Quản Bạ Thành Lập Các Nhóm Nông Dân Cùng Sở Thích Giúp Nhau Phát Triển Kinh Tế

Cùng giúp nhau trong trồng trọt, chăn nuôi, đề xuất ý tưởng, xây dựng kế hoạch xây dựng thôn, xóm hướng tới lợi ích chung của cộng đồng là những việc đang được huyện Quản Bạ triển khai thực hiện.
Tập hợp những người dân, hộ gia đình thành lập các nhóm nông dân cùng sở thích để thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao trình độ, năng lực và tăng thu nhập cho nông dân góp phần sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng Nông thôn mới.
Để thành lập các nhóm cùng sở thích (NCST), tại các thôn bản, các hội, đoàn thể của các xã, thị trấn trong huyện đóng vai trò là những tổ chức phối hợp với ngành Nông nghiệp hướng dẫn hội viên trong việc lựa chọn cây trồng, vật nuôi là thế mạnh thích hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của địa phương. Hiện trên địa bàn huyện đã thành lập 6 nhóm sản xuất (NSX) thảo quả ở xã Tùng Vài, Tả Ván, Cao Mã Pờ; nhóm nuôi ong xã Thái An, Lùng Tám; nhóm chăn nuôi lợn ở xã Quyết Tiến, Quản Bạ, Nghĩa Thuận.
Tham gia NCSX cùng sở thích là những người dân, gia đình sống chung trong cộng đồng địa phương tham gia một cách tự nguyện, cùng một sở thích và chung mối quan tâm về lợi ích phát triển kinh tế, hoạt động theo quy chế nhóm tự xây dựng, các thành viên tham gia đều có vai trò nhất định. Sản xuất, chăn nuôi theo nhóm giúp bà con nông dân dễ dàng hơn trong khâu chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng. Ngoài ra, nó cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hoạch, vận chuyển và thu mua.
Tại xã Nghĩa Thuận, với thế mạnh là chăn nuôi lợn thịt gắn với xây dựng bể biogas nên xã đã lập NCST chăn nuôi lợn. Ngoài lợn thịt, một số hộ thành viên còn nuôi lợn nái sinh sản. Nhờ hoạt động vì lợi ích chung nên các thành viên không chỉ cùng nhau mua 1 giá lợn giống mà còn cùng nhau bán 1 giá lợn thịt. Xã Quyết Tiến là địa phương phát triển mạnh về trồng rau, màu của huyện.
Trước kia, nhà nào biết việc nhà nấy, ít khi có sự bàn bạc, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa các hộ trồng rau trong xã. Từ ngày thành lập và đi vào hoạt động, các thành viên trong nhóm đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, chia sẻ cùng nhau lựa chọn cây giống cho năng suất cao được thị trường ưa chuộng vào gieo trồng, thống nhất trồng rau trái vụ.
Qua những buổi sinh hoạt trao đổi, các thành viên trong nhóm lại có thêm kiến thức và kỹ năng trong việc hạch toán kinh tế, lựa chọn cây, con phù hợp với điều kiện nuôi trồng của gia đình cũng như biết phát huy hiệu quả của NCST trong việc hỗ trợ vay vốn, kỹ thuật sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm.
Chị Viên Thị Hiên, thôn Nà Vìn, xã Quản Bạ, thành viên nhóm chăn nuôi lợn gắn với xây dựng bể biogas cho biết: “Nhóm của chị có 9 thành viên, nhà nào cũng có trên 20 con lợn thịt. Qua sinh hoạt nhóm, mọi người nhận thấy hạn chế nhất trong chăn nuôi ở vùng cao là bà con chậm nắm bắt thông tin thị trường nên dễ bị thương lái ép giá.
Tham gia nhóm, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc vật nuôi, nên đàn lợn của gia đình phát triển rất tốt, ít bệnh tật. Ngoài ra, còn học hỏi được rất nhiều điều thú vị trong cuộc sống, giúp đỡ nhau khi khó khăn, hoạn nạn”. Được biết, hiện các NCST trên địa bàn huyện đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ bước đầu như ban hành quy chế, sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm, trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi.
Không chỉ mang lại lợi ích riêng cho mỗi thành viên, hoạt động của các nhóm còn mang lại không khí mới cho phong trào thi đua sản xuất, chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp. Việc duy trì sinh hoạt của nhóm sẽ góp phần tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, hoạt động của Hội Nông dân.
Theo ông Phạm Ngọc Pha, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quản Bạ cho biết: “Việc thành lập các nhóm sản xuất theo NCST mới bắt đầu đi vào ổn định nhưng đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân, quan trọng hơn là thay đổi tư duy sản xuất manh mún, chuyển sang sản xuất theo hướng hàng hóa...”.
Việc sản xuất nông nghiệp tập trung thông qua các NCST không chỉ mang lại cái lợi về kinh tế trước mắt cho các hộ dân mà nó còn giúp người nông dân thay đổi nếp nghĩ từ sản xuất manh mún nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng hàng hóa có quy mô lớn.
Sản xuất theo NCST còn giúp cho người dân có thể trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cho nhau trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi, nhất là đối với khâu chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh. Tuy nhiên, để mở rộng các khu sản xuất tập trung rất cần có sự khảo sát chặt chẽ của chính quyền các cấp và ngành chuyên môn để quy hoạch cụ thể cho từng địa phương đặc biệt là giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm.
Để giải quyết vấn đề trên, UBND huyện Quản Bạ đã có những kế hoạch cụ thể, tiếp tục hướng dẫn bà con thành lập nhóm, sau đó là tập huấn kỹ thuật sản xuất, lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh nhóm; hỗ trợ các thiết bị cần thiết, cung cấp cây,con giống; tạo liên kết và cơ hội chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhóm với nhau; đồng thời giúp bà con tiếp cận với vốn vay cũng như thị trường tiêu thụ...
Hy vọng từ những cách làm này, phong trào liên kết sản xuất sẽ ngày càng phát triển, đưa nông dân chuyển từ sản xuất cá thể, nhỏ lẻ sang một hình thức làm ăn tập thể mới, có tổ chức, có định hướng thị trường rõ ràng, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân.
Có thể bạn quan tâm

Vụ lúa Đông Xuân 2013 - 2014 được dự báo vẫn còn không ít khó khăn, thách thức về thiên tai, dịch bệnh cũng như những bất lợi về giá cả và thị trường tiêu thụ lúa gạo. Song, nếu tuân thủ khuyến cáo của ngành nông nghiệp, bà con nông dân chẳng những có được một vụ mùa bội thu, mà còn tiết kiệm được chi phí và giảm đáng kể giá thành sản xuất.

Đây là lần đầu tiên tỉnh Gia Lai tổ chức thả cá ra các ao hồ tự nhiên nhằm tái tạo nguồn cá nước ngọt. Đồng thời hỗ trợ người dân đánh bắt cá theo phương thức truyền thống, tạo nguồn thực phẩm tại chỗ cho người dân sinh sống khu vực gần hồ.

Cụ thể, dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở 2 hộ thuộc thôn Giếng Êm, xã Nhuận Trạch, huyện Lương Sơn với tổng đàn gồm 700 con vịt, 475 con gà. Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, Chi cục Thú y tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo địa phương thực hiện tiêu hủy đàn gia cầm mắc bệnh, vệ sinh, tiêu độc khử trùng xung quanh ổ dịch. Như vậy, tính đến ngày 14/10, cả nước còn tỉnh Hòa Bình có dịch cúm gia cầm, tỉnh Quảng Nam có dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày.

Bão số 10 đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Bình, riêng đối với lĩnh vực thủy sản hầu hết diện tích nuôi trồng đều bị ngập, trong đó có nhiều hộ bị mất trắng.

Sau thời gian triển khai các phần việc, phương án trong các chuỗi liên kết, sáng 15/10, Sở NN&PTNT Cà Mau tiến hành hội nghị "Liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất giống với người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Cà Mau".