Quả Ngọt Trên Đất Cằn

Hơn 6 năm qua, nhờ trồng dứa trái vụ, nông dân thôn Tuấn Thịnh, xã Tân Thanh, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) đã khai thác hiệu quả quỹ đất đồi bãi, cải thiện cuộc sống.
Trước đây, hộ anh Phùng Đức Thọ trồng dứa xen vải thiều. Dứa chính vụ thu hoạch vào tháng 5- 6 dương lịch. Thời điểm đó, nhiều loại quả khác cùng cho thu hoạch nên giá dứa rẻ. Trời nắng nóng, mưa nhiều, dứa nhanh bị hỏng, thu nhập chẳng đáng là bao.
Trồng vải thiều cũng không hiệu quả. Anh Thọ trăn trở tìm loại cây khác thay thế nhưng thấy không phù hợp. Thế rồi, năm 2007 trong lần sang huyện Lục Nam tìm hiểu, anh biết nhiều đồi dứa ra quả trái vụ bán được giá. Học được quy trình phun chế phẩm sinh học vào nõn dứa để điều chỉnh thời gian cây ra hoa, ra quả theo ý muốn, anh phá bỏ 1 ha vải thiều để trồng dứa.
Sau một thời gian chăm sóc, cây sinh trưởng, phát triển tốt. Vụ đầu tiên, anh bán được hơn 20 tấn quả, thu gần 70 triệu đồng, lãi gấp 3- 4 lần dứa chính vụ. Kết quả này tạo động lực cho anh chuyển nốt 3 ha còn lại sang trồng dứa. Với diện tích 4 ha, gia đình thu lãi 300 - 400 triệu đồng/năm.
Nhận thấy mô hình này phù hợp với điều kiện đồng đất của Tuấn Thịnh, nhiều hộ khác đã học làm theo. Thôn mời cán bộ khuyến nông xã về mở các lớp tập huấn cho bà con, khuyến khích mở rộng diện tích. Kinh nghiệm của người dân Tuấn Thịnh cho thấy, trước khi trồng cần làm đất tơi xốp, bón vôi bột và phân NPK.
Khi cây có 15-16 lá bón NPK lần hai và phun thuốc chế phẩm sinh học vào nõn. Thời gian phun thành nhiều lần từ tháng 9 đến tháng 11. Sau khi phun một tháng cây ra quả và sau hai tháng tiếp theo được thu hoạch. Do biết cách rải vụ nên quanh năm Tuấn Thịnh có dứa chín.
Trưởng thôn Phùng Đức Giới cho biết: "Hiện nay thôn có 300 hộ thì hơn 50% số hộ chuyên trồng dứa, gần 1/3 trong số đó trồng từ 1-3 ha. Tổng diện tích trồng dứa của cả thôn khoảng 17 ha. Từ khi biết trồng dứa trái vụ, nhiều nông dân trong thôn đã trở nên giàu có”.
Có thể bạn quan tâm

Bộ lá đòng giữ vai trò quan trọng trong suốt thời kỳ lúa làm đòng, trổ bông đến chín. Để giúp bà con bảo vệ tốt bộ lá đòng, bảo vệ năng suất lúa, công ty Syngenta Việt Nam và công ty cổ phần khử trùng Việt Nam VFC tổ chức sự kiện AnVil - NeVo Sức Sống Xanh, Hạt No Sạch Sáng tại xã Liêu Tú, huyện Trần Đề (Sóc Trăng). Sự kiện này có sự tham dự của các nhà khoa học và trên 300 nông dân ở địa phương.

Dự kiến tháng 12 tới, Bộ NN&PTNT sẽ ban hành chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ, hiện Cục chăn nuôi đang hoàn tất nội dung dự thảo này.

Chỉ vài con trâu, bò thôi cũng đã là tài sản quý giá đối với nhiều nông dân. Bảo vệ an toàn vật nuôi, không để đói rét, đột quỵ gây thiệt hại được ngành thú y và bà con rất quan tâm.

Vùng sản xuất rau an toàn của Hợp tác xã (HTX) Yên Phú (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) vào vụ cuối năm tất bật hơn. Với nhiều loại rau được chăm sóc kỹ lưỡng, nông dân Yên Mỹ đã sẵn sàng cung ứng phục vụ thị trường Tết.

Ngân sách huyện hỗ trợ các hộ tham gia mô hình 50% lượng phân kali, Nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu tỉnh cho mượn 5 triệu đồng/ha, không tính lãi, sau khi thu hoạch mì nông dân sẽ thanh toán lại cho nhà máy.