Ra Mắt Chuỗi Liên Kết Chăn Nuôi Thành Phố Hà Nội

Sáng 25/4, Trung tâm phát triển chăn nuôi, thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội đã ra mắt chuỗi liên kết chăn nuôi TP Hà Nội và khai trương hệ thống cửa hàng tiêu thụ thực phẩm của Công ty CP Cộng Đồng Green Food Hà Nội.
Theo ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm phát triển chăn nuôi, Công ty Green Food Hà Nội được thành lập với mục tiêu liên kết thành chuỗi sản xuất thực phẩm từ sản xuất thức ăn đến chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ thực phẩm. Mô hình này sẽ tạo ra nguồn thực phẩm an toàn, giảm bớt các khâu trung gian, nâng cao hiệu quả chăn nuôi, góp phần bình ổn giá cả thị trường và đảm bảo an ninh thực phẩm Thủ đô với nguồn thực phẩm an toàn được truy xuất nguồn gốc.
Hiện, Công ty CP Cộng Đồng Green Food Hà Nội đã hình thành chuỗi liên kết có năng lực sản xuất với 1 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi công suất 150.000 tấn/năm; 80 trang trại chăn nuôi; 1 nhà máy giết mổ lợn và chế biến thực phẩm công suất 600 con/ngày; 1 nhà máy giết mổ và chế biến gia cầm công suất 20.000 con/ngày.
Về hệ thống phân phối thực phẩm, trong tháng 4/2014 có 5 cửa hàng chính thức đi vào hoạt động và mạng lưới phân phối tới các bếp ăn tập thể. Đến cuối năm 2014 sẽ có 20 cửa hàng trên địa bàn TP Hà Nội. Hệ thống này sẽ được nhân rộng ra trên địa bàn các tỉnh, TP trên cả nước.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp là hướng đi tất yếu của các doanh nghiệp trong cơ chế thị trường. Tuy nhiên, để thành công thì phải có sự chung tay góp sức của các nhà: Nhà khoa học, nhà nước, doanh nghiệp, người chăn nuôi. Các địa phương cần quan tâm, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đơn vị tham gia vào chuỗi.
Ngoài ra, các tổ chức hội, hiệp hội chuyên môn và người tiêu dùng cũng cần tham gia tích cực vào chuỗi. Riêng với Cục Chăn nuôi, tới đây sẽ phối hợp cùng các ngành xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn cho các sản phẩm thực phẩm của các chuỗi.
Có thể bạn quan tâm

Theo đó, FAO sẽ triển khai thực hiện dự án hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tăng cường khả năng sẵn sàng phòng ngừa và đối phó với dịch cúm gia cầm với trị giá là 1,7 triệu USD. Nguồn vốn này do Cơ quan Hỗ trợ phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.

Nông dân Mai Văn Nên trồng 12 công khoai môn sáp Thái Lan ở khu vực Tà Lọt sau lưng núi Cấm, xã An Cư (Tịnh Biên - An Giang) đạt hiệu quả cao. Ông Nên cho biết, khoai môn sáp Thái Lan được mua giống từ Campuchia, sau 6 tháng trồng cho thu hoạch.

Trong 6 tháng đầu năm 2013, nhờ điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, bà con ngư dân Quảng Bình đã chủ động bám biển, nên sản lượng đánh bắt được 22.054,4 tấn, tăng 8,1% so với cùng kỳ và sản lượng nuôi trồng đạt 3.084,5 tấn, đưa tổng sản lượng hải sản đạt 25.140 tấn, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Trong đó có 18.500 tấn hải sản có giá trị kinh tế cao, phục vụ xuất khẩu (đạt tỷ lệ 74% tổng sản lượng hải sản).

Vào những ngày này, bà con nông dân toàn tỉnh Hà Tĩnh đang tập trung cao độ thu hoạch lạc xuân. Năm nay, năng suất trung bình đạt cao, vượt trội so với các năm trước do bà con mạnh dạn đưa vào sản xuất nhiều giống lạc mới và thực hiện các biện pháp chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật. Tuy nhiên, giá lạc trên thị trường liên tục giảm, khiến người dân gặp không ít khó khăn...

Hiện nay, giá một số loại rau ăn quả như: khổ qua, dưa leo, bầu, bí… của nông dân trong tỉnh Đồng Nai bán tại ruộng chỉ còn 4 - 5 ngàn đồng/kg, giảm khoảng 2 - 3 ngàn đồng/kg so với cách đây 4 ngày. Theo các thương lái chuyên mua rau, giá rau ăn quả giảm là do lượng hàng từ miền Tây đưa về nhiều, nguồn cung khá dồi dào.