Quản chặt sử dụng thuốc thú y, chế phẩm trong chăn nuôi

Trong thời gian qua, việc sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản đã dẫn đến việc các sản phẩm động vật, thủy sản có tồn dư nhiều chất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe con nguời.
Hơn nữa, những việc làm này đã ảnh hưởng đến uy tín thị trường xuất khẩu các sản phẩm động vật, thủy sản của Việt Nam.
Vừa qua, Bộ NN&PTNT đã cử các đoàn công tác đi kiểm tra các cửa hàng buôn bán thuốc thú y, cơ sở nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh Đồng Nai, Tiền Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, TPHCM…
Qua kiểm tra thực tế, đoàn đã phát hiện nhiều tồn tại như có nhiều sản phẩm thuốc thú y đang dùng trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản không có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam; nhiều sản phẩm thức ăn bổ sung có nhãn mác không đúng với đăng ký, thành phần khác với đăng ký, ghi thêm nhiều công dụng để thu hút người mua.
Nhiều cửa hàng thuốc thú y mua các thùng nguyên liệu kháng sinh về chia nhỏ thành các gói nhỏ để bán trực tiếp cho người nuôi trồng thủy sản, trong đó có những loại bị cấm như enrofloxacin…
Cùng với đó, vaccine tiêm phòng gia súc tại nhiều địa phương được kiểm tra đã không được bảo quản ở nhiệt độ từ 2 - 8 độ C, mà thường để trong tủ sắt hoặc sàn nhà, có trường hợp thuốc thú y còn bày bán chung với thuốc bảo vệ thực vật.
Hầu hết các cửa hàng bán thuốc thú y không có sổ sách theo dõi, ghi chép việc nhập và bán thuốc, nhiều thuốc nhập khẩu nhưng không dán nhãn phụ bằng chữ Việt Nam theo quy định.
Nhiều cơ sở nuôi trồng thủy sản sử dụng trực tiếp nguyên liệu kháng sinh dùng trong y tế để phòng, trị bệnh thủy sản với liều lượng tùy tiện.
Nhìn chung, công tác kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, bao gồm cả kinh doanh, sử dụng thuốc và các chế phẩm sinh học trong chăn nuôi chưa được quan tâm đúng mức.
Hoạt động quản lý còn kém hiệu quả do chức năng nhiệm vụ quản lý chuyên môn được giao cho nhiều đơn vị đảm nhiệm.
Để khắc phục những tồn tại này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát vừa có văn bản đề nghị trực tiếp các chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan tại địa phương làm chặt chẽ hơn việc quản lý sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi.
Cụ thể, nghiêm cấm tất cả các hình thức buôn bán thuốc thú y, thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học ngoài danh mục, nhất là các loại chất kích thích tăng trọng nhanh, tạo nạc, tạo màu vàng, phòng trị bệnh…
Cấm lưu hành nguyên liệu kháng sinh, thuốc y tế, thuốc bảo vệ thực vật… ghi sai nhãn mác, ghi thêm công dụng, không có nhãn phụ. Đồng thời cấm hành động san, chia thuốc tiêm, thuốc bột tại các cửa hàng bán thuốc thú y.
Các địa phương cần chỉ đạo UBND các cấp, ban ngành của địa phương và các lực lượng liên quan, nhất là bộ đội biên phòng, hải quan, công an, quản lý thị trường phối hợp chặt với lực lượng liên quan của sở NN&PTNT để giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu, khu vực tập kết thuốc thú y, thức ăn bổ sung… để phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm khắc, triệt để với các trường hợp vi phạm.
Có thể bạn quan tâm

Sức tiêu thụ hiện tại trên hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đối với trái vải đang ở mức từ 10 - 15 tấn/ngày và dự đoán khi chính vụ sức tiêu thụ sẽ có khả năng tăng gấp đôi.

Thời kỳ đầu phát triển mắc ca, nông dân Trung Quốc cũng bị lúng túng trong lựa chọn giống, do thiếu hiểu biết nên rất nhiều diện tích trồng bằng giống thực sinh... Tôi chợt nghĩ bên đất nước mình, mắc ca trồng bằng cây thực sinh vẫn phổ biến, rồi đây những người nông dân đó sẽ phải trả giá đắt vì thiếu hiểu biết.

Do sản lượng gạo xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2015 sụt giảm, Việt Nam lại phải cạnh tranh gay gắt với các nước xuất khẩu khác nên từ nay đến cuối năm áp lực đè nặng lên vai các doanh nghiệp xuất khẩu gạo là rất lớn.

Tính từ đầu năm đến hết tháng 5, tổng giá trị kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn do Cục Hải quan Cao Bằng quản lý (Cao Bằng và Bắc Kạn) là gần 76 triệu USD, giảm 22,73% so với cùng kỳ.

Trong khi giá hành, tỏi ở nhiều địa phương rớt mạnh thì tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), mỗi kg tỏi cô đơn có giá đến 1,2 triệu đồng.