Quảng Ngãi Khoanh Vùng, Khống Chế Ổ Dịch Cúm A H5N6

Quảng Ngãi vừa ghi nhận xuất hiện ổ dịch cúm A H5N6 tại xã Tịnh Đông, huyện Sơn Tịnh. Trước tình hình này, Cơ quan Thú Y vùng 4, tại Đà Nẵng phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh Quảng Ngãi đến kiểm tra thực tế. Như vậy, Quảng Ngãi là tỉnh thứ 4 phát hiện dịch cúm A H5N6 sau 3 tỉnh Lạng Sơn, Hà Tĩnh và Quảng Trị.
Thẫn thờ trước khu chuồng trống không, bà Bùi Thị Bích Vân ngụ ở thôn Đồng Nhơn Nam, xã Tịnh Đông chia sẻ: Không thể ngờ được, vốn liếng hơn 40 triệu bỏ vào đàn vịt hơn 1.000 con bỗng chốc bay biến. Tôi đã cẩn thận chọn mua giống từ Công ty phân phối giống gia cầm Đại Xuyên, Hà Nội rồi. Vậy mà vẫn mắc dịch, chết không còn một con.
Đàn vịt của gia đình bà Vân là nơi đầu tiên phát hiện ổ dịch cúm A H5N6 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Sau gần 1 tháng thả nuôi, ngày 23.8 vừa qua, gia đình bà Vân phát hiện đàn vịt bị chết hàng loạt bất thường nên báo với chính quyền địa phương.
Ngay sau đó, Chi cục Thú Y tỉnh Quảng Ngãi đã lấy mẫu gửi Trung tâm chẩn đoán thú y Trung ương kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy, đàn vịt của bà Vân dương tính với virut cúm A H5N6 và bị tiêu hủy toàn bộ vào ngày 29.8.
Ông Nguyễn Văn Thuận- Chi cục phó Chi cục Thú ý tỉnh nhận định: Đây là ổ dịch cúm A chủng H5N6 đầu tiên xuất hiện tại Quảng Ngãi. Rất có khả năng, vi rút cúm đã ủ sẵn trong con giống ngay từ khi mua về. Trước mắt, chúng tôi sẽ khoanh vùng ổ dịch cúm ở Tịnh Đông.
Đồng thời, yêu cầu chính quyền địa phương tuyên truyền cho người dân nếu phát hiện ổ cúm phải khai báo và không được vận chuyển, mua bán gia cầm bị bệnh ra khỏi vùng dịch để tránh lây lan.
Hiện huyện Sơn Tịnh có 475.000 con gia cầm đang được các hộ dân thả nuôi tại gia. Riêng xã Tịnh Đông- nơi phát hiện ổ dịch cúm A H5N6 đầu tiên, có 10.000 con gà, vịt. Đến hiện tại, tuy dịch chỉ mới phát hiện ở đàn vịt của gia đình bà Bùi Thị Bích Vân nhưng khả năng vi rút vẫn còn mầm mống và lây lan thành ổ dịch lớn rất có thể xảy ra.
Trước tình hình này, chính quyền xã Tịnh Đông đã chỉ đạo các lực lượng tập trung dập dịch, khống chế không cho nguồn bệnh lây lan bằng mọi cách.
Ông Nguyễn Văn Dương- Phó chủ tịch UBND xã Tịnh Đông cho biết: Bên cạnh việc tiêu độc khử trùng để vệ sinh chuồng trại, chúng tôi còn yêu cầu y tế thôn và người dân theo dõi sức khỏe của người nhà có đàn vịt nhiễm bệnh để kịp thời xử lý. Bên cạnh đó, 4 thú y viên của xã phải tham gia khống chế dịch, tiêu hủy gia cầm bị bệnh.
Các hộ dân chăn nuôi gia cầm cần thường xuyên vệ sinh chuồng trại và tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia cầm
Ngày 4.9, đoàn công tác của Cơ quan Thú y vùng 4 và Chi cục Thú y Quảng Ngãi cũng đã đi kiểm tra việc thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng và xử lý xác gia cầm bị chết để kiểm soát nguồn lây của dịch.
Theo ông Lê Thanh Quang- Phó giám đốc Cơ quan Thú y vùng 4, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có 4 tỉnh xuất hiện ổ dịch cúm A H5N6 là Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Quảng Trị và Quảng Ngãi.
Sau kiểm tra, ông Lê Thanh Quang đề nghị Chi cục Thú y tỉnh và chính quyền địa phương tiếp tục giám sát chặt chẽ ổ dịch, kịp thời phát hiện và xử lý nếu phát hiện thêm ổ dịch mới. Bên cạnh đó, toàn tỉnh cần tập trung triển khai việc tiêm phòng vắc xin cho đàn gia cầm để phòng các dịch bệnh cúm A, trong đó có cúm A H5N6.
Có thể bạn quan tâm

Thời gian qua, mô hình nuôi bò là một trong những mô hình làm ăn có hiệu quả của nhiều bà con nông dân xã Đăng Hưng Phước (Chợ Gạo - Tiền Giang).

Đó là khẳng định của ông Ngô Minh Hùng - Phó giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận khi trao đổi với phóng viên về việc có hay không tình trạng ùn tắc giao dịch thanh long tại cửa khẩu trong những ngày qua…

Nhiều năm liền, anh Nguyễn Văn Thạo ở ấp Mỹ Thạnh B, xã Long Tiên (Tiền Giang) chủ động xử lý sầu riêng ra hoa trái vụ, khắc phục tình trạng "được mùa, rớt giá", góp phần nâng cao mức sống gia đình.

Số lượng nuôi ước tính khoảng 700 con nhím, 1.100 con lợn rừng, 50 con dúi, 15 con hươu sao, tập trung ở xã Đồng Tâm, An Bình, thị trấn Chi Nê (Hòa Bình). Trong đó nuôi lợn rừng, nhím mang lại hiệu quả kinh tế cao và đang được người dân quan tâm nhân đàn, phát triển ra diện rộng.

Năm nay là năm thứ 3, nông dân ở các xã vùng ngập mặn ven biển huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh như Trường Long Hòa, Hiệp Thạnh, Long Hữu, Long Vĩnh, Long Khánh thu được lợi nhuận cao từ mô hình kết hợp nuôi tôm sú với cua biển. Bình quân mỗi hécta kết hợp nuôi tôm sú với cua biển, nông dân có thu nhập từ 35 - 40 triệu đồng.