Quảng Bạch (Bắc Kạn) Mở Rộng Diện Tích Trồng Hồng Không Hạt

Cây hồng không hạt được người dân xã Quảng Bạch (Chợ Đồn - Bắc Kạn) đưa về trồng từ khá lâu. Đây là loại cây hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, cho chất lượng quả thơm, ngon không kém so với các nơi khác. Để cây hồng trở thành cây trồng mũi nhọn kinh tế, xã Quảng Bạch đang vận động nhân dân mở rộng diện tích, tiến tới hình thành vùng trồng hồng không hạt hàng hóa.
Nhằm duy trì và mở rộng diện tích, tiến tới hình thành vùng sản xuất hàng hóa, Đảng bộ xã đã xây dựng, triển khai Nghị quyết chuyên đề về phát triển hồng không hạt trên địa bàn và coi đây là một trong những cây trồng mũi nhọn giúp người dân xóa đói, giảm nghèo. Thôn Bản Lác, Khuổi Vùa… là những thôn đang mở rộng diện tích về loại cây ăn quả này và có hộ thu nhập vài chục triệu đồng từ trồng hồng.
Tiếng lành về vườn hồng không hạt nhà ông Hoàng Văn Phong ở thôn Bản Lác, xã Quảng Bạch lan xa đến độ bước chân vào xã hỏi thăm, mọi người ai cũng biết và nhiệt tình chỉ nhà cho chúng tôi.
Đường đi vào bản vẫn còn là con đường đất, gập ghềnh sỏi đá. Nhưng cái khó không bó được cái khôn của người dân bản, họ vẫn chăm chỉ, cần cù lao động sản xuất, để có được những cánh đồng trĩu hạt và những trái hồng ngọt thơm.
Không khó khăn để chúng tôi tìm đến được gia đình ông Phong nhưng chủ nhà đi vắng, đang ngó quanh thì được chị hàng xóm cho biết: “Ông Phong đang ở trong vườn chú ạ, hồng đang ra hoa nên ông chăm kĩ lắm”. Nói rồi chị vui vẻ dẫn chúng tôi vào vườn hồng.
Quãng đường từ nhà đến vườn gần một cây số, dọc đường đi chúng tôi lại bắt gặp những hàng hồng đang vươn mình xanh mơn mởn đón nắng mới được trồng trên bờ ao, mương, vườn của các hộ dân nơi đây. Chúng tôi đến vườn khi ông Phong đang chăm chú kiểm tra sâu bệnh ở các gốc hồng.
Khu vườn chỉ rộng khoảng 2.000m2, nhưng được phủ xanh bởi những hàng hồng thẳng tắp. Những cây hồng gần chục tuổi cao, xòe tán rộng, nở đầy hoa. Ông Phong chia sẻ “khu đất vườn này trước đây là ruộng lúa một vụ, nhưng cằn quá, thu chẳng được là bao, đến năm 2005, tôi chuyển sang trồng hồng không hạt”.
Gia đình ông là hộ tiên phong trong việc đưa đưa cây hồng trồng xuống đất ruộng một vụ. Như hợp đất, hợp người, cây sinh trưởng phát triển tốt, chỉ sau 3- 4 năm, hồng đã bắt đầu bói quả.
Theo chân ông Phong đi một vòng thăm vườn, ông hồ hởi: “Vụ vừa rồi hồng đạt năng suất, 80 cây cho 3,6 tấn quả, sau khi trừ chi phí, tôi còn lãi được 60 triệu đồng”.
Với kinh nghiệm của người trồng lâu năm, ông chia sẻ thêm “Hồng không hạt là loại cây ăn quả lâu năm, có tuổi thọ đến trăm năm tuổi. Cây dễ tính, ưa ẩm, mát và phù hợp với trồng phân tán. Những nơi như bờ ao, bờ mương là nơi trồng lý tưởng cho cây”.
Trồng hồng không cần đầu tư nhiều tiền bạc và công chăm sóc, hồng không hạt thực sự là cây trồng thích hợp với chất đất, thổ nhưỡng khí hậu tại địa phương. Không chỉ gia đình ông Phong, hiện nay nhiều hộ dân ở thôn Bản Lác, Khuổi Vùa cũng đã đang tích cực nhân rộng diện tích trồng cây hồng và bước đầu đã có thu nhập đáng kể từ loại cây này.
Nhận thấy hiệu quả từ loại cây này, những năm gần đây chính quyền huyện Chợ Đồn, xã Quảng Bạch đã tuyên truyền, vận động bà con thực hiện trồng hồng không hạt trên toàn xã. Đặc biệt, người dân được hỗ trợ cây giống và được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc tận tình, đây là sự khích lệ, động viên người nông dân, để họ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhờ đó mà diện tích trồng hồng không hạt trên địa bàn xã đã tăng lên đáng kể. Nếu như năm 2006 chỉ trồng mới được 1,63ha thì đến năm 2013 số diện tích hồng toàn xã đã nâng lên hơn 26ha; trong số này có nhiều diện tích đã cho thu hoạch, góp phần nâng cao đời sống cho hàng chục hộ dân trên địa bàn.
Nói về hiệu quả mà cây hồng không hạt đem lại, ông Phùng Văn Quỳnh- Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Một kilôgiam hồng bán tại vườn khoảng 15-20 nghìn đồng, lúc cao điểm có giá từ 30 - 40 nghìn đồng, mà vẫn không có đủ bán, so với cây lúa thì thu nhập từ cây hồng cao gấp nhiều lần”.
Từ những điều kiện thuận lợi để phát triển cây hồng không hạt, cộng thêm những hiệu quả mà giống cây này mang lại, trong thời gian tới, xã Quảng Bạch sẽ tiếp tục nhân rộng diện tích trồng, cũng như nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân trên địa bàn.
Có thể bạn quan tâm

Theo tính toán của ông Liệt, trung bình mỗi năm, vườn măng cụt, sầu riêng của gia đình thu được khoảng 20 triệu đồng (chưa tính tiền mua phân bón, thuốc), nhưng nhờ trồng thêm các loại cây kiểng bán lá nên thu nhập đã tăng thêm khoảng 20 triệu đồng/năm (cứ 1,5 tháng, ông Liệt thu hoạch lá bán 1 lần, thu về khoảng 3 triệu đồng).

Sáng 17-7, Ban Quản lý dự án “Hợp tác tăng cường phát triển ca cao bền vững” (thuộc Cục Trồng trọt) tổ chức hội thảo “Bài học kinh nghiệm tại Dak Lak và các giải pháp phát triển ca cao bền vững cho khu vực Tây Nguyên” nhằm đánh giá thực trạng phát triển ca cao và truyền thông trong ngành hàng ca cao ở Dak Lak.

Với diện tích 1.613 ha cà phê, trong đó diện tích cà phê kinh doanh là 1.410 ha, nhưng phần lớn đã già cỗi cho năng suất thấp, khiến cho thu nhập của người dân ngày càng giảm.

Trước tình hình thời tiết không thuận lợi kèm theo năm nhuận nên chu kỳ cho trái của một số loại trái cây phục vụ Tết Ất Mùi tại các nhà vườn ở ĐBSCL bị “đảo lộn”, dẫn đến năng suất và chất lượng bị ảnh hưởng, nguy cơ khan hiếm hàng để bán tết là rất cao.

Heo rừng là loài động vật hoang dã nên sức đề kháng tốt, thức ăn dễ tìm; quy trình nuôi, cách chăm sóc cũng không quá khó nên mô hình này ngày càng được nhân rộng ở nhiều địa phương.