Quảng Ngãi Tìm Tiếng Nói Chung Về Trồng Và Thu Mua Mía

Vài năm trở lại đây, nông dân ngày càng xa rời cây mía vì cho rằng Nhà máy Đường Phổ Phong (Nhà máy) ép họ trong quá trình đầu tư sản xuất cũng như thu mua. Niên vụ 2013 - 2014, Nhà máy thu mua mía nguyên liệu với giá 850.000 đồng/tấn loại 10 chữ đường (CCS), thấp hơn năm trước 50.000 đồng/tấn.
Mức giá trên khiến nông dân không đồng tình. Họ cho rằng, Nhà máy mập mờ trong việc kiểm tra CCS, thu mua mía chậm, trừ tạp chất cao (1 - 5%)…
Trước những bức xúc trên, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Lê Quang Thích đã có văn bản yêu cầu các ngành chức năng khẩn trương kiểm tra, làm rõ; đồng thời giao Sở NN&PTNT phối hợp với lãnh đạo Nhà máy Đường Phổ Phong tổ chức đối thoại, giải đáp thắc mắc cho nông dân, nhất là bà con ở 4 xã Đức Lân, Đức Phong (Mộ Đức) và Phổ Nhơn, Phổ Phong (Đức Phổ). Sáng 28.6, tại Hội trường Nhà máy Đường Phổ Phong, Sở NN&PTNT đã chủ trì cuộc đối thoại này.
Nghịch lý trồng và bán mía
Hơn 20 năm gắn bó với cây mía nhưng chưa bao giờ ông Nguyễn Tiến Sáu, ngụ xã Phổ Nhơn (Đức Phổ) buồn rầu như mấy vụ gần đây. Lý do, giá mía và chữ đường giảm đều, trong khi chi phí và công chăm sóc lại tăng khiến người trồng mía như ông Sáu bị chồng lỗ.
“Chữ đường tỷ lệ thuận với giá bán. Nhưng việc kiểm tra chữ đường chỉ do mỗi Nhà máy thực hiện thì liệu có đảm bảo sự công bằng ?”, ông Sáu đặt câu hỏi.
Còn ông Trần Xuân Châu thì bức xúc chuyện thu mua và việc xin - cho phiếu đốn của Nhà máy. Hiện trạng mía đến ngày thu hoạch vẫn phải phơi nắng phơi mưa ngoài đồng để…đợi phiếu đốn.
Đến khi đốn được thì lại nằm chờ xe! Đã thế, Nhà máy quy định trong vòng 48 tiếng đồng hồ sau khi đốn, mía phải được chuyển đi cân để “đảm bảo chất lượng cũng như chữ đường” (quá thời gian trên, chữ đường có nguy cơ giảm!).
Có điều, Nhà máy không bố trí xe thì lấy gì vận chuyển? Còn với việc kiểm tra chữ đường, ông Châu nói thẳng là: “Không minh bạch. Bởi mỗi khi chúng tôi phản ứng, có đoàn kiểm tra là chữ đường cao lên một tý. Một thời gian sau rồi đâu lại vào đấy”.
Tìm tiếng nói chung
Trả lời những ý kiến mang tính bức xúc của nông dân, Quyền Giám đốc Nhà máy Đường Phổ Phong Tạ Công Tường khẳng định: “Nhà máy thực hiện việc thu mua, kiểm tra CCS bằng hệ thống tự động và đúng Quy chuẩn Quốc gia nên không có chuyện gian dối.
CCS thấp có thể do mía chưa đủ tuổi thu hoạch, thời gian vận chuyển lâu, ảnh hưởng của thời tiết …”. Trước lập luận này, Phó Giám đốc Sở KH&CN Trần Trọng Huy đề xuất: “Nếu nghi ngờ kết quả kiểm tra CCS của Nhà máy thì bà con giữ lại xe mía, rồi lập tức báo với chúng tôi...”.
Đối với việc thu mua, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đường Quảng Ngãi Cao Minh Tuấn thẳng thắn: “Lỗi phần lớn do nông dân”. Lý do, thời điểm thu hoạch mía trùng với lúa đông xuân nên nông dân bỏ mía, tập trung gặt lúa. Thế mới có chuyện mía về Nhà máy lúc thừa lúc thiếu.
Cụ thể, công suất ép bình quân của Nhà máy niên vụ 2013- 2014 chỉ 1.963 tấn/ngày (kế hoạch là 2.000 - 2.200 tấn/ngày). Để giải quyết vấn đề này, ngoài việc hướng đến chuyện cơ giới hóa thu hoạch, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đào Minh Hường yêu cầu: “Nhà máy và nông dân cần có hợp đồng sản xuất, trong đó phải ghi rõ thời gian trồng, đốn và thu mua. Ai vi phạm, người đó chịu trách nhiệm”.
Chia sẻ nỗi buồn giá giảm, ông Cao Minh Tuấn tiết lộ vụ mía vừa rồi, Nhà máy đã bỏ ra trên 30 tỷ đồng để trợ giá cho nông dân với mức 69.100 - 137.500 đồng/tấn.
Lý do, giá đường giảm mạnh, chỉ còn 12.500 đồng/kg - 13.700 đồng/kg (bán sỉ) nên sau khi trừ 5% thuế thì theo quy định, Nhà máy trả cho nông dân 60% -tức 712.500 -780.900 đồng/tấn.
Tuy nhiên, mức giá này dễ khiến nông dân quay lưng với cây mía nên để giữ chân bà con, cũng là giữ…Nhà máy, Công ty chấp nhận bù lỗ, nâng giá lên mức 850.000 đồng/tấn.
Tại buổi đối thoại, ông Tạ Công Tường - Quyền giám đốc Nhà máy cho rằng, thực tế hiệu quả sản xuất cây mía giảm cũng do một phần lỗi từ nông dân. Đó là họ không tuân thủ quy trình trồng mía của Nhà máy. Đơn cử như vùng chuyên canh mía Tú Sơn, xã Đức Lân. Dù nhận được sự hỗ trợ, đầu tư từ Nhà máy nhưng năng suất mía nơi đây liên tục giảm.
Nguyên do, “chúng tôi phát hiện nhiều nông dân “xé” quy trình theo kiểu nhận đủ phân (1.000 kg Urê/ha) từ Nhà máy nhưng chỉ bón 560 - 570 kg/ha, số còn lại để “nuôi” cây trồng khác. Rồi khi mía thiếu nước, Nhà máy làm việc với Trạm thủy nông dẫn nước nhưng có người vẫn không chịu tưới thì bảo sao cây mía tốt, chữ đường cao?”, ông Tường chỉ rõ. Hẳn vì năng suất giảm nên diện tích cũng thu hẹp, từ 180 ha, giờ vùng chuyên canh mía Tú Sơn chỉ còn 26ha.
Do đó, cùng với việc tăng cường đầu tư, Nhà máy cũng mong muốn nông dân chia sẻ khó khăn, hợp tác thực hiện đổi mới quy trình sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, đảm bảo cuộc sống của người trồng mía và Nhà máy ổn định bền vững trước sự biến động của thị trường.
Tuy nhiên, để thực hiện được mong mỏi này, trước hết Nhà máy cần có động thái làm an lòng người trồng mía. Đó là giải quyết rốt ráo vấn đề xin - cho trong thu mua, cũng như minh bạch hơn trong việc kiểm tra CCS.
Có thể bạn quan tâm

Trước đây ở ấp 2 và ấp 3, xã Bình Hàng Trung (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) chỉ sản xuất lúa 3 vụ/năm, hiệu quả thấp do thường gặp những điều kiện bất lợi về thời tiết, sâu bệnh gây hại nhất là bệnh vàng lùn lùn xoắn lá. Chính vì vậy, chủ trương của địa phương là chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, đưa cây màu xuống ruộng để thay thế 1 vụ lúa trong năm, nhằm tăng nguồn thu nhập cho người dân.

Bộ NNPTNT vừa ban hành Quyết định số 1771/QĐ-BNN-TCTS phê duyệt hệ thống nghiên cứu, sản xuất và cung ứng giống thủy sản đến năm 2020.

Nghề nuôi sò huyết dưới kênh xuất hiện ở Bạc Liêu cách đây hơn 20 năm. Nhiều hộ gia đình đã làm giàu từ cách nuôi này. Triệu phú, tỷ phú sò huyết xuất hiện ngày càng nhiều ở các xã ven biển thuộc huyện Hòa Bình, TP. Bạc Liêu và huyện Đông Hải.

Gia đình ông Vũ Văn Hợi ở thôn Bu Ruăh, xã Đắk N’drung (Đắk Song - Đắk Nông) có 2 ha tiêu đang phát triển xanh tốt, cho năng suất cao, năm 2012, đạt hơn 5 tấn/ha. Theo ông thì sở dĩ đạt được kết quả như vậy vì những năm gần đây, được sự hướng dẫn trực tiếp của các cán bộ Trạm bảo vệ thực vật huyện, ông đã biết phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững, nên năng suất tăng gần gấp đôi so với trước.

“Tôi khao khát được thấy quê hương đổi mới, không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn giúp đỡ được bà con. Quê tôi từ cuộc sống bấp bênh nay như bừng tỉnh cả một vùng chiêm trũng, nhà nhà dưới ao đàn cá, trên bờ hàng cây trĩu quả, trong chuồng đàn lợn, đàn gà gối nhau… Nghề cá ở Bình Dương thực sự trở thành mưu sinh của nhiều gia đình”. Đó là lời tâm sự của vị Phó Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh Bắc Ninh - rất chân thành, rất mộc mạc bởi đơn giản ông cũng là một lão nông lam lũ.