Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Quang Minh Mùa Lúa Chín

Quang Minh Mùa Lúa Chín
Ngày đăng: 07/10/2014

Trong nắng Thu dịu nhẹ nhuộm vàng cánh đồng lúa chín là hình ảnh người dân quê nhanh tay gặt những bông lúa vàng trĩu hạt; là sự tất bật thu từng bó lúa đã hanh khô qua nắng để đưa vào máy tuốt... Những hình ảnh ấy tuy bình dị nhưng đã tạo nên bức tranh sinh động cho mùa lúa chín ở xã Quang Minh (Bắc Quang).

Không những vậy, sau thu hoạch lúa Mùa, địa phương đã và đang có nhiều việc làm tích cực, để sản xuất nông nghiệp hứa hẹn những mùa vụ no ấm.

Đến Quang Minh trong không khí nhộn nhịp về trên khắp các cánh đồng lúa chín, chúng tôi cảm nhận rõ nét niềm hân hoan nơi khuôn mặt rám nắng của người dân quê.

Trải qua bao nhọc nhằn “một nắng hai sương”, nay họ thu về mùa vàng no ấm. Đặc biệt, sau thu hoạch lúa Mùa, đây là năm đầu tiên họ cùng chính quyền sở tại bắt tay vào công việc dồn điền, chỉnh trang đồng ruộng để tổ chức lại sản xuất. Và khi nhiều địa phương khác đã hoặc đang thu hoạch lúa Mùa thì Quang Minh đã có những thôn chuẩn bị kết thúc kế hoạch trồng cây vụ Đông...

Kết quả đáng ghi nhận này cùng mùa vàng năng suất chính là minh chứng thuyết phục, để Quang Minh tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng của mình khi trở thành một trong những vùng trọng điểm sản xuất lúa của huyện Bắc Quang.

Với diện tích lúa 2 vụ lớn, chiếm 790,5 ha (riêng vụ lúa Mùa năm 2014 diện tích đạt 433,7 ha) cùng địa hình tương đối bằng phẳng và gần trung tâm huyện, Quang Minh có nhiều lợi thế để trở thành vùng trọng điểm của huyện Bắc Quang về sản xuất lúa.

Thêm vào đó, việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiến bộ cùng quá trình tích cực đưa giống lúa năng suất, chất lượng cao vào sản xuất như: San ưu 63, Nhị ưu 725, Việt lai 20,... của người nông dân đã mang lại cho xã Quang Minh những cánh đồng lúa đạt năng suất bình quân 62,8 tạ/ha.

Đặc biệt, ở Quang Minh, việc sản xuất lúa không chỉ đáp ứng nhu cầu về lương thực hằng ngày hoặc phục vụ mục đích chăn nuôi mà một phần lúa đã dần trở thành hàng hóa, tăng thu nhập cho người trồng (với lợi nhuận ước khoảng 24 triệu đồng/ha).

Ở thời điểm này, khi nhiều địa phương đang thu hoạch lúa Mùa thì ở thôn Khiềm, nhiều hộ dân đã kết thúc quá trình trồng ngô vụ Đông và bón phân, chăm sóc lần thứ nhất. 3 năm trở lại đây, sau thu hoạch lúa Mùa, thôn Khiềm đã trở thành thôn trọng điểm của xã trong sản xuất vụ Đông; với 100% diện tích đất trồng lúa vụ Mùa được chuyển sang trồng ngô và các loại rau vụ đông (trong đó có 16 ha ngô và 3 ha rau các loại).

Và phong trào trồng cây vụ Đông ở thôn Khiềm đã chứng minh giá trị kinh tế cao cho người trồng. Bằng chứng cho thấy, 1 ha cây vụ Đông cho thu nhập bình quân đạt trên 50 triệu đồng.

Nhiều gia đình như chị: Lộc Thị Hường, Hoàng Thị Vấn,... chỉ có từ 2.000-3.400m2 diện tích đất trồng cây vụ Đông nhưng đã cho thu nhập hàng chục triệu đồng/vụ. Từ thành công này, thôn Khiềm trở thành điểm sáng để nhiều thôn khác trên địa bàn xã như: Quang Tiến, Minh Tâm, Bế Triều,... học tập cách trồng cây vụ Đông, tăng thu nhập hộ tránh tình trạng đất “nghỉ đông” như nhiều năm trước.

Đặc biệt, sau thu hoạch lúa Mùa, đây cũng là năm đầu tiên chính quyền địa phương chủ trương thực hiện phương án: Dồn điền và chỉnh trang đồng ruộng, tổ chức lại sản xuất.

Theo đó, cánh đồng Nà Choòng (diện tích khoảng 5 ha) của thôn Minh Tâm được xã Quang Minh chọn làm thí điểm. Bởi đây là cánh đồng liền vùng, liền khoảnh và có độ cao chênh lệch giữa các thửa ruộng không quá 15 cm, thuận tiện cho quá trình triển khai phương án.

Đồng thời, tiến hành thiết kế đồng ruộng (lô, thửa, hệ thống giao thông, kênh mương, thủy lợi nội đồng) và tổ chức họp, bàn với nhân dân để nhân dân hiểu rõ quyền, lợi ích và trách nhiệm của mình khi dồn diền, chỉnh trang đồng ruộng chính là việc góp phần giảm chi phí trong sản xuất, tăng thu nhập cho nông hộ vào những mùa vụ tiếp theo...

Nắng chiều nghiêng bóng, nhiều nẻo đường quê thêm tấp nập lượt người chở xe thócvề nhà. Đâu đó, tiếng trẻ thơ vẫn thỏa sức nô đùa trên những cánh đồng vương đầy sắc Thu. Và khuôn mặt in hằn nắng, gió của bao người nông dân vẫn vẹn nguyên nét rạng ngời về một mùa lúa vàng năng suất...

Đặc biệt, với chủ trương đưa sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững của chính quyền sở tại, trong tương lai gần, Quang Minh sẽ có mức thu nhập bình quân đầu người vượt mốc 23 triệu đồng/người/năm như thời điểm hiện tại, để chất lượng cuộc sống không ngừng nâng cao.


Có thể bạn quan tâm

Bồi Dưỡng Nghiệp Vụ Cho Cán Bộ Cơ Sở Bồi Dưỡng Nghiệp Vụ Cho Cán Bộ Cơ Sở

70 cán bộ hội ND, trong đó có 40 cán bộ chủ chốt hội cơ sở trong tỉnh nhiệm kỳ 2012-2017 vừa được Trường Cán bộ Hội ND triệu tập để trang bị kiến thức nghiệp vụ chuyên ngành của hội năm 2012.

25/06/2012
Tới Hải Phòng, Gặp “Vua Rèn” Đất Do Nha Tới Hải Phòng, Gặp “Vua Rèn” Đất Do Nha

Thành phố Hải Phòng không có làng nghề truyền thống nào về nghề rèn, những hộ cá lẻ chuyên làm nghề này cũng ít. Với anh Tiêu Đức Lâm, đây là nghề tay trái, nhưng lại được nhiều người suy tôn là “vua rèn”, bởi tay nghề có hạng và sự mẫn cán của anh trong công việc.

25/06/2012
Nuôi Tôm Quy Trình Chuẩn, Vẫn Chết Nuôi Tôm Quy Trình Chuẩn, Vẫn Chết

Tôm chết hàng loạt ở ĐBSCL thời gian qua được các chuyên gia xác định nguyên nhân chính là do thuốc BVTV (nông dân sử dụng để diệt giáp xác) tồn dư trong môi trường.

11/05/2012
Hướng Tới Công Nghệ Chăn Nuôi Không Phân Hướng Tới Công Nghệ Chăn Nuôi Không Phân

Ngày 7/5, tại tỉnh Đồng Nai, Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp, lần I – năm 2012 với chủ đề “Sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai tổ chức. Nhiều giải pháp áp dụng chế phẩm sinh học (CPSH)được người chăn nuôi rất quan tâm…

12/05/2012
Bí Đao Khổng Lồ Tăng Giá Bí Đao Khổng Lồ Tăng Giá

Ngày 22.6, ông Phạm Văn Thọ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Thọ (H.Phù Mỹ, Bình Định) cho biết bí đao khổng lồ (40 - 45 kg/quả) trên địa bàn đang được thương lái thu mua với giá 4.000 - 4.500 đồng/kg, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

25/06/2012