Pú Nhi nỗ lực phát triển nông nghiệp bền vững
Để giúp người dân chuyển đổi từ canh tác trên nương xuống ruộng, sản xuất lúa theo hướng hàng hóa, có thu nhập bền vững, sản xuất phải gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, những năm gần đây, bằng nhiều nguồn vốn từ các chương trình, dự án, xã Pú Nhi đã được đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy lợi, chủ động nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp.
Gần đây, xã được đầu tư xây dựng hồ chứa nước Nậm Ngám, đảm bảo nước tưới cho hơn 1.000ha ruộng của 2 xã Pú Nhi và Noong U. Bên cạnh đó, người dân được hỗ trợ giống lúa chất lượng cao, được tập huấn kỹ thuật trồng lúa nước, vì thế, năng suất, sản lượng lúa đã không ngừng tăng, nhiều hộ dân có thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh.
Ông Lò Văn Thinh, Phó Chủ tịch UBND xã Pú Nhi, cho biết: Nhờ được đầu tư hệ thống thủy lợi kiên cố, chủ động nguồn nước, các bản trong xã đẩy mạnh khai hoang, sản xuất lúa nước. Hiện nay xã có 178ha ruộng, trong đó ruộng của một số bản đã gieo cấy được 2 vụ lúa/năm.
Những bản có diện tích lúa ruộng nhiều là: Huổi Tao A, Huổi Tao B, Huổi Tao C, Háng Trợ A, Háng Trợ B, Háng Trợ C, Nậm Ngám B. Năm 2014, toàn xã khai hoang được 28ha, năm 2015 được 24ha. Nhờ đẩy mạnh khai hoang nên sản lượng lúa ruộng đã chiếm 70%, lúa nương chỉ còn 30%.
Đảm bảo an ninh lương thực từ sản xuất lúa ruộng nên tình trạng người dân phá rừng để sản xuất lúa nương đã giảm rõ rệt, nhờ sản xuất lúa ruộng thu nhập và đời sống của người dân đã thay đổi nhanh. Cũng theo ông Thinh, sản xuất lúa ruộng cho năng suất gấp 4 lần so với sản xuất lúa nương (lúa ruộng 45 tạ/ha, lúa nương 11 tạ/ha), công chăm sóc lúa ruộng ít hơn, canh tác bền vững. Những năm trước đây, nhiều hộ dân xã Pú Nhi thiếu gạo ăn trong những tháng giáp hạt, nhưng hiện nay các hộ đã đủ gạo ăn cho cả năm, một số hộ còn có lúa dư thừa bán ra thị trường, toàn xã ước bán ra thị trường trên 300 tấn lúa/năm.
Anh Lò Văn Nhại, Trưởng bản Huổi Tao C, cho biết: Trước đây, các hộ dân trong bản chủ yếu canh tác cây trồng trên nương, một số gia đình có ruộng diện tích ít, hẹp ở các khe núi. Rừng bị phá nhiều để sản xuất, nhưng lúa nương cũng không đủ ăn, rất ít hộ có lúa để bán. Nhờ được xây dựng kênh dẫn nước bằng bê tông, nông dân cải tạo nương thành ruộng bậc thang trồng lúa nước. Năm 2014, hồ chứa nước Nậm Ngám hoàn thành, người dân trong bản mở rộng diện tích khai hoang để trồng lúa nước, như gia đình anh Lò Văn Đoàn khai hoang thêm được 1,2ha. Nếu thời tiết thuận lợi, gia đình anh thu trên 10 tấn lúa/năm.
Tranh thủ sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi, nông dân các dân tộc xã Pú Nhi đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa ruộng: bón phân, phòng trừ sâu bệnh, cày bừa đất theo quy trình, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.
Hiện nay nhiều hộ trong xã có máy cày, bừa đất, máy tuốt lúa, máy gặt, máy xay xát. Sản xuất nông nghiệp ở Pú Nhi đã hướng tới bền vững, đời sống, thu nhập của người dân đang từng bước được cải thiện. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo từ sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Số hộ sản xuất lúa trên nương đang giảm nhanh, tình trạng phá rừng làm nương được kiểm soát và hạn chế tối đa. Các công trình thủy lợi đang phát huy hiệu quả, góp phần làm thay đổi nhận thức và hành động trong sản xuất, người dân đã có thu nhập ổn định, từng bước xóa nghèo bền vững.
Có thể bạn quan tâm

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản yêu cầu 5 ngân hàng thương mại nhà nước giảm lãi suất cho vay phục vụ chăn nuôi, chế biến thịt lợn, gia cầm, cá tra và tôm về mức tối đa 8%/năm.

Trong mấy ngày gần đây, dịch cúm gia cầm (CGC) đã xuất hiện ở nhiều tỉnh miền Trung- Tây Nguyên như Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định, Kon Tum, Đăk Lăk… gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi. Nguy cơ bùng phát trên diện rộng của dịch này rất cao.

Nhờ thực hiện có hiệu quả đề án lai tạo đàn bò giai đoạn 2011- 2015 của huyện Vân Canh (Bình Định) mà đàn bò ở huyện miền núi này đã có bước phát triển khá cả về số lượng lẫn chất lượng, giúp nhiều hộ dân có thêm thu nhập từ chăn nuôi bò.

Ông Phan Công Ngôn - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Lâm Đồng cho biết: Đến thời điểm hiện tại, có khoảng 10.000ha cà phê, chè, lúa ở các huyện Đạ Tẻh, Bảo Lâm, Di Linh, Đam Rông đã rơi vào tình trạng thiếu nước tưới. Các huyện còn lại cũng đang đứng trước nguy cơ này, cao nhất là ở những địa phương nằm cuối nguồn, hoặc ngoài công trình thủy lợi.

Giữa thời điểm còn nhiều luồng thông tin về chất lượng rau an toàn (RAT) như hiện nay, việc thiết lập được những mô hình sản xuất rau thực sự đảm bảo chất lượng là mong mỏi cấp thiết của nhiều người tiêu dùng.