Quảng Ninh Trồng Ngô Cao Sản Trên Vùng Đất Cằn

Với đặc điểm, diện tích canh tác nông nghiệp chủ yếu là đất đồi cằn cỗi, thường xuyên khô hạn, dinh dưỡng của đất thấp, đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, sản lượng cây trồng của nông dân trên địa bàn huyện Bình Liêu (Quảng Ninh).
Để nâng cao năng suất cây trồng, chuyển đổi phần diện tích đất trồng lúa, màu kém hiệu quả của bà con, vụ xuân năm nay, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã triển khai mô hình chuyển đổi trồng lúa, màu kém hiệu quả sang trồng các giống ngô lai đơn NK4300 và NK6654 với quy mô 10ha tại 3 thôn: Pắc Chi, Pặc Pùng và Bản Ngày (xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu) với sự tham gia của 50 hộ nông dân.
Để việc trồng ngô của bà con đúng quy trình, phát huy hiệu quả, Trung tâm đã tiến hành tập huấn cho 50 hộ gia đình tham gia thực hiện mô hình về đặc tính của giống, thời vụ trồng, cách chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại.
Theo đó, các giống ngô lai đơn NK4300 và NK6654 có tỷ lệ nảy mầm cao, thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chống chịu sâu bệnh khá, đặc biệt là khả năng chịu hạn tốt, rất thích hợp với điều kiện đồng đất trên địa bàn xã Vô Ngại.
Gia đình anh Đinh Văn Tằng (thôn Pắc Chi) là một trong những hộ được chọn để triển khai mô hình, anh cho biết: Được sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, mặc dù vụ xuân năm nay thời tiết khá nắng nóng, nhưng hai giống ngô NK4300 và NK6654 vẫn phát triển tốt, bắp to, chống chịu được hạn, do đó không mất nhiều công chăm sóc mà giá trị mang lại cao hơn trồng lúa rất nhiều.
Giống như anh Tằng, nhiều hộ dân tham gia mô hình trên địa bàn xã cũng nhận định 2 giống ngô mới này hoàn toàn phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Bình Liêu và có những ưu điểm vượt trội về năng suất, khả năng chịu hạn, hạn chế sâu bệnh hại và chống đổ tốt.
Theo ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh: Qua hơn 3 tháng trồng thử nghiệm cho thấy, việc trồng giống ngô lai đơn NK4300 và NK6654 không những giúp chủ động được nguồn nước tưới hơn, mà còn giảm công lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân, còn là nguồn cung cấp nguyên liệu để chế biến thức ăn trong chăn nuôi phục vụ nhu cầu trong tỉnh.
Mùa vụ vừa qua diện tích trồng ngô thử nghiệm cho năng suất từ 6-7 tấn/ha, thu nhập trên 47 triệu đồng/ha, cao hơn so với cây lúa là 20 triệu đồng/ha.
Từ kết quả mô hình trên, vừa qua UBND tỉnh đã giao cho Trung tâm lập Đề án “Chuyển đổi diện tích trồng lúa, màu kém hiệu quả sang trồng ngô cao sản” tại 6 địa phương: Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái.
Qua đó, đặt ra mục tiêu chuyển đổi 2.000ha diện tích trồng lúa, màu kém hiệu quả sang trồng giống ngô NK4300 và NK6654; đồng thời khuyến khích bà con áp dụng mô hình này nhằm tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho nông dân, giúp cho các xã vùng cao sớm về đích trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Có thể bạn quan tâm

Được ông Mào Văn Đào, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mường Nhé giới thiệu, chúng tôi đến thăm gia đình ông Chang Váng Sinh dân tộc Hà Nhì ở A Pa Chải, xã Sín Thầu, một trong những hộ sản xuất kinh doanh giỏi của mảnh đất vùng biên giới - nơi một con gà gáy 3 nước cùng nghe.

Những năm qua, Hội Nông dân xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) luôn xác định thực hiện tốt chương trình liên kết với ngân hàng chính là khơi thông nguồn vốn tín dụng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; giúp nông dân được hưởng lợi từ nguồn vốn ưu đãi về lãi suất, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng về nguồn vốn phát triển sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Xác định tiềm năng thế mạnh của địa phương trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua với nhiều giải pháp đồng bộ, huyện Tủa Chùa đã tích cực chỉ đạo người dân thâm canh, phát triển kinh tế. Đến nay, trình độ áp dụng KHKT, sử dụng giống cây trồng trong sản xuất nông nghiệp đã có chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống bà con vùng cao còn nhiều khó khăn

Hộ chú Trần Văn Hạnh ngụ ấp Nam Hưng, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi là một trong những người đã “biết nuôi” và thành công trong việc chăn nuôi vịt theo quy trình an toàn sinh học, mang lại hiệu quả kinh tế, tạo sản phẩm sạch, giữ gìn môi trường sinh thái.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có Công diện số 16/CĐ-UBND về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi.