Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Quýt Mường Khương tìm đường đến thương hiệu

Quýt Mường Khương tìm đường đến thương hiệu
Ngày đăng: 17/04/2015

Cây trồng thoát nghèo

Giống quýt được trồng ở Mường Khương có nguồn gốc từ việc giao lưu, trao đổi hàng hóa của bà con địa phương từ bên kia biên giới. Khác với giống ban đầu, nhờ việc chăm sóc và khí hậu thích hợp, nên quả quýt Mường Khương giờ đây to, chắc, nhiều nước và có vị ngọt nhẹ. Tính đến hết năm 2014, diện tích quýt của huyện Mường Khương là 217 ha, trong đó, diện tích cho thu hoạch là 30 ha.

Năng suất cây quýt ngọt tại địa phương bình quân đạt 12 tấn/ha, giá bán dao động từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, tổng giá trị kinh tế do cây trồng này mang lại khoảng 5 tỷ đồng cho 30 ha. So với những cây trồng khác, quýt mang lại giá trị kinh tế cao hơn và mùa vụ thu hoạch khá ổn định.

Nhận thấy tiềm năng và triển vọng phát triển kinh tế bền vững, năm 2013, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án phát triển vùng sản xuất quýt hàng hóa huyện Mường Khương với tổng vốn đầu tư trên 6 tỷ đồng. Dự án được triển khai thực hiện tại các xã Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố, Tả Ngài Chồ và thị trấn Mường Khương.

Đây là khu vực vùng trung của huyện, có khí hậu tương đối mát lành, đất đồi, núi cao, phù hợp với điều kiện sinh trưởng và phát triển cây quýt ngọt. Các hộ dân tham gia Dự án được hỗ trợ 100% cây giống và phân bón trong 3 năm đầu, được tập huấn kỹ thuật chăm sóc và bảo quản quýt sau thu hoạch.

Anh Giàng Seo Di, xã Tả Ngài Chồ, một trong những người dân tham gia Dự án cho biết: Gia đình tôi trồng quýt từ nhiều năm trước nhưng không được hỗ trợ, nên phải chủ động tìm nguồn giống và “học mót” kỹ thuật, do đó năng suất không cao.

Từ khi tham gia Dự án, cây quýt tăng cả năng suất và chất lượng, năm 2014, gia đình tôi thu hoạch trên 3 tấn quả, thu gần 50 triệu đồng. Quýt Mường Khương ngon, ngọt nổi tiếng, nên thu hoạch đến đâu bán hết đến đấy, cũng không sợ mất giá.

Việc triển khai Dự án đã góp phần phát triển cây quýt hàng hoá trên địa bàn huyện Mường Khương nói riêng và toàn tỉnh nói chung, giúp nhiều hộ có cơ hội chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tiếp cận kỹ thuật canh tác tiên tiến. Đến nay, có thể khẳng định, việc đưa cây quýt ngọt vào sản xuất tại Mường Khương đã phát huy hiệu quả lớn về kinh tế - xã hội.

Đường đến thương hiệu

Chị Phạm Thị Hạnh, một du khách đến từ Hải Dương chia sẻ: “Ban đầu, thấy quýt ở chợ tôi tưởng là cam vì quả chắc và vỏ dày hơn quýt bình thường. Ăn thử thấy ngon nên tôi lên tận vườn hái và mua về xuôi làm quà”. Qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy, người dân địa phương cũng như du khách đang rất ưa chuộng quả quýt ngọt của Mường Khương, nhưng sản lượng quýt vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ.

Chị Vương Thị Thúy, một tiểu thương buôn bán hoa quả tại thị trấn Mường Khương cho biết: “Sản lượng quýt ngọt Mường Khương chưa nhiều, nên có người đã đặt mua quýt Trung Quốc để bán khiến cho quýt địa phương đang bị ảnh hưởng. Nếu điều này tiếp diễn sẽ khiến người tiêu dùng mất lòng tin vào sản phẩm quýt ngọt Mường Khương”.

Trên thực tế, Dự án phát triển cây quýt hàng hóa tại Mường Khương đã tính đến việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm để người tiêu dùng có thêm thông tin về nguồn gốc. Đó cũng là cơ sở để đánh giá, xác định mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng với hàng nông sản nhờ những dấu hiệu, biểu tượng, hình ảnh, tính chất sản phẩm. Việc lập chỉ dẫn địa lý là tiền đề cho xây dựng thương hiệu, tránh nhầm lẫn với sản phẩm khác, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

Hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiểm tra và cấp chứng nhận cho cơ sở sản xuất giống quýt ngọt tại Mường Khương, nhằm giúp người dân trồng đúng chủng loại giống, đảm bảo giá trị thương hiệu.

Dự kiến đến năm 2018, diện tích trồng quýt toàn huyện lên đến 400 ha, trong đó, sẽ lựa chọn khoảng 10 ha trồng tập trung tại thị trấn Mường Khương để xây dựng mô hình sản xuất quýt an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, việc phát triển quy mô vùng trồng quýt sẽ được gắn với bảo quản và tiêu thụ quýt sau thu hoạch nhằm nâng cao giá trị hàng hóa.

Ông Phạm Xuân Thịnh, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương cho biết: Cây quýt mang lại giá trị kinh tế cao, nhiều hộ đã không chờ nguồn hỗ trợ mà mạnh dạn bỏ vốn đầu tư mở rộng diện tích trồng quýt trên quy mô lớn. Đó chính là tín hiệu đáng mừng trước khi cây quýt ngọt Mường Khương có thương hiệu chính thức và mở rộng thị trường tiêu thụ trên phạm vi lớn hơn.


Có thể bạn quan tâm

Kiểm dịch gần 180.000 con gia súc, gia cầm Kiểm dịch gần 180.000 con gia súc, gia cầm

Trong tháng 8/2015, công tác kiểm dịch động vật xuất nhập tỉnh và kiểm soát giết mổ được huyện Đức Linh thực hiện thường xuyên. Cụ thể, huyện đã kiểm dịch gần 180.000 con gia súc, gia cầm, trong đó gồm 25.799 con heo, 153.490 con gia cầm thương phẩm xuất ra ngoài huyện.

24/08/2015
Sản xuất lúa chất lượng cao ở Tánh Linh hướng đến cánh đồng mẫu lớn Sản xuất lúa chất lượng cao ở Tánh Linh hướng đến cánh đồng mẫu lớn

Đến nay, huyện Tánh Linh đã hình thành và mở rộng được trên 3.000 ha vùng lúa chất lượng cao với tỷ lệ 100% diện tích sử dụng giống lúa xác nhận từ Viện lúa đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Từ chương trình này đã lan tỏa ra các vùng lân cận, hầu hết các diện tích lúa trên địa bàn huyện đều sử dụng giống lúa xác nhận để gieo sạ…

24/08/2015
Thương lái Trung Quốc thâu tóm thị trường thanh long Bình Thuận Thương lái Trung Quốc thâu tóm thị trường thanh long Bình Thuận

LTS: Thời gian gần đây, giá thanh long trên thị trường Bình Thuận có nhiều diễn biến bất thường, buổi sáng giá này, buổi chiều giá khác. Sự bất bình thường này làm điêu đứng cả người trồng và người mua, bán thanh long. Sau nhiều ngày thâm nhập thực tế, phóng viên Báo Bình Thuận đã tìm ra những chiêu trò “ép giá” của thương lái Trung Quốc.

24/08/2015
Xuất khẩu cà phê hòa tan tăng nhanh Xuất khẩu cà phê hòa tan tăng nhanh

Lâu nay, nói về XK cà phê, người ta thường chỉ nhắc tới cà phê nhân. Nhưng bên cạnh sản phẩm chủ lực này, cà phê hòa tan Việt Nam cũng đang âm thầm tiến mạnh ra thị trường thế giới.

24/08/2015
Dự báo sản lượng bông Trung Quốc giảm Dự báo sản lượng bông Trung Quốc giảm

Trung tuần tháng 8, Hiệp hội bông Trung Quốc (CCA) đã cắt giảm dự báo sản lượng thu hoạch bông sắp tới của Trung Quốc xuống còn 5,5 triệu tấn so với mức dự báo 5,86 triệu tấn đưa ra trước đây.

24/08/2015