công việc giúp cho người nông dân có thêm việc làm, cũng nguồn thu nhập trong những tháng nhàn rỗi. Bà Lê Thị Bên, thôn Hải Môn, xã Nghĩa Hiệp cho biết:
“Một ngày làm như thế này tôi kiếm từ 100 – 120 nghìn đồng. Nếu không có vụ hoa tết, các nhà vườn không thuê mình làm thì cũng ở không ba tháng.
Công việc cũng không nặng nhọc và khó khăn là mấy, chỉ cần tỉ mỉ và biết cách làm thì sẽ có thu nhập ổn định”.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, thôn Thế Bình, xã Nghĩa Hiệp chia sẻ: “Ngoài việc thuê đất để trồng hoa, mình cũng phải thuê thêm nhân công để phụ làm.
Nhất là những ngày cắm “choái”, sửa búp là cần người làm nhất. Giai đoạn hoa gần cho thu hoạch phải túc trực liên tục và thuê ít nhất là 5 nhân công”.
Vụ hoa năm nay, hai xã Nghĩa Mỹ và Nghĩa Hiệp có hơn 720 hộ trồng hoa.
Trung bình một hộ sẽ thuê từ 3 – 7 nhân công để làm vườn, chăm sóc.
Từ đó, có thể thống kê các nhà vườn sẽ giải quyết việc làm cho hơn 4.300 lao động tại các địa phương với mức thu nhập từ 3-3,5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Trần Văn An – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp cho biết: "Vụ hoa Tết không những góp phần phát triển kinh tế cho các hộ gia đình, mà còn giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người dân ở địa phương.
Từ đó, họ có công việc ổn định, có thêm nguồn thu nhập trong mùa nông nhàn. Tuy nhiên, trong quá trình trồng hoa, các nhà vườn thường gặp không ít khó khăn, đặc biệt là những lúc mưa to, gây ngập úng, thất thoát nặng.
Chính quyền địa phương cũng rất mong các cấp quan tâm, xem xét cũng như có chính sách hỗ trợ thiệt hại cho người trồng hoa nếu như gặp mất mùa hoặc những điều đáng tiếc không may xảy ra".
Có thể bạn quan tâm

Những năm qua, mô hình nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã Tân Hưng Ðông, huyện Cái Nước, Cà Mau. Từ mô hình này đã giúp cho nhiều hộ dân vươn lên ổn định cuộc sống. Trong đó phải kể đến ông Trần Văn Ðường, ngụ ấp Ðông Hưng là một trong những hộ nuôi dê đầu tiên của xã.

Nhìn những quả na dai to đều, nặng trĩu khắp các cành cao, cành thấp mới cảm nhận được nỗ lực chịu thương, chịu khó học hỏi không ngừng của vợ chồng anh Nguyễn Văn Thuyết để có được những bí quyết hay và thành quả của ngày hôm nay.

Đây là mô hình nằm trong chương trình Đề án về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản có nguồn gốc nuôi trồng nhằm mục tiêu tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật giúp người nuôi từng bước tiếp cận với phương thức sản xuất mới từ đó nâng cao trình độ sản xuất, thích hợp với yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Cá chày mắt đỏ là một trong những loài cá bản địa sống ở các sông, hồ tự nhiên khu vực phía Bắc, đến nay trở nên quý hiếm do sản lượng ngày càng suy kiệt. Việc nhân giống cá chày mắt đỏ và phổ biến quy trình nhân giống có ý nghĩa lớn trong bảo tồn đa dạng sinh học tự nhiên, đồng thời gợi mở cho các hộ nuôi trồng thủy sản một hướng phát triển kinh tế tiềm năng.

Nằm ở lưu vực sông Sêrêpôk đoạn qua xã Ea Na, huyện Krông Ana, nơi nối liền hai huyện Krông Ana (tỉnh Dak Lak) và huyện Krông Nô (tỉnh Dak Nông) có một trang trại cá diêu hồng, với sản lượng cá xuất ra hàng ngày lên tới 3-5 tấn. Vì nằm trên cồn, biệt lập với đất liền nên người dân quanh vùng đặt tên cho nơi này là "đảo cá".