Quyết Chí Làm Giàu

Từ Lâm Đồng đến Cà Mau lập nghiệp, với đôi bàn tay trắng, hiện nay ông Phan Trung Tâm, cư ngụ tại ấp 3, thị trấn Trần Văn Thời sở hữu hơn 5 ha đất chuyên trồng hoa màu cho năng suất cao.
Khác với những nông dân địa phương, thay vì trồng lúa, ông Tâm chỉ chuyên trồng bắp và một số loại hoa màu khác. Nhiều năm liền, gia đình ông là nơi cung cấp một lượng bắp lớn trong vùng.
Dẫn chúng tôi đi thăm thành quả lao động của mình, ông Tâm hồ hởi chia sẻ: "Ngày đó mới về đây, cuộc sống khó khăn mà bản thân tôi thì vốn không quen với địa hình đất mặn, trồng cây nào là thất cây đó. Một phần do thiếu kinh nghiệm, một phần do chưa quen đất, nên những năm đầu trồng lúa, thu hoạch không bao nhiêu, từ đó, tôi quyết định trồng bắp, nhờ vậy có của ăn, của để".
Được biết, bình quân trên 2 ha đất trồng bắp, ước tính mang về thu nhập cho gia đình ông Tâm mỗi năm trên 200 triệu đồng. Bên cạnh huê lợi từ cây bắp, ông Tâm còn trồng dưa hấu, từ ruộng dưa 2 vụ trong năm, góp thêm nguồn thu nhập khoảng 60 triệu đồng.
Ông Tâm chia sẻ kinh nghiệm: “Trồng dưa hấu muốn thành công thì không thể thiếu màng phủ nông nghiệp được. Nó có tác dụng giữ dinh dưỡng cho đất, ngăn tình trạng thoát hơi nước, bên cạnh đó còn ngăn sâu bệnh và côn trùng gây hại.
Riêng đối với trái dưa hấu, muốn trái to, tròn và đẹp thì tưới nước thường xuyên. Đặc biệt, phải hạn chế thuốc tăng trưởng, vì khi sử dụng trái sẽ kém ngọt, khó bảo quản lâu ngày, những trái phát triển tự nhiên thường mỏng vỏ, ngọt thanh nên bà con thích hơn”.
Định hướng sản xuất của gia đình trong năm nay, ông Tâm sẽ kết hợp trồng dưa hấu xen canh 2 tháng thu hoạch một lần, không trồng cận Tết như trước nữa, thêm vào đó sẽ cải tạo lại đất trồng thêm các cây họ đậu.
Để chuẩn bị đầu tư cho mô hình mới, ông Tâm đã chủ động tìm hiểu một số mô hình trồng màu ở vùng ngọt hoá huyện Trần Văn Thời, tìm mua loại giống tốt nhất.
Hy vọng những thắng lợi trong sản xuất vụ bắp, vụ dưa hấu đã qua sẽ tiếp thêm động lực, niềm tin để ông Tâm thành công với đối tượng cây trồng mới, hứa hẹn đây sẽ là một trong những mô hình nhân rộng trong phong trào phát triển sản xuất ở huyện Trần Văn Thời.
Có thể bạn quan tâm

Trưa, cái nắng đầu hè như đang “rán” chúng tôi trên đường đất cát dẫn đến mô hình trang trại “chăn nuôi tổng hợp” của một kỹ sư ngành công nghệ thông tin. Anh là Nguyễn Thanh Tuấn (38 tuổi; ở thôn Thái Xuân, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam).

Thuỷ Bằng có khoảng 74 ha thanh trà, nhiều nhất của thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên Huế). Đây là một trong những giống cây chủ lực của địa phương, tập trung chủ yếu ở vùng Tân Ba, Vĩ Dạ và một số thôn khác dọc theo sông Hương như: Cư Chánh 2, Dạ Khê, An Ninh, Dương Phẩm, Võ Xá, Bằng Lãng. Không nhiều, nhưng Thuỷ Bằng cũng có hơn 5ha thanh trà được tham gia sử dụng nhãn hiệu “Thanh trà Huế”.

Ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản thuộc Sở NN-PTNT, cho biết: Thời điểm hiện nay, người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Bình Định đang vào chính vụ thu hoạch tôm nuôi vụ 1. Tuy nhiên, giá tôm thẻ chân trắng thời điểm này đang giảm mạnh khiến cho người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn.

Dồn về khai thác thủy sản vùng ven biển Sầm Sơn và Tĩnh Gia, 15 tàu cá công suất từ 68 CV đến 120 CV của ngư dân huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) và huyện Diễn Châu (Nghệ An) đã bị lực lượng chức năng tỉnh bắt giữ và xử lý.

Cũng như nhiều hộ dân ở thôn Phước Lộc Tây, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), tận dụng nguồn nước chảy quanh năm của dòng sông Trà Khúc, 9 năm qua ông Trần Kim Sanh đang có thu nhập cao, ổn định (mỗi năm thu lãi trên 100 triệu đồng) nhờ nuôi cá chình trong lồng bè ven sông, sau đây là kinh nghiệm quý báu về nuôi cá chình qua nhiều năm của ông Sanh để bà con tham khảo.