Quyết Chí Lập Nghiệp Trên Quê Hương

Cần cù lao động, không ngừng tìm hiểu đưa vào thị trường những sản phẩm mộc dân dụng mới, Nguyễn Văn Toàn (ảnh), Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) đồ gỗ mỹ nghệ Toàn Thịnh đã góp phần xây dựng vùng quê Trung Đồng, xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) ngày càng trù phú. Anh vinh dự là một trong ba gương mặt trẻ tiêu biểu của tỉnh nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2012 do Trung ương Đoàn trao tặng.
Sinh ra trên mảnh đất nghèo, hầu hết thanh niên lớn lên đều rời quê hương đi làm ăn xa. Vì thế, Toàn luôn trăn trở làm sao để thoát nghèo mà không phải ly hương và anh đã chọn con đường ở lại quê nhà, học làm thợ mộc. Với đôi bàn tay khéo lại cần cù chịu khó, anh học việc và làm thuê ở các xưởng mộc. Toàn nhanh chóng học hỏi, tích luỹ kỹ thuật đóng đồ gỗ và chạm trổ nhiều mẫu vẽ tinh xảo.
Năm 2008, với hơn 10 triệu đồng tiết kiệm sau gần ba năm làm thợ mộc, Toàn mở xưởng mộc, nhận đóng đồ gỗ gia đình. Vốn là người cẩn thận, anh luôn chăm chút từng sản phẩm trước khi xuất xưởng nên khách hàng tín nhiệm đến đặt hàng ngày càng đông.
Để mở rộng quy mô sản xuất, Toàn vay vốn ngân hàng, đào tạo thợ lành nghề, tìm kiếm thị trường mới. Hiện nay, HTX đồ gỗ mỹ nghệ Toàn Thịnh có hai xưởng sản xuất thô và hoàn thiện sản phẩm mỹ nghệ với gần 20 lao động thường xuyên, mức lương từ 4,5-10 triệu đồng/người/tháng. Để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, anh luôn chú trọng khảo sát thị trường, xem xét thị hiếu người tiêu dùng để cải tiến mẫu mã, sản xuất những lô hàng mới bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý.
Đồng thời, anh luôn tìm kiếm thị trường tiêu thụ các sản phẩm kỹ nghệ, tinh xảo về mẫu mã và đưa các sản phẩm tham gia hội chợ quảng bá, giới thiệu thương hiệu ở nhiều tỉnh, thành phố. Sau 5 năm phát triển, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đến nay, HTX đồ gỗ mỹ nghệ Toàn Thịnh ngày càng được nhiều người biết đến với các sản phẩm gia dụng nội địa và xuất khẩu sang Đài Loan, Hàn Quốc...
Năm 2012, sản phẩm làm ra không đủ cung ứng cho khách hàng, tổng doanh thu đạt 5 tỷ đồng. Năm 2013, anh đã đầu tư thêm máy móc thiết bị, tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, đưa ra thị trường những sản phẩm mới tập trung vào đồ nội thất chế tác độc đáo để tăng doanh thu, tạo thêm việc làm cho lao động trẻ.
Thi đua thực hiện phong trào thanh niên lập nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, Toàn vinh dự được Tỉnh đoàn Thanh niên tuyên dương là một trong 10 mô hình kinh tế trẻ tiêu biểu toàn tỉnh, Liên minh HTX Việt Nam tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển HTX.
Có thể bạn quan tâm

Sau khi thu hoạch xong tỏi đông xuân 2013-2014, bà con nông dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã khẩn trương bắt tay vào sản xuất gần 80 ha hành tháng 2 âm lịch. Đây là một trong những vụ hành chính vụ được bà con nông dân trên đảo kỳ vọng.

Cây râu mèo là vị thuốc đông y có tác dụng điều trị bệnh sỏi thận, tăng bài tiết, hạ đường huyết… Râu mèo được trồng nhiều tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng. Theo Viện Dược liệu, hằng năm nước ta nước phải nhập khẩu hàng chục tấn dược liệu cây râu mèo từ Trung Quốc, Campuchia.

Sau ba năm cùng gia đình rời thành phố ồn ào, náo nhiệt về chốn miền quê làm rau sạch với hy vọng thoát nghèo, nhờ biết xác định đúng đối tượng cây, con cũng như biết áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nên đến nay, anh Khống Phúc Vịnh (phường Phước Hải, TP Nha Trang, Khánh Hòa) đã khá thành công với mô hình này.

Sáng 16/4/2014, Hội Nông dân huyện Bình Tân (Vĩnh Long) tổ chức hội nghị triển khai quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể “Khoai lang Bình Tân”. Đến dự có ông Nguyễn Đức Hạnh- Phó Trưởng Bộ môn Bảo quản và chế biến- Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương; lãnh đạo một số ban ngành huyện; các đơn vị và cá nhân có liên quan.

Sáng ngày 20/4, tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam đã tổ chức ký kết phương án chia sản phẩm giữa hộ gia đình, cá nhân góp quyền sử dụng đất để hợp tác kinh doanh cao su với các Công ty cổ phần cao su trên địa bàn tỉnh Điện Biên.