Phú Yên sản xuất, kinh doanh tôm tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm

“Con sâu làm rầu nồi canh”
Ngày 18/9/2014, UBND tỉnh có Chỉ thị 24 về việc ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất trên địa bàn tỉnh. Các ngành chức năng và chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng tư thương cố ý đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm, các sản phẩm tôm có chứa tạp chất. Tuy nhiên, kết quả chưa triệt để, tình hình vi phạm vẫn xảy ra hết sức phức tạp, đặc biệt vào các thời điểm khan hiếm tôm nguyên liệu.
Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 4 (Chi cục Quản lý thị trường tỉnh) phối hợp với Công an huyện Tuy An bắt quả tang một vụ bơm tạp chất vào tôm thương phẩm tại cơ sở mua bán thủy sản do bà Cao Thị Kim Phượng ở thôn Tân Long, xã An Cư (huyện Tuy An), làm chủ. Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã phát hiện khoảng 24kg tôm thương phẩm, trong đó 10kg tôm đã được bơm tạp chất và 28 xi lanh dùng để bơm tạp chất vào tôm. Theo lời khai của bà Cao Thị Kim Phượng, cơ sở này dùng bột rau câu nhãn hiệu Việt Xô nấu chín thành hồ đặc rồi bơm vào thân tôm với mục đích làm trọng lượng tôm tăng lên và con tôm bóng đẹp hơn.
Bà Nguyễn Thị Phi Lan, Phó phụ trách Thanh tra, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh (thuộc Sở NN-PTNT), cho biết: “Sau khi nhận được mẫu tôm (mẫu tôm bơm tạp chất ở huyện Tuy An) từ Chi cục Quản lý thị trường tỉnh chuyển đến, đơn vị đã kiểm tra nhanh và phát hiện trong mẫu tôm này có chứa chất agar (bột thạch rau câu), không có hóa chất độc hại”.
Theo ông Nguyễn Văn Trí, người nuôi tôm ở xã An Cư (huyện Tuy An), hiện trên địa bàn xã lượng tôm nuôi vụ hai không còn nhiều. Đúng ra lượng tôm nuôi trên thị trường ít lại thì giá tôm sẽ tăng lên, nhưng mấy ngày gần đây tôm nuôi lại hạ giá, nhất là tôm sú. Trước đây, tôm sú loại 30 con/kg có giá từ 250.000 đồng đến 270.000 đồng/kg nay giảm còn 220.000 đồng đến 230.000 đồng/kg. Nguyên nhân có thể do vụ bơm tạp chất vào tôm nuôi xảy ra tại điểm thu mua của bà Phượng nên người tiêu dùng không mua tôm ở khu vực này.
Ông Trần Sáu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy An, cho biết: “Từ đầu năm đến nay, tổng diện tích thả tôm nuôi trên địa bàn huyện Tuy An khoảng 650ha, hiện vụ hai còn lại khoảng 220ha. Trên địa bàn huyện có nhiều hộ kinh doanh mua bán tôm với hình thức nhỏ lẻ, không thể kiểm soát hết được. Mặc dù thời gian qua, các ngành chức năng và chính quyền địa phương đã tổ chức tuyên truyền về chính sách pháp luật của Nhà nước đến các hộ nuôi và kinh doanh tôm, kể cả hình thức và mức xử phạt… nhưng vẫn xảy ra tình trạng bơm tạp chất vào tôm. Thời gian tới, các ngành chức năng của tỉnh cần tăng cường công tác kiểm tra, lấy mẫu đưa đi xét nghiệm, nếu phát hiện vi phạm thì xử lý nghiêm. Địa phương sẽ phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh để tuyên truyền tốt hơn trong thời gian tới”.
Xử lý nghiêm vi phạm
Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh, đến nay, trên địa bàn huyện Tuy An chỉ có 5 cơ sở thu mua thủy sản có đăng ký kinh doanh. Hiện còn nhiều cơ sở kinh doanh theo kiểu hộ gia đình, mua đi bán lại với hình thức nhỏ lẻ nên không thể kiểm soát được. Cơ sở mua bán thủy sản của bà Cao Thị Kim Phượng hoạt động theo hình thức nhỏ lẻ đã hơn một năm nay nhưng vẫn chưa đăng ký kinh doanh. Theo ông Huỳnh Văn Lợi, Phó phòng Nghiệp vụ, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, việc bơm bột thạch rau câu vào tôm thương phẩm là hành vi gian lận thương mại, làm giảm chất lượng tôm, đánh lừa người tiêu dùng. Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã ra quyết định xử phạt bà Cao Thị Kim Phượng 30 triệu đồng vì có hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất. Hình thức phạt bổ sung là tiêu hủy số tôm đã bị bơm bột thạch rau câu.
Ông Đặng Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh, cho biết: “Chi cục đã có văn bản đề nghị các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh kiểm tra và thống kê số cơ sở, hộ gia đình kinh doanh các sản phẩm thủy sản nhưng một số địa phương chưa gửi báo cáo về. Từ nay đến cuối năm, ngoài kế hoạch kiểm tra định kỳ, chi cục sẽ tham mưu với lãnh đạo Sở NN-PTNT thành lập đoàn công tác kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh sản phẩm thủy sản trên địa bàn tỉnh. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm thực phẩm nông lâm thủy sản xếp loại C sẽ được tái kiểm tra và xử lý nghiêm nếu chưa chịu khắc phục”.
Từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh đã kiểm tra 71 cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng thủy sản trên địa bàn tỉnh, tập trung chủ yếu các nhóm ngành hàng như sản xuất nước mắm, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm thủy sản… Qua kiểm tra, có 32 cơ sở mới kinh doanh nên có một vài thiếu sót, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh đã hướng dẫn các cơ sở này hoàn thành các thủ tục cần thiết để đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, chi cục còn phối hợp với Thanh tra Sở NN-PTNT kiểm tra, đánh giá, phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, giống thủy sản, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản và sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Kết quả, có 50 cơ sở xếp loại A, 36 cơ sở xếp loại B và 7 cơ sở xếp loại C.
Có thể bạn quan tâm

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giảm lãi suất cho vay nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản được vay vốn với lãi suất hợp lý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa phối hợp với các cơ quan liên quan như Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Hội Nghề cá, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản… kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chỉ đạo trên đối với lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ cá tra tại An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long (khu vực chiếm khoảng 65% sản lượng cá tra nguyên liệu và 80 - 90% cá giống).

Theo anh cán bộ khuyến nông huyện Đại Từ chúng tôi tới thăm trang trại của ông Đoàn Văn Chóng - xóm Tiên Trường 1 - xã Tiên Hội để tìm hiểu về giống gà đen Mông. Trang trại của ông Chóng rộng hơn 14.000 m2 bao gồm các loại cây ăn quả, cây chè; ông quy hoạch khoảng 4.000 m2 dưới tán cây vải thiều để đầu tư nuôi gà chăn thả.

Từ 11 đến 14-11, cá điêu hồng nuôi lồng bè ở thị trấn Thanh Bình và xã Tân Thạnh huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) đột ngột chết hàng loạt, gây thiệt hại nặng cho người nuôi. Theo thống kê chưa đầy đủ của Trạm Thủy sản huyện Thanh Bình, đến chiều ngày 14-11, trên địa bàn huyện đã có 20 lồng bè tương đương 40 tấn cá của 9 hộ nuôi ở cồn Phú Mỹ (thị trấn Thanh Bình) và ấp Nam xã Tân Thạnh bị thiệt hại từ 30 đến 40%, ước thiệt hại hơn 1 tỉ đồng.

Từ năm 2012 đến nay, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đã chuyển giao công nghệ nuôi ốc hương kết hợp với tu hài cho hàng chục hộ ở xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa). Cùng với hướng dẫn kỹ thuật, dự án đã hỗ trợ cho 20 hộ, với 40 đăng ở xã Vạn Hưng về giống.

Trong khi nhiều thanh niên vùng cao chọn cách làm ăn xa quê hương thì anh Thăng Văn Mạnh dân tộc Sán Dìu ở thôn Trại Muối xã Giáp Sơn huyện Lục Ngạn lại chọn cách lập nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương. Và cách làm giàu của anh đó chính là phát triển kinh tế từ cây bưởi Diễn.