Rau Hoa Xứ Lạnh Kon Tum Vươn Ra Thị Trường Miền Trung

Cùng với lan hồ điệp, hoa địa lan là sản phẩm nổi tiếng ở Măng Đen, được người tiêu dùng ưa thích.
Sau năm năm trồng thử nghiệm, hai năm gần đây rau hoa trồng tại Măng Đen (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) không chỉ đáp ứng yêu cầu tiêu thụ tại chỗ mà đã bắt đầu vươn ra được thị trường ngoài tỉnh tiêu thụ ở các tỉnh Gia Lai, Bình Định, Quảng Ngãi.
Ông Trần Minh Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Kon Plông cho biết: Các loại hoa như hoa lan, đồng tiền, hoa hồng, hoa tuy-lip, hoa li-ly... được trồng tại Măng Đen bước đầu đã được thị trường chấp nhận tiêu thụ với thương hiệu "Hoa Măng Đen" trên bao bì.
Đặc biệt là hoa li-ly, trong năm 2013 đã bán được cho thị trường tỉnh Bình Định khoảng 18.000 cây; tỉnh Gia Lai tiêu thụ khoảng 15.000 cây, Quảng Ngãi tiêu thụ khoảng 2.000 cây. Một số thị trường khác như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh đã tiêu thụ được nhưng số lượng còn hạn chế (khoảng 2.000 cây).
Các thị trường này rất thích các sản phẩm hoa li-ly sản xuất tại Măng Đen do giá bán thấp hơn giá hoa sản xuất tại Đà Lạt, vận chuyển thuận lợi và nhanh chóng nên hoa ít hư hỏng và bảo quản được lâu, đáp ứng nhu cầu nhanh chóng kịp thời trong khi chất lượng hoa không thua kém hoa được sản xuất tại Đà Lạt. Mức giá bán hoa li-ly cắt cành trung bình trước Tết là 14.000 đồng/cây (ngày thường) và giá bán trung bình trong dịp Tết là 30.000 đồng/cây.
Theo báo cáo của huyện Kon Plông, trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015 này, khu vực trồng hoa Măng Đen cho ra thị trường 19 loại hoa như hoa li-ly, hoa hồng, tuy-lip, lan hồ điệp, địa lan, hoa thu hải đường, dạ yên thảo...
Người trồng hoa tại hai cơ sở, Hợp tác xã rau hoa xứ lạnh Thanh niên Măng Đen và Trại thực nghiệm Kon Plông cho biết: Năm nay nhờ thời tiết khí hậu thuận lợi nên hầu hết các loại giống hoa trồng ở Măng Đen đều rất đẹp và trổ đúng dịp Tết. Tại hai cơ sở này đã có khoảng 30.000 cành hoa li-ly được khách hàng đặt mua với giá từ 28 - 30.000 đồng/cành; hàng nghìn chậu hoa tuy-lip; anh thảo, cúc lá nho, lan hồ điệp đã được khách đặt hàng với giá từ 50.000 đồng đến 80.000 đồng/chậu. Nếu bán được hết các sản phẩm với mức giá này thì nhà vườn có lãi từ 40 - 60%.
Nằm ở độ cao trung bình 1.200 mét so với mực nước biển, độ che phủ rừng đạt hơn 78%, nhiệt độ trung bình quanh năm dao động từ 18 - 20 độ C, Măng Đen Kon Tum được ví như Đà Lạt thứ hai của Việt Nam. Để phát triển ngành nghề mới trồng rau xứ lạnh này, huyện Kon Plông đã cho chuyển đổi gần 600 ha đất rừng sang quy hoạch phát triển rau hoa xứ lạnh. Bước đầu đã tuyển chọn được 37 hộ dân tại chỗ và 12 hộ dân từ TP Hồ Chí Minh đưa vào trồng thử nghiệm rau hoa xứ lạnh ở Măng Đen.
Những thành công bước đầu về phát triển rau hoa xứ lạnh ở Măng Đen đang mở ra cho huyện Kon Plông một hướng đi mới trong phát triển kinh tế để vươn lên thoát khỏi huyện nghèo và vươn lên làm giàu trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm

Vào thời điểm này, nông dân đã cải tạo lại ao đầm trên những diện tích tôm nuôi bị thiệt hại và thả nuôi hơn 1.200ha, chủ yếu là tôm nuôi theo mô hình quảng canh cải tiến.

Nhận thấy dứa là cây dễ trồng, vốn đầu tư ít, thời gian canh tác ngắn, quả dứa lại dễ tiêu thụ và được giá, năm 2014, nhiều hộ dân bản Háng Lìa, xã Sa Lông (huyện Mường Chà) tự bỏ vốn sang tỉnh Lào Cai mua dứa giống về trồng trên những nương đất bạc màu và những khoảnh nương trồng cây khác nhưng kém hiệu quả. Đến nay, toàn bản đã có gần 30 hộ trồng dứa. Nhà trồng ít gần 10 nghìn cây, nhà trồng nhiều 60.000 – 70.000 cây...

Khảo sát tình hình thực tế sò huyết nuôi ở các bãi sò trên địa bàn tỉnh trong thời gian giữa tháng 4-2014 cho thấy xuất hiện hiện tượng sò huyết chết với tỷ lệ khá cao ở các xã: Tân Xuân, Bảo Thạnh (Ba Tri); sò có dấu hiệu yếu ở xã Thạnh Hải (Thạnh Phú, Bến Tre).

Chủ lồng cá là một thanh niên ngoài 30 tuổi cười tươi và bảo rằng: "Một lồng cá dưới sông tương đương 2 mẫu ao trên đất liền. Bao vùng sông nước có hơn gì mình đâu mà họ vẫn làm, tại sao dân quê ta lại không dám làm. Em xuống đây trước để mọi người cùng xuống cho vui…”.

Ông Bùi Thanh Sỹ, thôn Hội Long, xã Ân Hảo Đông (Hoài Ân, Bình Định) cho biết: Ngoài làm ruộng, gia đình ông còn trồng 3 sào dâu để lấy lá nuôi tằm. Mỗi tháng cho ra 3 hộp kén, mỗi hộp 40 kg, mỗi tháng lãi ròng hơn 10 triệu đồng.