Quảng Ninh Sản Phẩm Sạch Của HTX Đức Thịnh

Chúng tôi đến thăm khu nuôi trồng thuỷ sản của Hợp tác xã (HTX) Thương mại và Nuôi trồng thuỷ sản Đức Thịnh, tại khu vực Cái Mắm - Thoi Dây, thôn Phúc Tiến, xã Tân Lập (Đầm Hà - Quảng Ninh), gặp Chủ nhiệm HTX Tô Phúc Thịnh ông hồ hởi cho biết: HTX vừa được vinh dự nhận Cúp và Bằng chứng nhận chất lượng vàng thuỷ sản Việt Nam 2014 của Hội nghề cá Việt Nam, hiện nay đơn vị cũng đang tham gia dự thi sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao do Hội Nông dân Việt Nam tổ chức. Việc HTX Đức Thịnh đoạt giải vàng sẽ là động lực để tích cực sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh, xây dựng và phát triển thương hiệu.
Có được thành tựu ngày hôm nay, ông Thịnh đã phải trải qua rất nhiều khó khăn. Năm 2002, sau hàng chục năm làm ở HTX vận tải biển của huyện rồi buôn bán thuỷ sản, ông trở về vay được 60 triệu đồng đóng nhà bè với 6 ô nuôi trồng thuỷ sản lênh đênh nơi cửa sông Cái Mắm.
Chỉ sau 2 năm nuôi hàng chục loại cá như cá song chấm, song hoa, hồng đỏ, cá giò, cá thác, hồng mỹ… cho hiệu quả kinh tế cao, ông đã tích luỹ được vốn liếng kha khá để rồi đầu tư tiếp 20 cây vàng đóng thêm nhà bè mới, nâng tổng số diện tích nuôi trồng lên 24 ô lồng toàn bằng gỗ táu có thể chịu được gió bão cấp 11, cấp 12. Hiện gia đình có 30 ô lồng nuôi cá.
Thấy ông làm ăn có hiệu quả, nhiều hộ trong vùng đã tìm đến học hỏi, và đầu tư nuôi cá ở khu vực này. Năm 2012, ông Thịnh cùng 7 người khác thành lập HTX Thương mại và Nuôi trồng thuỷ sản Đức Thịnh. Hiện HTX có 10 hộ gia đình với 20 lao động tham gia với gần 300 ô lồng.
Để đảm bảo chất lượng sản phẩm nuôi, HTX Đức Thịnh triển khai hoạt động và thực hiện nuôi trồng an toàn theo quy phạm VietGAP, được cấp lô gô nhãn hiệu sản phẩm thuỷ sản. Các sản phẩm chính của HTX là cá: Song hoa, cá chấm, hồng đỏ, hồng mỹ, vược nhập giống tự nhiên trên biển, không dùng bất cứ loại hoá chất hay thuốc tăng trọng nào cho việc nuôi trồng.
Ông Thịnh cho biết: Chúng tôi chỉ dùng loại cá nhỏ tự nhiên trên biển để làm thức ăn cho cá, do đó sản phẩm nuôi của chúng tôi thường dài hơn so với việc nuôi cá bằng thức ăn tăng trọng, một con cá giống nuôi xuất bán thường mất khoảng 2 năm. Năm 2014, toàn HTX thu hoạch được khoảng 60 tấn cá các loại doanh thu hơn 7 tỷ đồng.
Năm 2015 HTX sẽ mở rộng vùng nuôi thêm 100 ô lồng nữa, tuy nhiên hiện nay gặp rất nhiều khó khăn về vốn, nhưng sau hơn một năm thành lập, HTX mới chỉ vay được 500 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của tỉnh. Hiện nay muốn vay thêm vốn để đầu tư nhưng HTX rất khó tiếp cận được các nguồn vốn vay của Nhà nước, bởi HTX không có nhiều tài sản để thế chấp.
Trong quá trình nuôi, các hộ ở đây rất coi trọng đến môi trường sinh thái, đã từ lâu các hộ nuôi trồng ở đây đều tự giác bảo vệ rừng ngập mặn, ngăn ngừa các hành vi chặt phá, đào bới xâm hại đến rừng ngập mặn. Đặc biệt khu vực Cái Mắm - Thoi Dây, được bao bọc xung quanh bởi đảo Cuống, đảo Thoi Dây và hàng trăm ha rừng ngập mặn chạy vòng cung tạo ra một vùng biển kín, ít bị ảnh hưởng bởi sóng to gió lớn.
Chính vì vậy, mới đây huyện Đầm Hà phê duyệt chủ trương xây dựng vùng nuôi trồng thuỷ sản an toàn và hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm thuỷ sản với quy mô diện tích khảo sát 300ha, trong đó diện tích khu nuôi trồng theo quy hoạch nuôi lồng bè là 45ha tại khu vực Cái Mắm - Thoi Dây sẽ tạo điều kiện cho các hộ nuôi trồng khu vực này đầu tư mở rộng vùng nuôi.
HTX Đức Thịnh đang cùng bà con trong khu vực xúc tiến việc xây dựng khu vực nuôi trồng thuỷ sản an toàn, xây dựng nhãn hiệu hàng hoá cho các loài thuỷ sản của Đầm Hà để nghề nuôi trồng thuỷ sản và các sản phẩm từ biển được bảo vệ, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Có thể bạn quan tâm

Cấp chứng chỉ bền vững (chứng chỉ FSC) cho rừng trồng là một chứng nhận về mặt kỹ thuật mang lại nhiều lợi ích cho bản thân chủ rừng và bảo vệ môi trường sinh thái. Thấy rõ lợi ích này, nhiều hộ nông dân đã tự nguyện tham gia nhóm hộ trồng rừng thực hiện chứng chỉ FSC. Trồng rừng nguyên liệu gắn với việc cấp chứng chỉ rừng nâng cao chất lượng là một hướng đi đúng của lâm nghiệp Quảng Trị.

Mấy năm nay, rải rác khắp các xã trong huyện Chư Pưh (Gia Lai), diện tích tiêu chết xuất hiện ngày càng nhiều, dù đây là khu vực đất trồng tiêu tốt nhất vùng. Tính trên địa bàn Tây Nguyên, hàng nghìn hộ trồng tiêu cũng gặp tình cảnh tương tự.

Nói về nghề nuôi cá nước ngọt có truyền thống lâu đời trên địa bàn tỉnh Quảng Trị thì có lẽ ở Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị có thôn Long Hưng còn ở Triệu Phong có thôn Đạo Đầu, xã Triệu Trung. Về thôn Đạo Đầu, đi qua các đường làng ngõ xóm người ta dễ dàng bắt gặp những chiếc hồ nuôi cá ngay trong khuôn viên gia đình.

Từ đầu năm 2014 đến nay, khắp các tỉnh miền Đông như Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ nổi cộm tình trạng nông dân đốn hạ vườn cao su, kể cả những cây đang cho mủ vì thua lỗ vì không còn khả năng cầm cự.

Trao đổi với VnExpress sáng 3/12, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Bình Định cho biết, bên cạnh xuất khẩu sang Nhật Bản, tỉnh đang mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cá ngừ tươi sống tại các cửa hàng Nhật tại Việt Nam và xuất khẩu sang Nga, châu Âu.