Rắn Hổ Hèo – Đối Tượng Nuôi Mới Của Nhà Nông

Sau khi đi tham quan mô hình nuôi rắn của một người quen ở tỉnh Tây Ninh, ông Nguyễn Văn Tài, ở ấp 3, xã Khánh Tiến, huyện U Minh, nhận thấy loài rắn hổ hèo (miền Đông gọi là long thừa) rất dễ nuôi. Do đặc tính lành, không độc nên ông quyết định mua giống về nuôi thử nghiệm, bước đầu cho thấy rất khả quan.
Do rắn hổ hèo là loài vật nuôi khá mới mẻ nên ban đầu ông Tài chỉ nuôi thử nghiệm 20 con. Nguồn giống ông mua trực tiếp từ tỉnh Tây Ninh với giá 270.000 đồng/con, trọng lượng khoảng 80 con/kg. Sau 12 tháng nuôi, rắn đạt trọng lượng 1,8 kg/con.
Với thành công bước đầu này, ông quyết định tăng đàn. Hiện nay đàn rắn nhà ông Tài đã lên đến 120 con. Thực ra, rắn hổ hèo không phải là loài vật xa lạ với nông dân, nhưng nuôi nó thì vùng Cà Mau này chưa ai nghĩ đến. Ông Nguyễn Văn Tài chia sẻ, do đầu ra ổn định, lại có giá cao so với một số loài vật nuôi khác ở địa phương nên ông quyết định chọn nuôi loài rắn này.
Rắn hổ hèo phát triển nhanh, mau lớn, dễ thích nghi với môi trường mới. Nếu cung cấp đủ thức ăn thì trong khoảng thời gian nuôi 24 tháng, rắn sẽ đạt trọng lượng từ 3,5-4 kg/con. Thức ăn của loài rắn này rất dồi dào ở địa phương như: nhái, cóc, thằn lằn và chuột. Cũng có thể cho ăn các loại cá tạp với tỷ lệ 1 kg mồi tương đương với 10 kg rắn thịt, và mỗi ngày chỉ cần cho ăn một lần là đủ.
Ngoài ra, loài rắn này còn có đặc tính khá hiền nên cũng dễ dàng vệ sinh chuồng nuôi và kiểm tra sức khoẻ của chúng. Kỹ thuật nuôi rắn khá đơn giản, có thể nuôi trong bể xi-măng hoặc thùng gỗ bao lưới chì xung quanh, chỉ cần không cho rắn thoát được ra ngoài. Với diện tích từ 7-10 m2, có thể nuôi vài trăm con rắn thương phẩm.
Ông Tài cho biết, tuy vốn ban đầu khá cao nhưng bù lại nhẹ công chăm sóc, chi phí thức ăn thấp. Điều quan trọng là giá rắn thương phẩm trên thị trường rất ổn định và ở mức cao so với các loài rắn nuôi ở địa phương, như rắn ri tượng, trăn… Tùy theo thời điểm và nhu cầu của thị trường, giá rắn hổ hèo dao động từ 1-1,2 triệu đồng/kg.
Ông Tài nhẩm tính, nếu với số lượng 120 con rắn ông đang nuôi thì mùa này năm sau ông sẽ bán ra chắc chắn có lãi từ 80-90 triệu đồng. Tuy nhiên, trong điều kiện khan hiếm giống nên ông Tài không có ý định bán hết số rắn này mà sẽ tuyển chọn lại 10 cặp rắn tốt để phối giống, mở rộng chăn nuôi.
Mô hình nuôi rắn hổ hèo đang mở ra hướng đi mới, nhằm đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi, tạo nguồn thu nhập ổn định cho nhiều nông hộ. Đặc biệt, trong điều kiện ít đất sản xuất thì loài vật nuôi này sẽ là lựa chọn lý tưởng cho người dân nông thôn.
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay, một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn của tỉnh Bình Thuận như: Công ty Hải Nam, Thaimex, Hải Thuận, Sơn Tuyền, Hải Phong Việt, Hải Tiến, Nam Hải... là những doanh nghiệp chủ lực thuộc Hiệp hội Thủy sản.

Ngành thủy sản và gạo nếu được cơ cấu lại sản xuất theo chuỗi chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, có thương hiệu thì cơ hội tốt khi xuất khẩu.

Sau bài Thịt heo sạch: Gian nan đường vào chợ đăng trên Báo SGGP số ra ngày 3-11, chiều 12-11, bà Nguyễn Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ, cho biết công ty vừa tăng thêm 3 điểm bán lẻ thịt heo VietGAP tại TPHCM.

Năm 2015, Trạm Khuyến nông huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp thực hiện hiệu quả mô hình thực nghiệm nuôi gà trống thiến trên gà tàu lai. Mô hình được thí nghiệm trên 64 gà tàu lai nuôi vỗ béo đến 120 ngày.

Công ty TNHH Đại Thành Lộc hiện đầu tư trang trại qui mô 2.400 con lợn nái sinh sản ở Nam Hưng, Nam Đàn (Nghệ An) với tổng trị giá trên 100 tỷ đồng.