Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vân Canh (Bình Định) Nỗ Lực Cải Tạo Đàn Bò

Vân Canh (Bình Định) Nỗ Lực Cải Tạo Đàn Bò
Ngày đăng: 21/03/2014

Nhờ thực hiện có hiệu quả đề án lai tạo đàn bò giai đoạn 2011- 2015 của huyện Vân Canh (Bình Định) mà đàn bò ở huyện miền núi này đã có bước phát triển khá cả về số lượng lẫn chất lượng, giúp nhiều hộ dân có thêm thu nhập từ chăn nuôi bò.

Vân Canh là huyện miền núi, có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển chăn nuôi đại gia súc, đặc biệt là chăn nuôi bò. Tuy nhiên, trước đây do tập quán chăn nuôi lạc hậu, bò giống chưa được lựa chọn kỹ nên hiệu quả kinh tế thấp.

Thực hiện đề án cải tạo đàn bò giai đoạn 2011- 2015 của huyện, 3 năm trở lại đây đàn bò ở địa phương đã phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, đem lại nguồn thu đáng kể cho nhiều hộ gia đình.

Hầu hết người chăn nuôi đều cho rằng: Nuôi bò lai có hiệu quả hơn nuôi bò nội, phù hợp với điều kiện chăn nuôi phân tán theo hộ và chăn nuôi tập trung, góp phần tăng năng suất và sản lượng bò thịt, tạo thêm việc làm và thu nhập cho bà con.

Theo báo cáo của Trạm Khuyến nông huyện, đến nay, đàn bò ở Vân Canh có khoảng 15.054 con, tăng gần 300 con so với năm 2012, trong đó có 6.640 con bò lai, chiếm 44,1% tổng đàn.

Năm 2013, huyện Vân Canh đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân cải tạo đàn bò; hỗ trợ trực tiếp bò đực giống lai cho người chăn nuôi; vận động người chăn nuôi thiến bò đực nội, lựa chọn bò cái nền đạt chất lượng để cải tạo đàn bò; cấp bổ sung bò đực giống lai, bò cái lai và tập huấn kỹ thuật nuôi bò lai cho nhân dân, đặc biệt là hộ nghèo.

Trong năm, đã có 2.926 con bò cái nền được phối giống bằng 2 phương pháp nhảy trực tiếp và thụ tinh nhân tạo, có 2.537 con bê lai ra đời, vượt gần 3,1% so với kế hoạch.

Canh Hiệp là xã có tỉ lệ bò lai đạt 56,32%, cao nhất huyện. Để đạt được kết quả trên, xã Canh Hiệp đã phối hợp với các ngành chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn triển khai kỹ thuật chăn nuôi bò lai; xây dựng các mô hình nuôi thâm canh bò thịt, nuôi bò sinh sản, tổ chức cho nông dân tham quan các hộ nuôi bò lai có hiệu quả; hỗ trợ bò đực giống lai, bò cái lai cho người chăn nuôi.

Ông Phạm Đình Quý, ở thôn 4, xã Canh Hiệp cho biết: “Trước kia tui nuôi bò nội, nhưng hiệu quả kinh tế không cao nên chuyển qua nuôi bò lai. Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật nên tui nuôi bò lai đạt hiệu quả, cải thiện kinh tế cho gia đình”. Không riêng gì ông Quý, ở thôn 4, xã Canh Hiệp có rất nhiều hộ chuyển hướng từ nuôi bò nội sang nuôi bò lai.

Để đến năm 2015 đàn bò lai trong huyện đạt 52,36% so tổng đàn, huyện Vân Canh tiếp tục vận động hộ chăn nuôi chọn lọc những bò cái đủ tiêu chuẩn để làm nái nền, đồng thời thiến bò đực nội hoặc bán bò đực nội; đầu tư thêm bò đực lai cho vùng sâu, vùng xa không thực hiện được phương pháp phối giống bằng thụ tinh nhân tạo; quản lý tốt công tác phối giống cho đàn nái nền.

Huyện cũng chú trọng giải quyết thức ăn trong chăn nuôi bò theo hướng chuyên thịt, quy hoạch vùng đồng cỏ tự nhiên dưới tán rừng và hướng dẫn nhân dân trồng một số giống cỏ năng suất cao, chất lượng tốt để nhân rộng; phổ biến rộng rãi kỹ thuật chế biến thức ăn phục vụ nuôi bò.

Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người chăn nuôi bò thấy được việc cải tạo giống bò theo hướng chuyên thịt là phù hợp với điều kiện địa phương, giúp cải thiện tầm vóc đàn bò, tránh xảy ra tình trạng bò đồng huyết dẫn đến chậm phát triển, còi cọc, và giúp người chăn nuôi chuyển dần tập quán nuôi bò truyền thống sang nuôi bò quy mô vừa và lớn mang tính sản xuất hàng hóa, đem lại hiệu quả cao.


Có thể bạn quan tâm

Khống Chế Dịch Bệnh Trên Vật Nuôi Khống Chế Dịch Bệnh Trên Vật Nuôi

Năm 2015, ngành Thú y sẽ tiếp tục chủ động giám sát dịch bệnh, phòng chống và ngăn chặn từ xa các dịch bệnh nguy hiểm, nhất là dịch bệnh của động vật trên cạn lây lan sang người.

26/01/2015
Phụng Hiệp (Hậu Giang) Trồng Bắp Lãi Gần 2 Triệu Đồng/công Phụng Hiệp (Hậu Giang) Trồng Bắp Lãi Gần 2 Triệu Đồng/công

Theo ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), diện tích trồng bắp trên toàn huyện có khoảng 400ha, tăng hơn 200ha so với cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu ở các địa phương như Hòa Mỹ, Phụng Hiệp, Hiệp Hưng… Trong đó, người dân chủ yếu lựa chọn loại bắp ăn để gieo trồng với 380ha, còn lại là bắp lai.

26/01/2015
Phú Yên Phát Triển Rừng Giống, Vườn Ươm Theo Hướng Bền Vững Phú Yên Phát Triển Rừng Giống, Vườn Ươm Theo Hướng Bền Vững

Năm 2014, toàn tỉnh Phú Yên trồng mới hơn 4.800ha rừng tập trung, đạt 100% kế hoạch (rừng phòng hộ 337ha, rừng đặc dụng 39ha, rừng sản xuất hơn 4.424ha), nâng độ che phủ lên 38%. Tuy nhiên, thời gian qua, các vườn ươm cây giống trong tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu trồng rừng của các tổ chức, cá nhân. Điều này đòi hỏi tỉnh phải có giải pháp phát triển bền vững hệ thống rừng giống và vườn ươm cây lâm nghiệp.

26/01/2015
Hướng Đi Bền Vững Của Người Trồng Tiêu Bù Đốp (Bình Phước) Hướng Đi Bền Vững Của Người Trồng Tiêu Bù Đốp (Bình Phước)

Nhằm tạo ra thị trường cạnh tranh công bằng, dự án “Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững” trên địa bàn tỉnh đã thu hút nhiều hộ nông dân trồng tiêu tham gia. Nhiều mô hình canh tác tiêu bền vững được phát triển theo các tiêu chuẩn của chứng nhận Rainforest Alliance (R.A) cho các hộ trồng tiêu ở Bù Đốp; đồng thời kết nối với thị trường quốc tế thông qua Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice.

26/01/2015
Thới Bình (Cà Mau) Hân Hoan Niềm Vui Trúng Mùa Thới Bình (Cà Mau) Hân Hoan Niềm Vui Trúng Mùa

Thới Bình là huyện có diện tích lúa thu hoạch sớm nhất tỉnh Cà Mau. Trưởng Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Thới Bình Lê Thanh Hùng cho biết, nhìn chung trà lúa vụ 2 năm nay kết quả đạt khá cao, từ 4,8 - 5,5 tấn/ha, tăng khoảng 1 tấn/ha so với vụ hè thu.

26/01/2015