Rau Gia Vị Trái Vụ Cho Lợi Nhuận Cao

Giữa tháng Sáu trời nóng nực, nhiều thửa ruộng che phủ vải trắng, lưới nilon ở các vùng sản xuất rau màu tập trung của huyện Gia Lộc nhất là vùng ven thành phố của tỉnh Hải Dương gieo trồng cần tây, tỏi tây, rau mùi… trái vụ vẫn xanh non mơn mởn.
Bà Nguyễn Thị Tâm thôn Tâng Thượng xã Liên Hồng cho biết: Muốn gieo trồng các giống rau cần tây, tỏi tây, rau mùi vào mùa nóng khâu chuẩn bị phải tốt, đầu tư cao, ruộng phải cao, thuận tiện tưới tiêu, đất phải được nghỉ khoảng 2 tháng bằng cách: cày bừa ngả, ngâm nước, làm đất, khi lên luống phải phơi đất ải, làm đất mặt luống nhỏ, kỹ; mặt luống được phủ dày 2 - 3 cm đất bột, phân chuồng, phân lân đã được trộn đều, ủ kỹ 2 - 3 tháng; chống mưa nắng bằng vải phin trắng hoặc lưới nilon kết hợp với khum tre cách mặt luống 70 - 80cm, 2 bên mép để thoáng khoảng 25cm.
Bà Tâm cũng cho biết thêm, người dân trong thôn sản xuất rau màu trái vụ đến nay đã được 4 - 5 năm. Vụ thu hoạch rau trái vụ từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm, ruộng để không 3-4 tháng nhưng không tiếc. Làm theo cách này đầu tư có cao nhưng bù lại năng suất cao và ổn định, rau ngon nên bán được giá, làm một vụ bằng mấy vụ; hơn nữa, việc tiêu thụ, do các đại lý tại địa phương thu mua nên rất thuận lợi. Nếu làm theo phương pháp trước đây, rau bị chết nóng và sâu bệnh nhiều, dập nát nhiều, sản lượng thấp.
Vào thời điểm trung tuần tháng 6 giá rau mùi ở đây từ 30.000 – 40.000 đồng/kg, tỏi tây, cần tây 30.000 – 35.000đồng/kg. Mỗi sào bà con thu 12 - 18 triệu đồng. Theo tính toán của các hộ dân ở đây, sau khi trừ tất cả các chi phí khoảng 2 triệu đồng/sào (bao gồm: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), vật liệu che phủ), cá biệt có hộ thu 25-30 triệu đồng/sào, mỗi sào bà con thu lãi trên 10 triệu đồng.
Theo Chi cục Thống kê, hiện tại toàn huyện Gia Lộc có trên 15ha rau mùi, cần tây, tỏi tây trái vụ, mỗi ha cho giá trị sản xuất từ 400 - 500 triệu đồng.
Ông Đoàn Văn Cảnh - Cán bộ Viện Cây lương thực Thực phẩm cho biết, nông dân chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong nhà lưới, nhà màng sang kỹ thuật sử dụng khum tre kết hợp với vải trắng, lưới nilon, màng phủ nilon trồng rau trái vụ là một biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong việc khắc phục các yếu tố thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao, mưa nhiều, phù hợp với mức độ đầu tư của nông hộ, cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, sâu bệnh ít, cho năng suất, chất lượng và hiệu quả cao, từ đó góp phần giảm bớt sự mất cân bằng cung, cầu của thị trường rau.
Ông Cảnh cũng đề nghị các địa phương tăng cường công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật và cho nông dân tham quan học tập để sản xuất rau trái vụ ngày càng được mở rộng.
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay tổng đàn lợn của tỉnh Bắc Kạn 183.726 con, trong đó: lợn nái có 17.744 con, chiếm 9,7% tổng đàn. Về lý thuyết với số lượng đàn lợn nái như trên có thể sản xuất đủ số lượng lợn giống nuôi thịt đáp ứng nhu cầu sản xuất trong tỉnh, nhưng thực tế bình quân hàng năm người chăn nuôi phải nhập khoảng 100.000 – 120.000 con lợn giống từ tỉnh ngoài, gây khó khăn rất lớn trong việc kiểm tra chất lượng và tình hình dịch bệnh trên đàn lợn của tỉnh.

Theo phản ánh của Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) tại Hội thảo “Quản lý chất lượng giống tôm nước lợ” diễn ra ngày 24/4 tại Ninh Thuận: Tình hình kinh doanh tôm giống rất phức tạp, một số cơ sở ương giống mua Naupli, post của một số cơ sở sản xuất giống lớn về trộn với tôm của mình sản xuất hoặc với tôm chợ rồi lại lấy bao bì, nhãnh mác của công ty làm thương hiệu của mình. Một số lượng tôm giống cũng được buôn bán qua đường tiểu ngạch từ Trung Quốc qua cửa khẩu Quảng Ninh về Việt Nam. Hầu hết số lượng này không được kiểm dịch, kiểm soát nên gây thiệt hại cho người nuôi.

Với sự hỗ trợ của Hội ND, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên cùng Công ty TNHH Cường Đại, nhiều hộ ND ở Thái Nguyên đã mua được máy cày theo phương thức trả chậm.

Trước những hậu quả nghiêm trọng do việc sử dụng không đúng cách những hóa chất, kháng sinh trong nghề nuôi tôm, vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 03 và Thông tư số 04 về việc bổ sung Cypermethrin, Deltamethrin, Enrofloxacin vào danh mục hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản; đồng thời đưa 28 sản phẩm có chứa Cypermethrin, Deltamethrin, Enrofloxacin ra khỏi Danh mục sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thuỷ sản, thuốc thú y thuỷ sản được phép lưu hành tại Việt Nam.

Liên quan đến tình trạng nông dân tự phát đào ao ươm cá tra giống trên đất lúa ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang), ông Lê Văn Hưởng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết: Đã chỉ đạo các ngành chức năng trong tỉnh kiên quyết không để phát sinh thêm việc đào ao ươm cá giống trên đất lúa, nhằm giữ diện tích lúa theo qui hoạch.