Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Quảng Ngãi Tìm Tiếng Nói Chung Về Trồng Và Thu Mua Mía

Quảng Ngãi Tìm Tiếng Nói Chung Về Trồng Và Thu Mua Mía
Ngày đăng: 05/07/2014

Vài năm trở lại đây, nông dân ngày càng xa rời cây mía vì cho rằng Nhà máy Đường Phổ Phong (Nhà máy) ép họ trong quá trình đầu tư sản xuất cũng như thu mua. Niên vụ 2013 - 2014, Nhà máy thu mua mía nguyên liệu với giá 850.000 đồng/tấn loại 10 chữ đường (CCS), thấp hơn năm trước 50.000 đồng/tấn.

Mức giá trên khiến nông dân không đồng tình. Họ cho rằng, Nhà máy mập mờ trong việc kiểm tra CCS, thu mua mía chậm, trừ tạp chất cao (1 - 5%)…

Trước những bức xúc trên, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Lê Quang Thích đã có văn bản yêu cầu các ngành chức năng khẩn trương kiểm tra, làm rõ; đồng thời giao Sở NN&PTNT phối hợp với lãnh đạo Nhà máy Đường Phổ Phong tổ chức đối thoại, giải đáp thắc mắc cho nông dân, nhất là bà con ở 4 xã Đức Lân, Đức Phong (Mộ Đức) và Phổ Nhơn, Phổ Phong (Đức Phổ). Sáng 28.6, tại Hội trường Nhà máy Đường Phổ Phong, Sở NN&PTNT đã chủ trì cuộc đối thoại này.

Nghịch lý trồng và bán mía

Hơn 20 năm gắn bó với cây mía nhưng chưa bao giờ ông Nguyễn Tiến Sáu, ngụ xã Phổ Nhơn (Đức Phổ) buồn rầu như mấy vụ gần đây. Lý do, giá mía và chữ đường giảm đều, trong khi chi phí và công chăm sóc lại tăng khiến người trồng mía như ông Sáu bị chồng lỗ.

“Chữ đường tỷ lệ thuận với giá bán. Nhưng việc kiểm tra chữ đường chỉ do mỗi Nhà máy thực hiện thì liệu có đảm bảo sự công bằng ?”, ông Sáu đặt câu hỏi.

Còn ông Trần Xuân Châu thì bức xúc chuyện thu mua và việc xin - cho phiếu đốn của Nhà máy. Hiện trạng mía đến ngày thu hoạch vẫn phải phơi nắng phơi mưa ngoài đồng để…đợi phiếu đốn.

Đến khi đốn được thì lại nằm chờ xe! Đã thế, Nhà máy quy định trong vòng 48 tiếng đồng hồ sau khi đốn, mía phải được chuyển đi cân để “đảm bảo chất lượng cũng như chữ đường” (quá thời gian trên, chữ đường có nguy cơ giảm!).

Có điều, Nhà máy không bố trí xe thì lấy gì vận chuyển? Còn với việc kiểm tra chữ đường, ông Châu nói thẳng là: “Không minh bạch. Bởi mỗi khi chúng tôi phản ứng, có đoàn kiểm tra là chữ đường cao lên một tý. Một thời gian sau rồi đâu lại vào đấy”.

Tìm tiếng nói chung

Trả lời những ý kiến mang tính bức xúc của nông dân, Quyền Giám đốc Nhà máy Đường Phổ Phong Tạ Công Tường khẳng định: “Nhà máy thực hiện việc thu mua, kiểm tra CCS bằng hệ thống tự động và đúng Quy chuẩn Quốc gia nên không có chuyện gian dối.

CCS thấp có thể do mía chưa đủ tuổi thu hoạch, thời gian vận chuyển lâu, ảnh hưởng của thời tiết …”. Trước lập luận này, Phó Giám đốc Sở KH&CN Trần Trọng Huy đề xuất: “Nếu nghi ngờ kết quả kiểm tra CCS của Nhà máy thì bà con giữ lại xe mía, rồi lập tức báo với chúng tôi...”.

Đối với việc thu mua, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đường Quảng Ngãi Cao Minh Tuấn thẳng thắn: “Lỗi phần lớn do nông dân”. Lý do, thời điểm thu hoạch mía trùng với lúa đông xuân nên nông dân bỏ mía, tập trung gặt lúa. Thế mới có chuyện mía về Nhà máy lúc thừa lúc thiếu.

Cụ thể, công suất ép bình quân của Nhà máy niên vụ 2013- 2014 chỉ 1.963 tấn/ngày (kế hoạch là 2.000 - 2.200 tấn/ngày). Để giải quyết vấn đề này, ngoài việc hướng đến chuyện cơ giới hóa thu hoạch, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đào Minh Hường yêu cầu: “Nhà máy và nông dân cần có hợp đồng sản xuất, trong đó phải ghi rõ thời gian trồng, đốn và thu mua. Ai vi phạm, người đó chịu trách nhiệm”.

Chia sẻ nỗi buồn giá giảm, ông Cao Minh Tuấn tiết lộ vụ mía vừa rồi, Nhà máy đã bỏ ra trên 30 tỷ đồng để trợ giá cho nông dân với mức 69.100 - 137.500 đồng/tấn.

Lý do, giá đường giảm mạnh, chỉ còn 12.500 đồng/kg - 13.700 đồng/kg (bán sỉ) nên sau khi trừ 5% thuế thì theo quy định, Nhà máy trả cho nông dân 60% -tức 712.500 -780.900 đồng/tấn.

Tuy nhiên, mức giá này dễ khiến nông dân quay lưng với cây mía nên để giữ chân bà con, cũng là giữ…Nhà máy, Công ty chấp nhận bù lỗ, nâng giá lên mức 850.000 đồng/tấn.

Tại buổi đối thoại, ông Tạ Công Tường - Quyền giám đốc Nhà máy cho rằng, thực tế hiệu quả sản xuất cây mía giảm cũng do một phần lỗi từ nông dân. Đó là họ không tuân thủ quy trình trồng mía của Nhà máy. Đơn cử như vùng chuyên canh mía Tú Sơn, xã Đức Lân. Dù nhận được sự hỗ trợ, đầu tư từ Nhà máy nhưng năng suất mía nơi đây liên tục giảm.

Nguyên do, “chúng tôi phát hiện nhiều nông dân “xé” quy trình theo kiểu nhận đủ phân (1.000 kg Urê/ha) từ Nhà máy nhưng chỉ bón 560 - 570 kg/ha, số còn lại để “nuôi” cây trồng khác. Rồi khi mía thiếu nước, Nhà máy làm việc với Trạm thủy nông dẫn nước nhưng có người vẫn không chịu tưới thì bảo sao cây mía tốt, chữ đường cao?”, ông Tường chỉ rõ. Hẳn vì năng suất giảm nên diện tích cũng thu hẹp, từ 180 ha, giờ vùng chuyên canh mía Tú Sơn chỉ còn 26ha.

Do đó, cùng với việc tăng cường đầu tư, Nhà máy cũng mong muốn nông dân chia sẻ khó khăn, hợp tác thực hiện đổi mới quy trình sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, đảm bảo cuộc sống của người trồng mía và Nhà máy ổn định bền vững trước sự biến động của thị trường.

Tuy nhiên, để thực hiện được mong mỏi này, trước hết Nhà máy cần có động thái làm an lòng người trồng mía. Đó là giải quyết rốt ráo vấn đề xin - cho trong thu mua, cũng như minh bạch hơn trong việc kiểm tra CCS.


Có thể bạn quan tâm

Lại Nói Về Quản Lý Chất Lượng Tôm Giống Lại Nói Về Quản Lý Chất Lượng Tôm Giống

Quản lý tôm giống - yếu tố then chốt quyết định thành bại của mọi thành phần tham gia trong quy trình sản xuất tôm - đang có nhiều bất cập. Thông tin từ các Sở NN và PTNT cho thấy, từ đầu năm đến nay, tình hình bệnh trên tôm nuôi đang diễn ra rất phức tạp, tôm bị chết nhiều và chưa có dấu hiệu dừng lại.

12/04/2012
Tôm Chết, Nông Dân Mất Vốn Tôm Chết, Nông Dân Mất Vốn

Tôm chết, nhiều hộ nông dân tại các tỉnh ĐBSCL “cụt” vốn sản xuất ngay những ngày đầu vụ 2012. Tuy nhiên, các ngành chức năng đều cho rằng, tại nông dân làm trái lịch khuyến cáo nên phải... tự chịu trách nhiệm.

13/04/2012
Làm Mạ Tập Trung Cấp Cho Nông Dân Làm Mạ Tập Trung Cấp Cho Nông Dân

Tại các huyện Văn Yên, lực lượng khuyến nông cơ sở, thanh niên tình nguyện đã tổ chức gieo mạ tập trung. Các sân trường, nhà văn hóa…được tận dụng làm nơi gieo mạ.

13/07/2012
Thí Nghiệm Thuốc Kích Thích Tăng Trưởng: Giữa Tháng 4 Sẽ Có Kết Quả Cuối Cùng Thí Nghiệm Thuốc Kích Thích Tăng Trưởng: Giữa Tháng 4 Sẽ Có Kết Quả Cuối Cùng

Việc khảo nghiệm được thực hiện đối với rau cải xanh ở 3 miền Bắc, Trung, Nam và rau xà lách ở miền Bắc. Dự kiến khoảng giữa cuối tháng 4/2008 sẽ có kết quả cuối cùng. Xung quanh vấn đề này, NNVN đã có cuộc trao đổi với TS Bùi Sĩ Doanh, Phó Cục trưởng Cục BVTV.

13/07/2012
Kinh Nghiệm Tiêm Sắt Cho Lợn Con Kinh Nghiệm Tiêm Sắt Cho Lợn Con

Nguồn cung cấp sắt cho lợn con giai đoạn này chủ yếu là từ sữa mẹ, trong khi đó sữa mẹ chỉ đáp ứng được 10-30% lượng sắt cơ thể cần, lợn con càng lớn, sự thiếu hụt sắt càng cao, do vậy việc bổ sung sắt cho lợn giai đoạn này rất cần thiết.

13/07/2012