Quảng Trị Ngăn Chặn Dịch Lở Mồm Long Móng

Sau 2 cơn bão số 10 và 11, dịch lở mồm long móng gia súc đã phát sinh tại 7 xã, phường của huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, thị xã Quảng Trị và TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Ước tính có 105 con trâu bò và 1 con lợn mắc bệnh.
Trong đó, 3 ổ dịch tại huyện Hải Lăng, thị xã Quảng Trị và TP. Đông Hà đã cơ bản được khống chế. Mới đây, huyện Gio Linh vừa phát hiện hai xã có dịch nhưng số lượng gia súc nhiễm bệnh ít. Riêng xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, ngày 14/10, lực lượng chức năng đã phát hiện dịch ở thôn Nhan Biều 1 và Nhan Biều 2 với 37 con gia súc mắc bệnh. Sau đó, thôn Trung Kiên cũng đã xuất hiện dịch.
Kết quả xét nghiệm ngày 19/10 của Cơ quan Thú y vùng 3 xác nhận mẫu bệnh phẩm dương tính với virus lở mồm long móng type A. Dịch lây lan có khả năng do quá trình vận chuyển gia súc giữa các địa phương.
Trước tình hình đó, Chi cục Thú y đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm, sau đó cùng với các địa phương triển khai phòng chống dịch.
Ngày 21/10, đoàn công tác UBND tỉnh Quảng Trị đã có chuyến thực địa kiểm tra tình hình dịch lở mồm long móng tại huyện Triệu Phong. Qua kiểm tra thực tế tại huyện Triệu Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Quân Chính nhận định, dịch lở mồm long móng gia súc ở các địa phương diễn ra khá phức tạp, đồng thời có cả 2 type virus gây bệnh là O và A, trong đó, virus lở mồm long móng type A lần đầu tiên xuất hiện trên địa bàn tỉnh.
Để phòng chống dịch hiệu quả, Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các địa phương thống kê đầy đủ số lượng đàn vật nuôi trên địa bàn, triển khai nghiêm túc, giám sát chặt chẽ công tác tiêm phòng gia súc vụ Thu; rà soát lại và tổ chức tiêm phòng bổ sung vaccine lở mồm long móng cho đàn vật nuôi chưa được tiêm phòng trong vụ Thu 2013; thông báo cho cơ quan chuyên môn để kịp thời xử lý dịch bệnh.
Bên cạnh đó, các lực lượng Thú y cơ sở sẽ vận động nhân dân nuôi nhốt và điều trị gia súc tại chuồng, thực hiện “5 không”: Không giấu dịch; không mua gia súc mắc bệnh, sản phẩm gia súc mắc bệnh; không bán chạy gia súc mắc bệnh; không thả rông; không tự vận chuyển gia súc bị mắc bệnh lở mồm long móng ra khỏi vùng dịch; không vứt xác gia súc nghi mắc bệnh lở mồm long móng bừa bãi; tiến hành tổ chức tiêu độc, khử trùng môi trường, khu vực chăn nuôi, các ổ dịch cũ, các chợ buôn bán gia súc, các lò giết mổ trên địa bàn.
Có thể bạn quan tâm

Đầu năm 2013, cùng với các huyện: Vĩnh Lộc, Triệu Sơn và Thiệu Hóa, huyện Yên Định (Thanh Hóa) đã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh lựa chọn xây dựng thí điểm mô hình chăn nuôi gà đồi an toàn sinh học tại 2 xã là Định Tường và Định Liên với hơn 3.500 con giống và hơn 20 hộ gia đình tham gia nuôi thử.

Tính đến nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có gần 1.200 tàu đánh bắt xa bờ với hơn 10.000 lao động, được tổ chức thành gần 170 tổ đoàn kết sản xuất an toàn trên biển. Các tổ đoàn kết trên cơ sở quan hệ gia đình, bạn bè, cùng khai thác trên 1 ngư trường và giúp nhau tìm kiếm, cứu nạn.

Mới đây, khi về thăm làng nuôi gấu nổi tiếng miền Bắc là Phụng Thượng (Phúc Thọ - Hà Nội), chúng tôi gặp bà Khuất Thị Lộc, 66 tuổi, ở khu 5, thị trấn Gạch, người đang “ôm” tới 7 con gấu ngựa, mới vỡ lẽ việc chăn nuôi các loài “đặc sản” của bà con nông dân hiện nay đang trong giai đoạn “lên bờ xuống ruộng”.

Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho biết sản xuất lúa Hè Thu và lúa mùa của các tỉnh phía Bắc giảm cả về diện tích, năng suất và sản lượng.

Luôn đảm bảo chuống nuôi sạch sẽ, khô ráo. Mỗi tuần nên quét dọn phân trên nền chuống và rắc vôi bột một lần. Một quý nên tổng vệ sinh, sát trùng chuống nuôi, tiêu độc rãnh phân và sân chơi một lần.