Quyết Chí Làm Giàu

Từ Lâm Đồng đến Cà Mau lập nghiệp, với đôi bàn tay trắng, hiện nay ông Phan Trung Tâm, cư ngụ tại ấp 3, thị trấn Trần Văn Thời sở hữu hơn 5 ha đất chuyên trồng hoa màu cho năng suất cao.
Khác với những nông dân địa phương, thay vì trồng lúa, ông Tâm chỉ chuyên trồng bắp và một số loại hoa màu khác. Nhiều năm liền, gia đình ông là nơi cung cấp một lượng bắp lớn trong vùng.
Dẫn chúng tôi đi thăm thành quả lao động của mình, ông Tâm hồ hởi chia sẻ: "Ngày đó mới về đây, cuộc sống khó khăn mà bản thân tôi thì vốn không quen với địa hình đất mặn, trồng cây nào là thất cây đó. Một phần do thiếu kinh nghiệm, một phần do chưa quen đất, nên những năm đầu trồng lúa, thu hoạch không bao nhiêu, từ đó, tôi quyết định trồng bắp, nhờ vậy có của ăn, của để".
Được biết, bình quân trên 2 ha đất trồng bắp, ước tính mang về thu nhập cho gia đình ông Tâm mỗi năm trên 200 triệu đồng. Bên cạnh huê lợi từ cây bắp, ông Tâm còn trồng dưa hấu, từ ruộng dưa 2 vụ trong năm, góp thêm nguồn thu nhập khoảng 60 triệu đồng.
Ông Tâm chia sẻ kinh nghiệm: “Trồng dưa hấu muốn thành công thì không thể thiếu màng phủ nông nghiệp được. Nó có tác dụng giữ dinh dưỡng cho đất, ngăn tình trạng thoát hơi nước, bên cạnh đó còn ngăn sâu bệnh và côn trùng gây hại.
Riêng đối với trái dưa hấu, muốn trái to, tròn và đẹp thì tưới nước thường xuyên. Đặc biệt, phải hạn chế thuốc tăng trưởng, vì khi sử dụng trái sẽ kém ngọt, khó bảo quản lâu ngày, những trái phát triển tự nhiên thường mỏng vỏ, ngọt thanh nên bà con thích hơn”.
Định hướng sản xuất của gia đình trong năm nay, ông Tâm sẽ kết hợp trồng dưa hấu xen canh 2 tháng thu hoạch một lần, không trồng cận Tết như trước nữa, thêm vào đó sẽ cải tạo lại đất trồng thêm các cây họ đậu.
Để chuẩn bị đầu tư cho mô hình mới, ông Tâm đã chủ động tìm hiểu một số mô hình trồng màu ở vùng ngọt hoá huyện Trần Văn Thời, tìm mua loại giống tốt nhất.
Hy vọng những thắng lợi trong sản xuất vụ bắp, vụ dưa hấu đã qua sẽ tiếp thêm động lực, niềm tin để ông Tâm thành công với đối tượng cây trồng mới, hứa hẹn đây sẽ là một trong những mô hình nhân rộng trong phong trào phát triển sản xuất ở huyện Trần Văn Thời.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 20-12, Bộ NN-PTNT phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và UBND tỉnh Kiên Giang, tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư và thúc đẩy phát triển thủy hải sản ĐBSCL.

Trong những năm qua, nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước đã hỗ trợ giúp ngư dân ven biển có cuộc sống ổn định hơn. Tuy nhiên, hoạt động khai thác thủy sản hiện nay đang gặp khó khăn, nuôi trồng thủy sản bất ổn do tình hình dịch bệnh nên kinh tế ở các địa phương ven biển phát triển không bền vững. Để tạo điều kiện phát triển kinh tế biển, ngư dân rất cần được hỗ trợ.

Chưa kịp nguôi nỗi đau mất hơn 28.200 con gia súc gia cầm (GSGC) do trận lũ hồi giữa tháng 11 gây ra, thì hiện giờ, người chăn nuôi lại phập phồng lo sợ dịch bệnh tấn công khi đang gắng gượng tái đàn.

Chúng tôi trở lại Lý Sơn (Quảng Ngãi) trong những ngày bà con nông dân ở đây làm đất xuống giống vụ hành, tỏi đông xuân. Đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp những lo toan của người dân nơi đây, nào là mưa bão, chuẩn bị cho mùa biển mới, nguồn đất, cát cho vụ hành, tỏi đông xuân…

Chiếm gần 20% diện tích cây ăn quả của cả nước, cây có múi đang góp phần không nhỏ vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân.