Quyết liệt gỡ điểm nóng trong tái cơ cấu nông nghiệp

Khẩn trương đổi mới nông lâm trường, cổ phần hóa các DN nhà nước, tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp cho từng lĩnh vực cụ thể sẽ là những công tác trọng tâm nhằm tạo cú hích cho thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp thời gian tới.
Tại Hội nghị báo cáo viên các tỉnh, thành phố và các cơ quan Đảng ủy trực thuộc TƯ do Ban Tuyên giáo TƯ tổ chức hôm qua (12/5), Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn đã tập trung nhiều nội dung báo cáo về tình hình thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Đánh giá qua gần 2 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, về nhận thức, đề án đã tạo được sự đồng thuận trong xã hội, xem đây là yêu cầu tất yếu trong quá trình đổi mới SX.
Tuy vậy, nhận thức về bản chất của nội dung về tái cơ cấu nông nghiệp còn khác nhau. Vẫn có quan điểm cho rằng tái cơ cấu chỉ là khắc phục một số sai lầm, yếu kém của giai đoạn trước, từng bước phục hồi tăng trưởng trở lại.
Tuy nhiên về phía Bộ NN-PTNT, xem tái cơ cấu là chuyển đổi mô hình tăng trưởng sâu rộng; nâng cấp thể chế kinh tế thị trường; tạo hệ thống động lực mới để thực hiện phân bổ lại và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, về bản chất thì đây là cuộc cách mạng trong nông nghiệp lần thứ 2 của nước ta.
Bên cạnh việc đánh giá những kết quả, chuyển biến đạt được, Thứ trưởng Hà Công Tuấn đã nêu những giải pháp trọng tâm sẽ được Bộ NN-PTNT triển khai trong thời gian tới.
Đặc biệt về đổi mới tổ chức SX của nông lâm trường. Hiện các Cty nhà nước quản lí gần 2,7 triệu ha đất, chủ yếu là rừng (hơn 2 triệu ha). Sau 2 năm thực hiện tái cơ cấu, hiện hầu hết chỉ còn lại các Cty nông nghiệp đã cổ phần hóa, nhiều đơn vị đã và sẽ phải giải thể để giao đất lại cho nông dân SX.
Đến nay, ước có gần 100 DN, cả Cty mẹ, Cty con do Bộ NN-PTNT quản lí đã cổ phần hóa, chỉ còn 3 đơn vị là Tổng Cty Cà phê, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Tổng Cty Lương thực Miền Bắc là triển khai cổ phần chậm một chút. Theo kế hoạch đến năm 2016, các DN do Bộ NN-PTNT quản lí về cơ bản sẽ gần như không còn DN 100% vốn nhà nước.
Về đầu tư, Bộ NN-PTNT đang quyết liệt thực hiện việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, theo đó hiện đã thực hiện thoái vốn được hơn 1.400 tỉ đồng (trong tổng số phải thoái vốn khoảng 3.600 tỉ theo kế hoạch). Trong năm 2015, Bộ NN-PTNT sẽ quyết liệt thực hiện vấn đề này.
Về đề án tái cơ cấu, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, mong muốn của Bộ NN-PTNT là các địa phương phải có đề án hoặc kế hoạch tái cơ cấu riêng, tuy nhiên đến nay mới chỉ có 36/63 tỉnh thành có đề án và kế hoạch được phê duyệt.
Ở Trung ương, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, chủ trương của Chính phủ muốn phải triển khai quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn nữa đề án tái cơ cấu nông nghiệp.
Vì vậy ngày 14/4/2015, Chính phủ đã tiếp tục ban hành Quyết định số 508/QĐ-TTg về việc thành lập BCĐ liên ngành thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp đến năm 2020 do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm Trưởng ban; Bộ trưởng Bộ NN-PTNT làm Phó ban thường trực cùng thành viên là lãnh đạo 8 bộ, ngành khác và 8 tỉnh, thành đại diện cho các khu vực trên cả nước.
Đây sẽ là điều kiện để tạo bước chuyển mới quyết liệt hơn trong việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm

Vừa đọc được tin trên báo Nông Nghiệp Việt Nam, ngay ngày hôm sau tôi đã mò lên Bắc Giang để đi thăm cơ sở nuôi vịt trời đầu tiên ở Việt Nam. Đây là trại nuôi vịt trời của anh Tô Quang Dần ở bên hồ Cây Đa, thôn Đoàn Tùng, xã Đông Phú, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.

Gắn bó và trồng quýt nhiều năm nay, ông Phạm Văn Thí (ở ấp Bầu Chiên, xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được xem là một trong những người trồng quýt giỏi ở vùng này.

Ngày 28/8 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh tổ chức Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu giải mã gen một số giống lúa bản địa của Việt Nam với sự tham dự của đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý và các doanh nghiệp.

Diện tích đất trồng lúa ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang giảm dần, do nông dân chuyển sang trồng các loại cây trồng khác thu được lợi nhuận cao hơn.

Để chuẩn bị con giống thả nuôi trên diện tích 1ha, ông Long sử dụng bể xi măng có diện tích khoảng 700m2 để ương dưỡng 900.000 con giống tôm thẻ chân trắng 10 ngày tuổi. Hiện nay mới vào giai đoạn giữa kỳ ương dưỡng nhưng tôm ăn mạnh, lớn nhanh.