Quản Lý Chất Lượng Con Giống

Việc tăng cường giám sát chất lượng con giống là yêu cầu bức thiết hiện nay của ngành nông nghiệp, nhất là trong bối cảnh ngành đang dồn sức triển khai đề án tái cơ cấu.
Buông lỏng quản lý
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang quản lý 43 cơ sở nuôi giữ giống gốc vật nuôi để cung cấp cho sản xuất. Việc quản lý sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi đã được quy định tại Pháp lệnh Giống vật nuôi. Cục Chăn nuôi cũng đã ban hành những tiêu chí của một cơ sở giống đạt yêu cầu. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực thi pháp lệnh này không hiệu quả.
“Các cơ sở sản xuất giống của nhà nước thì hoạt động bài bản nhưng cơ sở tư nhân khó bảo đảm chất lượng. Nhà nhà làm giống nên chất lượng con giống không bảo đảm. Hiện chỉ có khoảng 50% số lợn đực giống được kiểm tra, số còn lại đều do người dân tự quản lý và phối giống. Điều này dẫn tới hệ lụy là chất lượng giống kém”, TS Phạm Công Thiếu, Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi nêu thực tế.
Điều bức xúc nhất hiện nay là mặc dù đã có tiêu chí quy định cơ sở như thế nào thì mới đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi, nhưng thực tế việc kiểm soát, quản lý và cấp phép hiện nay chưa tốt. Chưa có cơ sở nào trên toàn quốc bị đình chỉ hoạt động vì không đủ tiêu chuẩn. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống vật nuôi không được kiểm soát chất lượng xuất hiện tràn lan. Khi ra thị trường, các con giống tốt bị trà trộn với con giống kém chất lượng, gây khó khăn cho người chăn nuôi trong việc phải lựa chọn con giống đưa vào sản xuất.
Một điểm bất cập nữa là hiện tượng nhập lậu con giống gia súc, gia cầm tại các tỉnh biên giới phía bắc vẫn diễn ra phổ biến.
Bộ NN&PTNT cho biết, việc nhập lậu gia cầm chưa ngăn chặn được triệt để. Hệ quả là giống vật nuôi khi tuồn vào nội địa theo con đường này đều khó có thể đảm bảo chất lượng. Việc nhập lậu con giống còn mang theo mối nguy dịch bệnh, đe dọa ngành chăn nuôi trong nước.
Chấn chỉnh
Ông Đoàn Xuân Trúc, Tổng Thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, công tác giống là biện pháp rất quan trọng để phát triển chăn nuôi bền vững, tăng hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Ông Trúc kiến nghị, Bộ NN&PTNT cần tăng cường quản lý chất lượng giống gia súc, gia cầm; chỉ đạo các địa phương kiểm tra, thực hiện nghiêm túc các quy định, quy chuẩn kỹ thuật liên quan tới công tác giống; trước mắt là chuẩn bị lộ trình để từ giữa năm 2015 trở đi, Bộ và các địa phương phải quản lý được các cơ sở sản xuất con giống và các cơ sở này phải cấp giấy chứng nhận các sản phẩm giống khi đưa ra sản xuất.
Đại diện lãnh đạo Viện Chăn nuôi cho rằng, để quản lý được chất lượng giống vật nuôi, cần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Hiện đã có Pháp lệnh Giống vật nuôi, nhưng pháp lệnh này phải được bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về giống để phù hợp với thực tế sản xuất. “Đối tượng chính phải hướng đến là các trại giống. Không thể để tình trạng con giống không được kiểm tra năng suất cá thể mà vẫn được cho đi phối giống, vì việc này ảnh hưởng đến chất lượng vật nuôi”.
Đồng thời, cần quy định rõ quyền hạn các cơ sở sản xuất giống. Cụ thể, các cơ sở do cấp tỉnh và Trung ương (cụ thể là Bộ NN&PTNT) quản lý mới được phép sản xuất giống đời cụ kị, ông bà. Còn đối với việc sản xuất con giống bố mẹ, giao cho các doanh nghiệp, trang trại tư nhân thực hiện. Theo đó, những cơ sở này mua con giống cụ kị, ông bà ở các cơ sở của nhà nước về để sản xuất ra con giống bố mẹ và con thương phẩm. Việc này không chỉ giúp cho các cơ sở nuôi giữ con giống cụ kị, ông bà bán hết được con giống gốc tốt, mà còn giúp ngành chăn nuôi phát huy được ưu thế lai.
Một biện pháp quan trọng không kém là rà soát, nâng cấp, tiêu chuẩn hóa các trạm thụ tinh nhân tạo, các cơ sở cung cấp con giống. Theo ông Thiếu, các sở NN&PTNT phải tăng cường kiểm tra các tiêu chí đối với trang trại, cơ sở sản xuất giống. Các tỉnh nên thành lập Chi cục Chăn nuôi - Thú y và có phòng quản lý về giống vật nuôi. Như vậy, việc phối hợp kiểm soát dịch bệnh, chất lượng con giống sẽ tốt hơn.
Để giảm thiểu, tiến tới chặn việc nhập các giống kém chất lượng từ ngoài biên giới vào thì một mặt, các lực lượng chuyên ngành như hải quan, biên phòng cần kiểm tra giám sát việc nhập lậu; mặt khác, các địa phương khu vực biên giới cần đầu tư xây dựng cơ sở giống. Theo khảo sát, hiện nay, hầu hết các tỉnh biên giới đang “trắng” điểm sản xuất giống.
Có thể bạn quan tâm

Một số chủ lồng nuôi khẳng định, cá chết một phần do nguồn nước thải chưa qua xử lý tại khu vực chợ, khu dân cư chạy theo hệ thống cống rãnh đổ xuống khu vực chân cầu Lăng Cô. Bên cạnh đó, một số hộ dân ở thôn Hói Mít, Hói Dừa sau khi lén lút thu hoạch tôm chân trắng đã xả nước thải xuống đầm Lập An, ảnh hưởng đến nguồn nước vùng nuôi cá mú

Xã biên giới Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai có làng thanh niên lập nghiệp gồm 100 hộ sinh sống với diện tích đất nông nghiệp gần 550 ha

Dễ trồng, đầu tư thấp, hiệu quả kinh tế rất cao. Đó là đánh giá về hiệu quả trồng cây măng tây xanh của người dân phường Văn Hải, TP Phan Rang- Tháp Chàm (Ninh Thuận).

Quốc đảo Philippines từ lâu đã nổi tiếng là nơi cung cấp dừa và các sản phẩm từ dừa lớn nhất thế giới. Một phần ba dân số của Philippines sống phụ thuộc vào ngành công nghiệp dừa. Nhóm phóng viên VTC16 đã đến tìm hiểu về ngành công nghiệp đã đem lại kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ đô la Mỹ mỗi năm cho đất nước này.

Điểm khác nhau giữa mô hình 3 giảm, 3 tăng với các ruộng sản xuất đại trà là: sử dụng giống nguyên chủng PC6 (lúa chất lượng cao) với lượng giống 50 - 60 kg/ha, kết hợp công cụ sạ hàng để giảm lượng giống gieo sạ, điều tiết mật độ cây thích hợp và giảm công lao động, sử dụng phân bón vi sinh để thay thế 50% lượng phân đạm và lân, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho lúa trong thời gian 40 ngày sau sạ