Rau Tần Dày Lá Phát Triển Ở Lương Phi (An Giang)

Trong khi nông dân trồng lúa, rau màu nhiều nơi đang gặp khó khăn bởi giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định thì nông dân xã Lương Phi (Tri Tôn - An Giang) phấn khởi với mô hình trồng rau tần dày lá – một loại dược liệu được sử dụng trong y học cổ truyền. Đây là mô hình triển vọng do bà con được cung cấp giống, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, với giá cả ổn định và đảm bảo có lãi.
Anh Bùi Văn Cuộc (ấp An Ninh), một trong những hộ dân tiên phong trong việc trồng rau tần dày lá, cho biết, thấy giá cả rau màu lên xuống thất thường, anh muốn chuyển sang loại cây trồng khác, nhưng chưa biết trồng cây nào phù hợp. Bấy giờ, xã mời tham dự hội thảo mở vùng chuyên canh dược liệu của Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang.
Anh Cuộc nhớ lại: “Toàn xã chỉ có vài người đăng ký trồng tần dày lá này thôi. Tôi đăng ký trồng trên 1,5 công đất trong sự bất ngờ của bà con xung quanh, bởi loài cây này chỉ để nấu canh chua, chứ trên thị trường chẳng tiêu thụ được. Lúc đó, tôi cũng thấy lo lo, nhưng cứ bạo dạn làm thử…”.
Theo anh Cuộc, mỗi công đất cần từ 250kg – 270kg cây giống, sau 4 tháng trồng có thể thu hoạch, bà con chở ra xưởng sơ chế của công ty đặt tại ấp Tà Dung (xã Lương Phi) bán với giá 2.700 đồng/kg. Công ty hỗ trợ 2,5 triệu đồng cho mỗi công đất, cho mượn máy cày, máy bơm nước, máy phun thuốc… tạo điều kiện canh tác.
Hiện nay, diện tích trồng tần dày lá của anh Cuộc đang thu hoạch, năng suất ước trên 4 tấn/công, trừ chi phí sản xuất khoảng 6 triệu đồng, còn lãi trên 4 triệu đồng.
Đó là chưa kể khoản thu từ việc bán cây giống, cung cấp giống cho các thành viên trong tổ hợp tác. Anh Cuộc nói: “Sau khi trồng khoảng 2 tháng là có thể thu hoạch bán giống, năng suất trên 2,5 tấn/công, giá 7.000 đồng/kg”. Cùng ở ấp An Ninh, chú Nguyễn Văn Keo hồ hởi: “Thấy trồng rau tần dày lá cho hiệu quả kinh tế cao nên tôi đến tham quan, học tập kinh nghiệm và tiến hành trồng thử trên 1 công đất. Loại cây này được công ty thu mua, bao tiêu giá nên cũng vững bụng phần nào”.
“Cây rau tần thích hợp với vùng đất pha cát, không chịu được đất phèn. Vì đây là loại không chịu nước nên cần phải xẻ rãnh thoát nước, chống ngập úng vào mùa mưa. Nếu cây bị ngập nước thì sẽ bị oi nước, vàng lá không phát triển được” - anh Cuộc chia sẻ kinh nghiệm. Loại cây này trồng trên nền đất ở xã Lương Phi rất tốt, tỉ lệ tinh dầu cao hơn so với khu vực TP. Cần Thơ gấp 4 lần.
Chủ động được nước tưới đầy đủ, một năm có thể trồng 2 vụ và xen với một loại cây trồng khác để tránh dịch bệnh phát sinh. Nhờ có cán bộ của công ty và Hội Nông dân xã Lương Phi phối hợp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, nông dân yên tâm canh tác tần dày lá.
Hiện tại, xã Lương Phi đã thành lập “Tổ hợp tác trồng rau tần dày lá”, với 33 hộ tham gia, diện tích 167.800m2. Vào thời điểm này, có 24 hộ đã đặt cây giống, 9 hộ đang làm đất chuẩn bị xuống giống tiếp tục. Diện tích trồng nhiều ở ấp Tà Dung, An Ninh...
Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Lương Phi Nguyễn Ngọc Hậu, cho biết, đây là mô hình mới và hiệu quả trong việc chuyển đổi cây trồng, mang lại lợi nhuận cao cho hội viên và nông dân, nhất là đối với những vùng đất không canh tác được cây lúa và rau màu năng suất thấp.
“Cây rau tần dày lá phát triển mạnh vào mùa khô trên nền đất đủ ẩm, tơi xốp, giàu hữu cơ, thoát nước tốt. Cây có khả năng tái sinh mạnh, cho ra rễ dễ dàng từ thân non, đọt, rất dễ trồng”.
Có thể bạn quan tâm

Mọi năm, cứ đến mùa vải, cả huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) tấp nập khách thập phương và thương lái đến mua vải. Nhưng năm nay, thị trường quả vải trầm hẳn, nguyên nhân là do mất mùa. Nỗi buồn của người trồng vải ở Hữu Lũng bị nhân đôi bởi không những mất mùa, mà giá vải bán lại thấp. Vải ở Hữu Lũng năm nay chẳng ngọt mà cứ “đắng” dần.

Cuộc khủng hoảng nợ công ở nhiều quốc gia châu Âu khiến cho ngân hàng ở nhiều nước hạn chế các khoản vay và điều kiện cho vay, nhà nhập khẩu buộc phải cắt giảm đơn hàng, thậm chí đàm phán hạ giá gây ra rất nhiều khó khăn đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam

Trà Vinh là địa phương có sản lượng dừa đứng thứ hai trong khu vực ĐBSCL (sau tỉnh Bến Tre), với diện tích trên 14.941 ha và hàng năm cho sản lượng trên 151 triệu trái dừa. Trước tình hình giá dừa đang sụt giảm mạnh trên thị trường, hiện dao động ở mức 11 – 13 ngàn đồng/chục (12 trái); giảm 95 – 100 ngàn đồng/chục so với cùng kỳ tháng 5/2011.

Dự án Đào tạo nâng cao năng lực kinh tế dựa vào cộng đồng (CB-TREE) do Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp với Dự án Thị trường lao động EU/MOLISA/ILO đang triển khai thí điểm tại Hà Tĩnh có thể là hướng đi phù hợp

Vì là loài rắn quý hiếm nên nhiều nhà hàng, quán ăn đã thu mua hổ hèo với giá khá cao, từ 450.000đ – 500.000đ/kg. Do đó, một vài bà con nông dân đã mày mò tìm cách nuôi hổ hèo cho sinh sản và bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế đáng khích lệ