Rau Baby Trên Đất Khô Cằn

Trong lúc giá rau Tết đang có chiều hướng biến động thì riêng rau baby (rau tí hon) trồng trên các thửa đất khô cằn ở xã Hiệp An, Đức Trọng, Lâm Đồng và các vùng lân cận vẫn ổn định doanh thu và lợi nhuận.
Dưới chân đèo Mimosa, phường 3, Đà Lạt có một khu vực đất rộng lớn trước đây khai thác làm nguyên liệu sản xuất gạch xây dựng, nay đã phủ lên xanh ngát những luống rau baby nhà kính.
Một chiều cuối tuần, anh nông dân trẻ Nguyễn Trung Thành đang thu hoạch những trái ớt ngọt baby cho vừa đủ số lượng 3 tạ, chuyển ngay về các siêu thị ở Sài Gòn tiêu thụ. Đây là diện tích 500 mét vuông nhà kính mà Thành đã canh tác ớt ngọt baby hơn 7 tháng qua, trong đó đã kết trái cho hoa lợi hơn 3 tháng.
Trung bình mỗi tuần “hái ra tiền” một lần từ 2,5 - 3 tạ trái. “Mùa tết năm ngoái, em trồng hoa lay ơn trên 500 mét vuông ngoài trời, gặp lúc bán được giá nhưng cũng chỉ đạt lãi hơn chục triệu đồng. Chuyển sang trồng ớt ngọt baby nhà kính, số lãi thu về tăng gấp nhiều lần hơn trước.
Hơn nữa, giá ớt ngọt baby của em bán theo hợp đồng ổn định cả năm, nên thường cao hơn giá ớt ngọt bình thường từ 30% trở lên…” - Thành cho biết. Rồi bước sang khu vực nhà kính 500 mét vuông liên canh trồng dưa leo baby, Thành ước tính đã thu hái gần 30 ngày với tổng sản lượng hơn 5 tấn, tính lãi nhanh được hàng chục triệu đồng sau hơn 2 tháng xuống giống. Thành chia sẻ thêm: “Thế là em yên tâm với khoản đầu tư 200 triệu đồng xây dựng nhà kính, cải tạo đất và lắp đặt các thiết bị tưới nước, bón phân tự động… sẽ sớm được thu hồi trong năm mới 2015…”.
Cũng thuộc khu vực đèo Mimosa, Đà Lạt, trại rau baby nhà kính rộng 6.000 mét vuông của hộ gia đình ông Cao Chu Vân thì đa dạng chủng loại cây trồng hơn.
Tham quan một vòng trong khu nhà kính này càng ghi nhận khá rõ nét về việc sản xuất quy mô, bài bản của quy trình kỹ thuật công nghệ cao, giúp gia đình ông Vân không ngừng phát triển kinh tế thu nhập với việc chuyên canh nhiều loại rau cao cấp khác nhau từ 7 năm trước.
Đặc biệt cách đây 4 năm, anh nông dân Võ Tiến Huy ở xã Hiệp An, Đức Trọng đến đặt vấn đề liên kết sản xuất, tiêu thụ rau baby, ông Vân nhất trí chọn 3 cây rau baby chủ lực là dưa leo, súp lơ và ớt ngọt để trồng luân canh với các loài rau VietGAP khác.
Kết quả tính riêng trong một năm vừa qua, gia đình ông Vân đạt lãi rau baby nhà kính từ 70 - 80 triệu đồng/1.000 mét vuông. Hỏi về kinh nghiệm trồng rau baby nhà kính, ông Vân nói ngay đó là việc tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật thực hành ở 3 công đoạn chính gồm tưới nước, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch.
Cụ thể, phải thu hái sản phẩm vào buổi sáng để giữ tươi được lâu hơn trên đường vận chuyển; buổi trưa và buổi chiều bật công tắc tưới nước tự động, khi cây còn nhỏ thì mỗi ngày tưới 1 lần, cây lớn thì 3 ngày tưới một lần kéo dài khoảng 10 phút (mùa mưa) và khoảng 15 phút (mùa khô). Bón phân hữu cơ bằng hệ thống nhỏ giọt theo liều lượng VietGAP, sử dụng thuốc sinh học để “bảo vệ sức khỏe” cây trồng…
Không chỉ riêng trên nền đất sét ở dưới chân đèo Mimosa, Đà Lạt, rau baby còn xanh tốt và đạt năng suất trên nền đất đá dưới chân núi Voi, Đức Trọng. Nơi này 4 năm trước, anh nông dân Võ Tiến Huy trồng thử nghiệm trên 1.000 mét vuông với 2 giống rau baby là dưa leo và súp lơ xanh nhập về từ Hà Lan và Nhật. Kết thúc vụ thu hoạch đầu tiên, anh Huy thu được khoảng 80% sản phẩm đạt yêu cầu đặt hàng từ hệ thống siêu thị cao cấp tại Sài Gòn.
Những vụ sau đó được hoàn chỉnh quy trình sản xuất, đến nay hộ gia đình anh Huy đã mở rộng diện tích khoảng 1,1ha trồng luân canh rau baby, nhưng vẫn thu hoạch không đủ số lượng bán theo nhu cầu thị trường đã khai thác được.
Nắm lấy cơ hội cầu vượt cung, anh Huy đã từng bước liên kết với nông dân ở các vùng lân cận của xã Hiệp An, Đức Trọng chuyển đổi diện tích trồng rau ngoài trời và hoa lay ơn hàng năm sang trồng rau baby, hiện đã phát triển tổng diện tích lên khoảng 17ha. Hình thức hợp tác, bên anh Huy cung cấp giống, kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm, bên nông dân có đất, công lao động, vốn đầu tư. Hạch toán từ việc chuyển đổi ở đây, mức lợi nhuận đã tăng lên gấp ba, gấp bốn lần cho người sản xuất.
Mới đây, nông dân Võ Tiến Huy đã hợp tác với 1 hộ nông dân ở xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng sản xuất thành công trên 2.500 mét vuông cây su su, thu hoạch trái non tiêu thụ rất nhanh với số lượng từ 70 - 80 kg/ngày, đạt lợi nhuận vượt trội so với cách trồng truyền thống (thu trái già). “Dự báo thị trường rau baby trong những năm tới vẫn là thị trường tiềm năng dồi dào!” - Huy nhận định.
Có thể bạn quan tâm

Cùng với con trâu, con bò và gắn với đồng ruộng, những năm gần đây xã Hòa Mục (Chợ Mới - Bắc Kạn) đã có sự đổi thay rõ rệt trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát huy thế mạnh đồi rừng, cuộc sống của bà con đã có sự chuyển biến rõ rệt.

Hàng chục hộ dân của hai thôn Bàu Giêng và Thắng Hải, xã Thắng Hải (Hàm Tân - Bình Thuận) đang gửi đơn kêu cứu, vì không thể chịu đựng được tình trạng ô nhiễm môi trường do nuôi tôm công nghiệp. Với mức độ xả nước thải dày đặc từ những hồ nuôi tôm thẻ chân trắng có diện tích rộng từ 2.000 - 3.000 m2 nơi đây, nếu không có giải pháp xử lý, khả năng sẽ ngày càng ô nhiễm nặng đến nguồn nước sinh hoạt.

Những ngày qua, ngư dân tại các vùng biển đồng loạt bước vào vụ sản xuất chính trong năm. Ngành chức năng Quảng Nam cũng đã đề ra nhiều giải pháp để đồng hành với các chuyến xa khơi của ngư dân.

Mấy năm nay, những lúc nông nhàn, ông Ngô Quang Thạo, ở xã Minh Tân (huyện Kiến Thụy - Hải Phòng) có thêm nghề quay mật cho những hộ nuôi ong trong vùng. Cứ đến mùa thu hoạch, ông Thạo lại đạp xe rong ruổi khắp làng trên xóm dưới quay mật giúp mọi người. Ông ít khi lấy tiền công quay mật nên mọi người thường cảm ơn bằng cách gửi biếu con gà, đôi vịt, lít mật ong...

Anh Phan Thanh Nhã, ấp 4, xã Trung An, TP. Mỹ Tho (Tiền Giang) bắt đầu việc nuôi cút từ năm 2001, lúc đầu gia đình anh nuôi khoảng 4.000 con cút giống, sau 3 tuần đàn cút bắt đầu đẻ trứng. Thời gian đầu cút thường xuyên bị chết do mắc một số bệnh thông thường. Thế nhưng anh không nản chí mà tiếp tục học hỏi kinh nghiệm từ những hộ nuôi cút khác, từ đó anh có biện pháp phòng ngừa bệnh kịp thời nên về sau đàn cút luôn khỏe mạnh và cho trứng khá đều.