Quảng Sơn Giúp Nông Dân Làm Ăn Có Hiệu Quả

Theo ông K’Siêng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Sơn thì toàn xã hiện có 646 hội viên nông dân tham gia sinh hoạt ở 13 chi hội. Thời gian qua, để nâng cao kiến thức cho hội viên trong quá trình sản xuất, Hội đã chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn, dạy nghề theo nhu cầu của nông dân.
Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Hội đã phối hợp tổ chức được 32 lớp tập huấn chăm sóc cây trồng, bảo vệ thực vật… thu hút hơn 1.400 lượt người tham gia. Nhờ vậy mà tư duy sản xuất của người dân trên địa bàn đã dần thay đổi.
Điều thay đổi lớn nhất là bà con đã đưa nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Riêng đối với các hội viên là đồng bào dân tộc thiểu số thì Hội duy trì cách thức “cầm tay chỉ việc”, đào tạo nghề tại chỗ, hội viên giúp hội viên, gắn với việc thực hành trực tiếp trên nương rẫy, chuồng trại của gia đình.
Thông qua đó, không chỉ còn độc canh một loại cây trồng mà hiện đồng bào còn biết xen canh, tăng vụ, nhất là phát triển sản xuất theo hướng đa cây, đa con. Hội viên, nông dân cũng tích cực tham gia thực hiện các đề án phát triển kinh tế của huyện như: cải tạo đàn bò, phục hồi và phát triển cây hồ tiêu, điều...
Cụ thể như những năm trước đây, do không nắm rõ quy trình chăm sóc, nên vườn cà phê của gia đình anh Nguyễn Hữu Tình ở bon Phi Gle, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) luôn bị sâu bệnh, năng suất kém.
Tuy nhiên, gần đây, được tham gia các lớp tập huấn do Hội nông dân xã tổ chức, anh đã nắm được các kỹ thuật cơ bản về tỉa cành, chăm bón nên vườn rẫy ngày càng trở nên xanh tốt, năng suất cao. Giờ đây, không chỉ biết cách tỉa cành, bón phân đúng liều lượng mà anh còn biết sử dụng vỏ cà phê làm phân vi sinh, giảm chi phí đầu tư rất nhiều.
Anh Tình chia sẻ: “Gia đình tôi có gần 2 ha cà phê, hồ tiêu. Từ khi được dự các lớp tập huấn kỹ thuật, tôi đã chủ động hơn trong việc chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho vườn cây. Nếu như trước đây, năng suất chỉ đạt khoảng 2,5 tấn/ha thì trong một vài năm trở lại đây, vườn cà phê của gia đình đã đạt đến 4-5 tấn/ha”.
Tương tự, cũng nhờ tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật mà vườn rẫy của gia đình anh Y Dâng ở bon Glong Phe luôn xanh tốt, ít sâu bệnh. Theo anh cho biết, sau khi học hỏi được nhiều kiến thức, cùng với việc nâng cao chất lượng vườn cà phê thì anh còn biết trồng xen canh một số cây trồng như mít, sầu riêng, bơ…để tăng thu nhập cho gia đình.
Anh Y Dâng vui vẻ nói: “Tôi thấy tham gia các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ do địa phương tổ chức là rất bổ ích, nên việc đưa các loại giống cây, con năng suất cao vào sản xuất đã mang lại hiệu quả đáng kể. Nhờ chăm sóc bài bản, với 3 ha cà phê, niên vụ vừa qua gia đình thu về hơn 10 tấn nhân”.
Có thể nói, bằng việc thay đổi tư duy làm ăn, tích cực ứng dụng kỹ thuật vào thực tế sản xuất hàng ngày, đời sống của các hội viên, nông dân xã Quảng Sơn ngày càng được nâng lên đáng kể, góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế xã hội của địa phương.
Có thể bạn quan tâm

Hiện giá gà ta bán ra thị trường khoảng 66 ngàn đồng/kg với gà trống, 76 ngàn đồng/kg gà mái, tăng 6 ngàn đồng/kg. Với giá này, người chăn nuôi đạt lợi nhuận thấp. Riêng giá con giống gà ta lại tăng đột biến, dao động từ 16 - 18,5 ngàn đồng/con, tăng gần 10 ngàn đồng/con so với thời điểm đầu năm. Gà giống “sốt” giá do nhu cầu nuôi gà ta phục vụ thị trường cuối năm tăng cao.

Để tận dụng mặt nước các hồ chứa nhỏ phát triển kinh tế, đa dạng hóa các đối tượng nuôi thủy sản nước ngọt, phát triển nuôi cá nước ngọt theo hướng bền vững, năm 2014, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Nam phối hợp với Trạm Khuyến nông – Khuyến lâm huyện Đại Lộc triển khai mô hình nuôi cá lăng nha bằng lồng trên hồ Trà Cân, xã Đại Hiệp.

Cuối năm 2013, trên địa bàn thành phố Hòa Bình chỉ còn 78 lồng cá, trong đó trên 50% là bỏ không nhưng đến tháng 9/2014, toàn thành phố có 137 lồng cá (tăng 76%) và hiện có trên 70% số lồng đang nuôi cá. Phương pháp nuôi thả phù hợp, an ninh trật tự đảm bảo, đầu ra ổn định, cho hiệu quả kinh tế cao chính là lí do khiến cho nghề nuôi cá lồng trên địa bàn thành phố Hòa Bình đang dần “sống lại”.

Tại Hợp tác xã đóng tàu Song Thủy, phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, chiếc tàu cá KH 03132 của ngư dân Nguyễn Thanh Hải đang được các công nhân bọc composite.

Cá rô phi đã được đưa vào nuôi theo hướng thâm canh từ năm 2003 trở lại đây, tuy nhiên đến năm 2013 lần đầu tiên sản phẩm cá rô phi của Công ty XNK thuỷ sản tỉnh Thanh Hoá xuất khẩu ra thị trường nước ngoài với sản lượng hơn 400 tấn, năm 2014 dự kiến xuất khẩu khoảng trên 2.000 tấn cá rô phi.