Quan tâm đầu tư, phát triển chợ nông thôn

Là một trong những tiêu chí quan trọng trong chương trình xây dựng nông thôn mới, chợ nông thôn không chỉ là nơi giao thương buôn bán của bà con nông dân, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển mà còn là đích đến văn minh thương mại nông thôn mới. Tuy nhiên, hiện nay việc đầu tư cho chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức.
Chợ nông thôn không chỉ phục vụ các nhu cầu thiết yếu hàng ngày thông qua hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ của bà con nông thôn mà còn thể hiện được sự văn minh thương mại, thu dần khoảng cách giữa nông thôn-thành thị, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương ngày một phát triển. Vậy nhưng, thực tế việc đầu tư và phát triển chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh những năm gần đây chưa thực sự được quan tâm đúng mức, kinh phí đầu tư hạn chế mặc dù hàng năm, ngân sách trung ương đều bố trí kinh phí đầu tư mới từ 3-4 chợ cho tỉnh
Cụ thể, giai đoạn 2010-2015, toàn tỉnh đã đầu tư trên 78 tỷ đồng để xây mới, cải tạo, nâng cấp 35 chợ (xây mới 17 chợ và cải tạo nâng cấp 18 chợ). Trong đó, nguồn kinh phí từ ngân sách các huyện là chính (64,383 tỷ đồng), tiếp đến là dân doanh đóng góp trên 11,6 tỷ đồng, còn ngân sách trung ương hỗ trợ chỉ 1 tỷ đồng. Ngoài ra, còn một số nguồn khác như Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới…
Theo Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 19-7-2011 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về xây dựng nông thôn mới tỉnh Gia Lai, phấn đấu năm 2015: số xã có chợ nông thôn đạt chuẩn quy định của Bộ Xây dựng là 30% và tăng lên 75% vào năm 2020. Về cơ bản tỉnh ta đã đạt được chỉ tiêu 30% số xã có chợ nông thôn (53 chợ nông thôn/185 xã). Tuy nhiên, với hệ thống mạng lưới chợ như trên vẫn còn quá mỏng, việc giao thương, buôn bán ở các xã vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn do đường sá đi lại xa.
Toàn tỉnh hiện có 88 chợ, trong đó có 1 chợ đầu mối (chợ đêm, phường Diên Hồng, TP. Pleiku); 2 chợ hạng I (chợ Trung tâm Thương mại Pleiku, chợ Phú Túc (huyện Krông Pa); 10 chợ hạng II, còn lại là chợ hạng III. Nếu phân theo tính chất kinh doanh thì có 1 chợ bán buôn, 5 chợ bán lẻ và 82 chợ vừa bán buôn và bán lẻ với tổng số gần 9.000 hộ kinh doanh cố định và lưu động. |
Bên cạnh đó, hiện vẫn chưa có đánh giá cụ thể về số lượng chợ nông thôn đạt chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng, đảm bảo các tiêu chí, như chợ phải có diện tích 2.000-3.000 m2; quy mô số điểm kinh doanh dưới 200 điểm và phải đảm bảo 3 m2/điểm kinh doanh, có các công trình cấp IV, cấp III… Thực tế hiện tại vẫn còn nhiều chợ tạm bợ hoặc đã xuống cấp trầm trọng.
Chủ trương xã hội hóa xây dựng chợ tuy đã triển khai ở tỉnh nhưng chương trình này vấp phải một số bất cập. Chợ xây lên nhưng hiệu quả hoạt động kém, chẳng hạn như chợ Ia Krái (huyện Ia Grai) do Công ty TNHH một thành viên Tuấn Nhung đầu tư xây dựng từ năm 2011 với mức đầu tư gần 7 tỷ đồng, dù đã đưa vào sử dụng nhiều năm nhưng hiệu quả hoạt động kém.
Theo ông Bùi Ngọc Sơn-Phó Giám đốc Sở Công thương Gia Lai, việc đầu tư xây dựng chợ nông thôn là rất cần thiết để phát triển ngành thương mại nông thôn và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, trong những năm gần đây việc phát triển chợ chưa được các sở, ban ngành của tỉnh quan tâm, kinh phí đầu tư hạn chế. Đề nghị tỉnh hàng năm cần tính toán, cân đối ngân sách để bố trí cho đầu tư xây dựng chợ nông thôn theo quy hoạch phát triển chợ đến năm 2020 đã được phê duyệt.
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay, mô hình trồng xen ổi trong vườn cây có múi do Trung tâm khuyến nông tỉnh Sóc Trăng chuyển giao cho nông dân bước đầu mang lại hiệu quả về việc phòng bệnh vàng lá Greening và đã được bà con công nhận. Trong thời gian chờ cây trồng chính cho thu hoạch thì mô hình này đã giúp nông dân lấy ngắn nuôi dài khi trồng xen các loại rau màu khác.

UBND thành phố Hải Phòng vừa có công văn gửi các sở, ngành, địa phương liên quan về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh ở tôm nuôi trên địa bàn tình phố.

Để khai thác tối đa hiệu quả kinh tế và bảo tồn, phát triển nguồn gen giống quýt vàng bản địa, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vân Hồ (Sơn La) đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm rau hoa quả Gia Lâm tiến hành “Xây dựng mô hình thâm canh, trồng mới và bình tuyển quýt” tại xã Chiềng Yên; thực hiện các biện pháp kỹ thuật tăng năng suất những vườn quýt hiện có, góp phần giảm nghèo bền vững, tăng thu nhập cho người trồng quýt.

Sau thành công từ mô hình nuôi gà sao, gà nòi, gà đồi Bắc Giang, gà Hơmông của một số nông dân trong tỉnh, thì nuôi gà giống Bình Định đang là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cho một số hộ dân ở xã Thanh Lương (TX. Bình Long, Bình Phước).

Được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng và điều kiện địa lý, những năm gần đây, thương hiệu rau an toàn bản Ta Niết, xã Chiềng Hắc (Mộc Châu - Sơn La) đã hình thành và cung cấp ổn định cho thị trường trong tỉnh cùng một số siêu thị lớn tại Hà Nội, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất.