Phú Yên Nuôi Hải Sâm Kết Hợp Với Tôm Sú Hiệu Quả Và Bền Vững

Theo chân anh Nguyễn Xuân Danh cán bộ Nông lâm ngư diêm nghiệp xã Xuân Hải, thị xã Sông Cầu, chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Mỹ ở thôn 1, xã Xuân Hải với gần 7 năm trong nghề nuôi hải sâm kết hợp với tôm sú cho hiệu quả.
Trước đây, cũng như bà con quanh vùng, gia đình ông chỉ biết nuôi các loại tôm sú, thẻ chân trắng…, tuy nhiên do môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm nặng và dịch bệnh liên tiếp xảy ra khiến gia đình ông thua lỗ nặng. Đúng thời đểm đó ông được một người con rể ở Cam Ranh tư vấn chuyển phương thức và đối tượng nuôi, sang nuôi hải sâm kết hợp với tôm sú. Không ngờ vụ nuôi đầu tiên ông đã thắng lợi.
Đến nay gần bảy năm nuôi hải sâm kết hợp với tôm, năm nào ông cũng có lãi. Cho đến thời điểm này, cả gia đình ông từ các con ruột đến con rể đều chuyển từ nuôi tôm sang nuôi hải sâm kết hợp với tôm. Vụ nuôi này gia đình ông thả 30.000 con giống với diện tích 1,3 ha/5 ao nuôi, riêng hai vợ chồng ông thả 15.000 con giống với diện tích mặt nước là 3.000m2, thời gian thả giống là vào tháng 12 âm lịch, sau khoảng 6 tháng có thể thu hoạch.
Theo cách làm của ông Mỹ, hải sâm là đối tượng chính trong ao nuôi còn tôm là đối tượng nuôi phụ, tuy nhiên thức ăn đầu tư cho hải sâm hầu như hoàn toàn không có mà chủ yếu hải sâm ăn lại thức ăn thừa của tôm và ăn các chất hữu cơ dưới đáy ao. Bởi vậy khi nuôi kết hợp, ngoài giá trị kinh tế, hải sâm rất hữu ích trong việc làm sạch môi trường nước trong ao nuôi.
Hải sâm nuôi của gia đình ông Mỹ
Hiện nay gia đình ông đã nhận con giống từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III về ương nuôi và cung cấp giống cho bà con quanh vùng. Thời gian nuôi ương lên con giống để bán là 1,5 tháng, giá bán bình quân là 3.000 đồng một con giống.
Theo ông Mỹ, kỹ thuật từ khi nuôi ương cho đến khi nuôi thương phẩm rất đơn giản, hầu như hải sâm không mắc bệnh, tuy nhiên muốn nuôi hải sâm thành công, theo ông cần chú ý các đặc điểm như: hồ nuôi hải sâm phải có lớp đất bùn để tạo thức ăn tự nhiên và nơi trú ẩn cho chúng.
Đặc biệt khâu vệ sinh hồ phải loại trừ cho bằng hết các loại cua ghẹ trong ao bởi hải sâm rất mềm và là món ăn ưa thích của các loại cua ghẹ. Ngoài ra, trong quá trình nuôi cần bổ sung phân bò ủ hoai với liều lượng là 30-50kg/1.000m2 mục đích để gây màu và làm thức ăn cho hải sâm.
Còn về khâu thu hoạch, theo ông hải sâm chỉ thu hoạch và bán một lần không phân loại tốt, xấu. Thị trường tiêu thụ hiện nay chủ yếu là Ấn Độ nên gia đình ông rất an tâm, ông ước tính sản lượng thu hoạch vụ nuôi này riêng hải sâm là khoảng 2 tấn, với giá bán 100.000 đồng/kg ông thu về 200 triệu đồng.
Chưa tính phần thu nhập từ nuôi tôm, hàng năm gia đình ông luôn có thu nhập ổn định từ 150 - 200 triệu đồng. Trong thời gian tới gia đình ông tiếp tục mở rộng diện tích nuôi và luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và đầu tư con giống cho bà con quanh vùng nếu có nhu cầu nuôi theo mô hình này.
Có thể bạn quan tâm

Gần 1 năm nay nhiều hộ nông dân ở TP. Buôn Ma Thuột đã nuôi thành công giống gà J-DABACO, thu lãi từ 30 đến 35 nghìn đồng/kg.

Trong không khí ngày Hội cây, trái ngon, an toàn lần thứ XI, năm 2011, ngày 04 tháng 6 năm 2011, UBND huyện Chợ Lách trang trọng tổ chức lễ đón nhận giấy chứng nhận GlobalGAP cho Tổ Liên kết sản xuất chôm chôm ấp Phụng Đức B, xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách

Sau động thái giảm lãi suất cho vay của Ngân hàng Đầu tư phát triển (BIDV) cách đây không lâu, nhiều ngân hàng thương mại lớn cũng bắt đầu vào cuộc. Và mới đây nhất, từ 21/2, Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT (Agribank) chính thức công bố mức lãi suất cho vay rất ưu đãi đối với khu vực “tam nông”

Từ khi Tam Phước (Phú Ninh - Quảng Nam) xây dựng nông thôn mới, nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả cao dần khẳng định vị thế. Trang trại heo của một người từng là cán bộ nông nghiệp xã là một trong những mô hình để bà con nông dân học hỏi.

Ở giữa lòng thị trấn, nhưng chị Lê Thị Bích Ngọc, khu phố Trung Hòa, thị trấn Củng Sơn (huyện miền núi Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) có một trại lợn rừng với số lượng gần 100 con và nuôi hoàn toàn theo quy trình bán hoang dã