Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phú Yên tập trung điều trị bệnh trên cây tiêu

Phú Yên tập trung điều trị bệnh trên cây tiêu
Ngày đăng: 15/04/2015

Xuất hiện nhiều loại bệnh trên tiêu

Từ sau tết đến nay, một số vườn tiêu của người dân huyện Tây Hòa xuất hiện nhiều loại sâu bệnh gây hại. Ông Nguyễn Lợi ở thôn Sơn Thọ, xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa), cho biết: Từ sau tết, vườn tiêu rộng 3.000m2 của gia đình bị nhiều loại sâu bệnh tấn công với khoảng 70% diện tích bị nhiễm bệnh. Ban đầu, bệnh xuất hiện trên dây tiêu, làm lá dần chuyển vàng và quăn lại, sau đó trên mặt lá cũng có nhiều đốm đỏ, đen và rụng dần. Vườn tiêu của ông Lê Văn Thiệu ở thôn Tịnh Thọ, xã Sơn Thành Tây, cũng bị nhiễm bệnh với những dấu hiệu tương tự.

Theo ông Thiệu thì 5.500m2 tiêu của gia đình ông cũng bắt đầu bị bệnh vàng lá từ hơn 1 tháng qua. Từ ngày bị bệnh, cây tiêu chậm phát triển, dây tiêu trở nên còi cọc, có dây lá vàng ố và rụng hơn nửa. Tình trạng này kéo dài, chắc chắn năng suất cho hạt sẽ giảm đáng kể.

Theo nhiều người trồng tiêu ở huyện Tây Hòa, nguyên nhân làm cho dây tiêu bị vàng lá chủ yếu là do tuyến trùng. Một trong những dấu hiệu để nhận biết dây tiêu đang bị tuyến trùng gây hại là dây tiêu đột nhiên chuyển vàng, lá quăn lại và sần sùi, cây còi cọc và một thời gian sau sẽ rụng lá.

Đồng thời, khi đào kiểm tra rễ, người dân sẽ thấy nhiều sợi rễ bị nổi những nốt sần to. Chính những nốt sần này khiến rễ không hấp thu và vận chuyển dinh dưỡng lên để nuôi cây, làm dây tiêu bị thiếu dinh dưỡng, còi cọc, sức đề kháng giảm sút, tạo điều kiện cho các loại nấm bệnh tấn công. Vì vậy, khi tiêu bị tuyến trùng gây hại mà không được điều trị kịp thời, cây sẽ bị nhiễm thêm nhiều loại sâu bệnh khác và dễ chuyển thành bệnh chết chậm.

Ông Phan Giang, Đội trưởng Đội sản xuất số 1 thuộc Công ty cổ phần Vinacafe Sơn Thành, cho biết: Hiện tại, Đội sản xuất số 1 có khoảng 20ha tiêu bị nhiễm sâu bệnh, chiếm khoảng 1/4 diện tích tiêu của đội. Bệnh tập trung ở các lô tiêu trồng tại thôn Sơn Thọ, với tỉ lệ dây tiêu bị nhiễm bệnh khoảng 50% và chủ yếu là do tuyến trùng gây hại.

Tại đội sản xuất số 3 và số 4, tuyến trùng chỉ xuất hiện rải rác với tỉ lệ thấp nên không đáng ngại. Trong khi đó, các vườn tiêu ở đây, dịch nấm hồng, tảo đỏ và rệp sáp lại đang phát triển mạnh. Bà Đỗ Thị Quyên ở thôn Sơn Nghiệp, xã Sơn Thành Tây cho hay, từ khi thời tiết bắt đầu nắng gắt đến nay, vườn tiêu hơn 3 sào của bà bị nhiễm bệnh nấm hồng, với triệu chứng trên lá tiêu xuất hiện nhiều chấm nhỏ li ti, có lông.

Còn theo ông Đàm Xuân Huyên, Đội trưởng Đội sản xuất số 4, đội có hơn 117ha trồng tiêu với khoảng 157 hộ sản xuất. Hiện hầu hết các vườn tiêu ở đây đều nhiễm các loại bệnh nấm hồng, tảo đỏ, rệp sáp, thán thư… Tuy nhiên mức độ, tỉ lệ nhiễm bệnh chưa cao, vẫn còn trong khả năng kiểm soát. Công ty đã hướng dẫn cho các hộ trồng tiêu cách điều trị và phòng trừ không để bệnh lây lan nặng.

Tập trung phòng, trị

Trước tình trạng sâu, bệnh xuất hiện và gây hại trên tiêu hiện nay, người dân trồng tiêu đang tập trung điều trị và phòng ngừa sâu bệnh phát tán, lây lan nặng. Ông Nguyễn Lợi cho biết: Khi phát hiện vườn tiêu bị vàng lá, tôi báo ngay cho công ty. Sau đó, công ty cử cán bộ kỹ thuật xuống tận vườn để kiểm tra, phát hiện vườn tiêu bị nhiễm tuyến trùng và đã hướng dẫn điều trị.

Theo ông Lợi, thực hiện đúng hướng dẫn của nhân viên kỹ thuật của công ty, gia đình ông phòng trừ tuyến trùng cho tiêu theo 2 đợt, mỗi đợt cách nhau 15 ngày và sử dụng 2 loại thuốc Tesvigos và Tridomingos để tưới gốc tiêu. Nhờ vậy, đến nay, vườn tiêu của gia đình ông đã dần phục hồi, lá tiêu xanh trở lại, dây tiêu bắt đầu phát triển. Không riêng ông Lợi, nhiều gia đình có tiêu bị nhiễm tuyến trùng cũng áp dụng cách phòng trừ này và đã có kết quả khả quan.

Xác định được mức độ nguy hiểm của bệnh chết chậm, tuyến trùng đối với cây tiêu, nhiều nông dân đã chủ động phòng ngừa, không đợi cho bệnh bộc phát. Ông Đoàn Hữu Dưỡng ở thôn Sơn Nghiệp, xã Sơn Thành Tây cho biết: Gia đình tôi có 1,7ha tiêu, hiện chưa có lô tiêu nào bị nhiễm tuyến trùng hay chết chậm nhưng gia đình vẫn thường xuyên kiểm tra và xử lý gốc để khống chế bệnh. Trong thời tiết nắng nóng như hiện nay, chúng tôi cũng tưới đủ nước cho tiêu, bổ sung các loại phân vi sinh, xử lý tàn dư gây bệnh, cắt dây lương, cành nhánh quanh gốc để tạo độ thông thoáng…

Trong khi đó, các chủ vườn tiêu bị nhiễm các loại bệnh nấm hồng, tảo đỏ, rệp sáp… cũng đang tập trung điều trị. Ông Đàm Xuân Huyên cho hay: Khác với cây tiêu bị nhiễm tuyến trùng phải điều trị từ gốc rễ, thì cây tiêu bị các loại bệnh nấm hồng, tảo đỏ, rệp sáp… phải điều trị trên lá bằng cách sử dụng một số loại thuốc như Agrigos 400, Topsin, Anvil và Ridomil phun trực tiếp trên lá.

Cũng theo ông Huyên, mặc dù các loại bệnh này không nguy hiểm nhưng không thể điều trị dứt hẳn. Sau mỗi đợt điều trị, bệnh sẽ hết nhưng chỉ khoảng 3 đến 4 tháng sau, bệnh xuất hiện trở lại. Vì vậy, nông dân không nên chủ quan trong phòng, trị các bệnh này.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật, thời gian tới, thời tiết tiếp tục nắng nóng, bệnh chết chậm, tuyến trùng, rệp sáp, tảo đỏ, thán thư… có thể tiếp tục phát triển và gây hại, ảnh hưởng đến năng suất của tiêu. Vì vậy, người dân nên quan tâm đến việc chăm sóc, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ như phân chuồng, phân vi sinh để bón cho tiêu. Hiện chi cục ban hành quy trình điều trị và phòng tránh một số loại bệnh trên tiêu để người trồng tiêu tham khảo, áp dụng.


Có thể bạn quan tâm

Nông Dân Vũ Trung Học Làm Giàu Trên Mảnh Đất Quê Hương Nông Dân Vũ Trung Học Làm Giàu Trên Mảnh Đất Quê Hương

Vừa qua, Ban Tuyên giáo T.Ư phối hợp với T.Ư Hội Nông dân Việt Nam tổ chức lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2013" cho 62 nông dân tiên tiến trong cả nước. Trong số 62 nông dân được bình chọn và tôn vinh, người cao tuổi nhất là nông dân Trần Xuân Vịnh (70 tuổi) ở xã Đăk Hrinh, huyện Đắk Hà, Lâm Đồng; người trẻ tuổi nhất, đại diện cho tỉnh Vĩnh Phúc - anh Vũ Trung Học, nông dân xã Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường - nhận danh hiệu khi tròn 34 tuổi.

21/11/2013
Chống Nóng Chuồng Nuôi Bằng Cây Sắn Dây Chống Nóng Chuồng Nuôi Bằng Cây Sắn Dây

Đến thăm khu chăn nuôi tập chung tại thôn Phú Ninh, xã Thanh Vân, huyện Tam Dương với tổng diện tích 36,5ha đồi, một trong những khu chăn nuôi tập chung lớn của tỉnh nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Từ nơi đây, các chủ trang trại đã có nhiều sáng tạo để cải tiến phương pháp chăn nuôi, trong đó phải nói đến “biện pháp chống nắng nóng cho chuồng nuôi bằng cây sắn dây” của ông Nguyễn Bác Ái.

21/11/2013
Mô Hình Chăn Nuôi Giống Gà Thịt Ri Lai (J.DABACCO) Đợt I Năm 2013 Mô Hình Chăn Nuôi Giống Gà Thịt Ri Lai (J.DABACCO) Đợt I Năm 2013

Vừa qua, UBND huyện Yên Thế đã tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện thí điểm mô hình chăn nuôi giống gà thịt Ri lai (J.DaBaCo) do Công ty Cổ phần tập đoàn Dabaco cung ứng đợt I tại các xã Đồng Tâm, Tam Tiến, Tiến Thắng.

21/11/2013
Chuyên Canh Cây Dược Liệu Chuyên Canh Cây Dược Liệu

Hơn 10 năm trước, bà con nơi đây cấy lúa trên những chân đất với năng suất rất thấp, có những năm còn mất trắng nên đã cùng nhau chuyển đổi sang trồng kim tiền thảo. Anh Vũ Văn Mến, thôn Dùm cho biết: "Thấy cây kim tiền thảo mọc ở các bờ rào, bụi rậm, biết là cây thuốc, chúng tôi nhổ về trồng rồi tự nhân giống ở vườn nhà. Sau một vài vụ cho hiệu quả kinh tế cao nên tôi đã mở rộng diện tích”. Ban đầu anh Mến trồng 3 sào, chăm sóc cẩn thận, sau hơn 3 tháng mỗi sào cho thu hoạch 7-8 tạ cây tươi, phơi khô còn 3 tạ, anh phải lặn lội sang tỉnh bạn tìm thương lái để bán.

21/11/2013
Ổi Lai Lê Đài Loan Trái Vụ Trên Đất Thanh Hải Ổi Lai Lê Đài Loan Trái Vụ Trên Đất Thanh Hải

Với ưu điểm nổi bật là ra được quả vào thời điểm trái vụ, năng suất cao, ổi lai lê Đài Loan trái vụ được trồng tại xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đang khẳng định là giống cây ăn quả mới, cho hiệu quả kinh tế cao và có khả năng phát triển tốt tại địa phương.

21/11/2013