Rộn Ràng Mùa Gặt

Vào những ngày giữa tháng Ba, trên nhiều cánh đồng ở các huyện Sơn Tịnh, Mộ Đức, Tư Nghĩa, chúng tôi bắt gặp không khí lao động hăng say, sôi nổi của bà con nông dân đang thu hoạch lúa.
Tiếng máy gặt đập liên hợp, máy tuốt, máy cắt lúa, tiếng mọi người gọi nhau í ới rộn rã một vùng quê. Mồ hôi đổ ra ướt đẫm áo, nhưng trên khuôn mặt các nông dân đều rạng rỡ nụ cười. Thành quả mà họ thu được sau hơn 3 tháng chăm bón là những hạt lúa vàng óng, no tròn, báo hiệu một vụ mùa bội thu.
Mặc dù bận rộn với công việc suốt lúa, nhưng Chị Phạm Thị Lan ở thôn Kỳ Thọ Nam, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) vẫn phấn khởi khoe: “Nhà tôi có 4 sào sạ giống OM 6661, mới gặt 2 sào đã thu được tới 16 bao lúa khô. Vụ này nông dân đỡ vất vả mà lúa lại trúng mùa”. Bởi thế, thời sự khắp ngoài ruộng, trong ngõ, ngoài xóm chính là câu chuyện được mùa.
Thấy chúng tôi đến quan sát không khí thu hoạch của bà con, anh Đoàn Văn Minh sôi nổi kể chuyện được mùa: “Lúc mới sạ, nhiều đám ruộng bị sâu bệnh ai cũng lo, nhưng được cái là ít chuột cắn phá cộng với bón phân, phun thuốc đúng hướng dẫn, lúc lúa trổ gặp thời tiết thuận lợi nên lúa đẹp quá!”.
Tại cánh đồng Đồng Dông của xã Đức Phú (Mộ Đức), 3 máy gặt đập liên hợp hoạt động hết công suất. Vài chục con người tất bật khuân vác lúa lên bờ. Cánh đồng ngập tràn màu vàng óng ả của lúa chín.
Ôm bó lúa vàng trĩu hạt trên tay, chị Huỳnh Thị Nguyệt ở thôn Phước Hòa, xã Đức Phú (Mộ Đức) phấn khởi cho biết: “Vụ này tôi làm 10 sào, đến thời điểm này tui đã cắt được 8,5 sào. Mọi năm 1 sào phơi khô giỏi lắm được 5 bao lúa. Năm nay, chắc mỗi sào được 6 đến 8 bao lúa khô, tùy theo đám ruộng đất cát hay đất thịt. Lúa rất xinh. Đây là vụ trúng mùa nhất từ trước tới nay, ai cũng vui… ”.
Để tiết kiệm chi phí gặt lúa, nhiều gia đình thuê máy cắt lúa với giá 50.000 đồng/sào, còn suốt thì huy động cả nhà ra tay. Nếu thuê trọn gói máy gặt đập liên hợp, dù đỡ vất vả, nhưng phải tốn đến 160.000 – 170.000 đồng/sào, tùy theo chân ruộng sâu hay cạn.
Vì thời tiết ủng hộ, thu hoạch đến đâu, bà con phơi khô cho vào bồ đến đó. Rơm rạ một ngày sau khi gặt, bà con cũng tranh thủ mang về nhà chất thành cây đề phòng trở tính trở nết mưa gió thất thường.
Tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể vì mới bước vào vụ gặt, nhưng theo đánh giá của ông Trần Thiên Thanh- Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tư Nghĩa: Vụ đông xuân năm nay, chắc chắn lúa chính vụ sẽ đạt năng suất, sản lượng cao hơn từ 0,5 đến 1 tạ/ha so với vụ đông xuân năm ngoái. Bởi thời tiết khí hậu rất thuận lợi, sâu bệnh ít hại lúa, chuột phá hại cũng giảm nhiều nhờ trận lũ hồi tháng 11 năm ngoái cuốn trôi.
Diện tích và năng suất lúa tăng một mặt do nguồn nước Thạch Nham và các hồ, đập đảm bảo. Bà con cũng thực hiện các khâu chăm sóc đúng lịch thời vụ như đã được khuyến cáo và sử dụng các giống lúa năng suất cao, cũng như thực hiện tốt công tác phòng trừ sâu bệnh nên hạn chế được dịch bệnh, giúp lúa sinh trưởng và phát triển tốt.
Các địa phương đang tích cực chỉ đạo các xã đôn đốc bà con khẩn trương thu hoạch trên những thửa ruộng lúa đã chín, đánh giá năng suất và chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất vụ hè thu tới.
Có thể bạn quan tâm

Tháng 2, ngư dân TP. Cam Ranh đã đánh bắt 900 tấn hải sản các loại. Trong đó, cá chiếm gần 89% sản lượng đánh bắt với 800 tấn, còn lại là 40 tấn mực, 5 tấn tôm, 55 tấn thủy sản khác, nâng sản lượng thủy sản khai thác 2 tháng đầu năm lên 1.620 tấn.

Thời gian gần đây, nhiều hộ nuôi tôm sú vùng U Minh Thượng (Kiên Giang) xôn xao trước việc xuất hiện loại tôm giống được cho là xuất xứ từ châu Phi với tên gọi “Sú châu Phi”. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định đây thực chất là tôm giống thông thường, được in giả nhãn mác “Sú châu Phi”.

Tại huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An) người dân đang đẩy mạnh mô hình nuôi tôm đất (tôm đất là giống tôm thiên nhiên, mấy năm nay huyện ươm giống thuần dưỡng phục vụ chuyển đổi nuôi trồng thuỷ sản) do có hiệu quả kinh tế cao.

Gần 10 chiếc loa đều đều phát ra những bản nhạc giao hưởng liên tục từ sáng sớm đến chiều tối phục vụ đàn gà ở trại sản xuất trứng gà Omega-3 của anh Nguyễn Duy Thiên Ân, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên sản xuất và thương mại Omega Minh Ân ở xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom (Đồng Nai).

Quyết tâm tìm hướng đi mới trong sản xuất chăn nuôi nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao, ông Phó Văn Bột, ngụ ấp Phú An 1, xã Bình Hòa (Châu Thành, An Giang) đã thành công với mô hình nuôi bò sữa.