Phụng Đức B Bến Tre Trúng Mùa Chôm Chôm

Bên cạnh sự náo nhiệt tại các hộ làm hoa kiểng bán Tết những ngày này tại ấp Phụng Đức B, xã Phú Phụng (Chợ Lách - Bến Tre), không khí lao động của nông dân cũng nhộn nhịp không kém. Họ đang bước vào thu hoạch chôm chôm vụ nghịch.
Ấp Phụng Đức B có 36 hộ dân tham gia vào tổ hợp tác Global GAP, với tổng diện tích 22,4 héc ta. Hiện tại các nông hộ này đang bước vào thu hoạch chôm chôm vụ nghịch, với giá bán dao động từ 10-15 ngàn đồng/kg đối với chôm chôm Java và 20-25 ngàn đồng/kg đối với chôm chôm đường.
Nông dân Trần Hoàng Sở, tổ 8 ấp Phụng Đức B có hơn 3 công đất vườn chuyên trồng chôm chôm Java và chôm chôm đường, chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch. Hiện tại, cùng với những nông hộ trong ấp, ông Sở cũng vui mừng với giá chôm chôm ổn định trong thời gian qua. Ông đang chăm sóc tưới nước, bón phân cho vườn chôm chôm xanh tốt, trái to đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Ông Sở cho biết: “Mùa vụ năm nay, vườn chôm chôm của tôi cho trái ước hơn 7 tấn, đến lối cuối tháng Chạp bắt đầu thu hoạch. Chúng tôi dự đoán sắp Tết giá trái cây sẽ tăng hơn, ước khoảng 15 ngàn đồng/kg chôm chôm Java và khoảng 25 ngàn đồng/kg chôm chôm đường”.
Hộ ông Phạm Văn Hòn, tổ 7 ấp Phụng Đức B có hơn 2 công đất vườn, trong đó hơn 70% diện tích trồng chôm chôm Java và 30% diện tích trồng chôm chôm đường. Hiện nay, vườn chôm chôm của ông đang bước vào vụ thu hoạch rộ.
Ông Hòn chia sẻ: “Hơn 2 công chôm chôm, mùa vụ năm ước thu hoạch hơn 6 tấn, để đạt năng suất khoảng 3 tấn/công. Sau khi hái trái xong, chúng tôi bắt tay vào tỉa tán, vệ sinh vườn, khoảng giữa tháng 6 âm lịch là áp dụng quy trình xử lý cho cây ra trái, đến giữa tháng 11 âm lịch là thu hoạch. Do áp dụng đúng quy trình nên vườn chôm chôm cho trái đạt năng suất và chất lượng cao”.
Được biết, xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách có khoảng 450ha diện tích trồng chôm chôm các loại, tại hơn 900 hộ dân, tập trung nhiều ở ấp Phụng Đức B, Phụng Đức A.
Riêng ấp Phụng Đức B có hơn 300 hộ trồng chôm chôm, với diện tích hơn 200ha. Trong đó, có 36 hộ tham gia mô hình tổ hợp tác Global GAP, với diện tích hơn 22ha. Sản lượng thu hoạch hàng năm ước hơn 600 tấn, năng suất bình quân đạt từ 2-3 tấn/công đất.
Năm qua, thời tiết thuận lợi cùng với sự cần cù chăm sóc của nông dân, đa số vườn chôm chôm đều trúng vụ. Hiện nay, tuy giá bán có thấp hơn khoảng 5-7 ngàn đồng/kg so thời điểm năm trước, nhưng nhìn chung nông dân vẫn có lãi sau khi trừ chi phí khoảng 6 triệu đồng/công chôm chôm Java và khoảng 15 triệu đồng/công chôm chôm đường. Nông dân Phú Phụng nói chung và nông dân ấp Phụng Đức B nói riêng đón Tết sum vầy.
Có thể bạn quan tâm

Phú Thọ Là tỉnh trung du, miền núi phía Bắc có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển nuôi thủy sản, ngoài 3 con sông lớn chảy qua là sông Thao, sông Đà, sông Lô trên địa bàn còn nhiều sông nhỏ, ngòi lớn như: Sông Bứa, sông Chảy, ngòi Lao, ngòi Giành, ngòi Me... và hệ thống hồ, đầm tự nhiên phong phú. Theo thống kê tổng diện tích mặt nước ao, hồ, đầm, ruộng trũng... có thể nuôi thủy sản trên 14 ngàn ha và 16 ngàn ha diện tích mặt nước các sông, suối cho phép phát triển nuôi cá lồng.

Về ấp 2, xã Đạo Thạnh TP. Mỹ Tho (Tiền Giang), hỏi "Trại ếch giống Bảy Có" của chú Phan Văn Có, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi ếch, ai cũng biết. Chú Có là người tiên phong trong mô hình sản xuất ếch giống và nuôi ếch thương phẩm với lợi nhuận mỗi năm từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng.

Hàm Yên (Tuyên Quang) là huyện có nhiều điều kiện để phát triển chăn nuôi trâu bò, đặc biệt là phát triển chăn nuôi trâu ngố. Nhiều năm nay việc phát triển chăn nuôi trâu ở Hàm Yên không chỉ lấy sức kéo, mà còn tạo nên hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ gia đình.

Tin nông dân Phan Văn Hòa tạo được giống lúa thảo dược VH1màu tím lan truyền khắp cả nước. Báo Sài Gòn tiếp thị tổ chức giao lưu trực tuyến về giống lúa tím VH1và mời “chủ nhân” của bộ giống mới này tham gia. Tiếp sau đó, ông Hòa liên tục bận rộn bởi những cuộc làm việc, trao đổi, ký kết các hợp đồng, chương trình phối hợp chuyển giao kỹ thuật, cung cấp giống lúa mới này đến nhiều địa phương trong cả nước...

Dù chứng nhận GlobalGAP (GAP- tiêu chuẩn toàn cầu an toàn sản phẩm và truy nguyên nguồn gốc) hết hạn hơn 3 năm qua, nhưng theo một khảo sát mới đây của Hợp tác xã (HTX) Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (Bình Minh, Vĩnh Long), có ít nhất 5/14 xã viên vẫn còn duy trì sản xuất theo mô hình này.