Phú Yên Đổ Xô Đi Cắt Gốc Rạ, Mua Rơm Khô Nuôi Bò

Những ngày qua, nhiều người dân ở huyện Tuy An (Phú Yên) đổ xô đến cánh đồng phường 8 (TP Tuy Hòa) cắt gốc rạ về nuôi trâu bò. Còn tại cánh đồng xã An Định (huyện Tuy An) người dân quanh vùng đến đây tranh nhau mua rơm khô.
Mới 5 giờ, tại cánh đồng phường 8 (dọc theo đường Trần Phú, đối diện Bảo tàng Phú Yên), nhiều người dân quanh vùng đổ xô đến cắt gốc rạ về trữ làm thức ăn cho bò. Ông Nguyễn Văn Thanh, một người đi cắt gốc rạ, cho hay: “Tôi ở dưới chân đèo Quán Cau thuộc xã An Hiệp (huyện Tuy An).
Mới 4 giờ tôi thức dậy cột 2 bao tải đèo sau yên xe với câu liêm (lưỡi liềm) đi xe máy gần 20km đến đây. Đi sớm vậy mà đến nơi thấy hàng chục người dàn hàng ngang tranh nhau cắt gốc rạ. Tôi cũng vội ra ruộng ngồi “nạo” sát đất, đến 8 giờ thì đầy 2 bao tải gốc rạ chở về”.
Gần trưa, trời nắng gắt, ông Trần Văn Sơn cũng ở xã An Hiệp vẫn miệt mài cắt gốc rạ, nói: “Gia đình tôi có 3 con bò. Sáng tranh thủ tưới rau nên tôi đến đây muộn, cắt chưa đầy bao tải gốc rạ thì đã hết nên phải dời đến mấy đám ruộng cạnh đường nội đồng cắt thêm cho đầy bao, chở về cho bò ăn chứ bò đang nhốt đói ở nhà”.
Còn ông Phan Vinh ở xã An Cư (huyện Tuy An) cho biết: Tôi có nuôi 4 con bò nhưng chỉ có 1 sào ruộng, mà vụ này lại bỏ hoang vì nắng hạn. Thiếu rơm trữ cho bò ăn nên tôi đi cắt gốc rạ về làm thức ăn cho bò.
Cánh đồng xã An Định gieo sạ sớm, hiện lúa chín, nông dân tranh thủ thu hoạch. Bà Trịnh Thị Hồng ở xã An Định cho hay: Gia đình tôi có 3 sào ruộng, 1 sào bị chín ép do thiếu nước tưới, cắt cho bò ăn non, còn lại gặt xong đem rơm về nhà vun nọc trữ. Gia đình tôi nuôi 3 con bò, sợ sắp đến không đủ rơm cho bò ăn, vậy mà có nhiều người đến tận nhà tôi hỏi mua nọc rơm.
Cũng trên cánh đồng xã An Định, ông Phan Long, ở xã An Dân (huyện Tuy An) đang hì hục chất rơm lên xe tải chở về nhà. “Tôi đặt cọc trước 1 tháng nên người ta mới bán.
Đang là thời điểm nắng gắt, cỏ voi trồng ngoài đồng chết cháy nên chúng tôi phải chịu khó đi xa mua rơm về cho bò ăn. Trước đó, tôi vào cánh đồng phường 8 hỏi mua rơm nhưng không ai chịu bán”, ông Long kể khổ.
Tình trạng khan hiếm rơm khô không chỉ xảy ra ở vụ lúa hè thu này mà cách đây 4 tháng khi đang thu hoạch lúa đông xuân 2013-2014, rơm khô đã đắt giá, vì vậy xảy ra tình trạng mất cắp rơm vào ban đêm.
Bà Nguyễn Thị Lan ở thôn Hảo Danh, xã Xuân Thọ 2 (TX Sông Cầu) cho hay: “Ở quê tôi không có ruộng lúa nước, đầu tháng 2 vừa qua, tôi xuống xã Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân) đặt hàng mua rơm từ khi lúa mới chín đỏ đuôi.
Vừa gặt xong, máy phun tại ruộng; chiều tối không có xe chở, sáng hôm sau tôi thuê xe đến nơi thì đống rơm to bằng cái nhà hôm trước giờ chỉ sót lại vài cọng. Kinh nghiệm vụ này tôi chở rơm về trong ngày”.
Còn ông Trương Bắc, một nông dân xã Xuân Sơn Bắc thì cho hay, ông vừa gặt 2 sào lúa, hôm phun rơm xong, trời tối nên ông để lại ruộng. Gia đình ông ở cạnh cánh đồng, nửa đêm nghe tiếng xe tải nên ông theo ra, ông thấy bóng mấy thanh niên hốt rơm, ông hô hoán, họ thoát lên xe bỏ chạy.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Tùng, Phó giám đốc phụ trách Sở NN-PTNT, cho biết: Đối với người dân miền núi, nông thôn, nuôi bò là nguồn thu nhập chính, giúp không ít gia đình thoát nghèo. Thế nhưng thời gian qua nắng hạn nên cỏ khô, gốc rạ không còn, rơm không có, bò thiếu thức ăn dẫn đến gầy ốm.
Tình hình nắng hạn diễn ra gay gắt, nguồn thức ăn gia súc cạn kiệt, sở khuyến khích nông dân phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững gắn với an toàn dịch bệnh. Địa phương cần chuyển đổi cây trồng cạn trên các cánh đồng không đủ nguồn nước tưới để mang lại nguồn thu nhập cho nông dân và nguồn thức ăn cho gia súc.
Có thể bạn quan tâm

“Giống mì NA1 này vừa cho củ to lại nằm sát mặt đất dễ thu hoạch, lượng tinh bột nhiều, kháng được sâu bệnh, cây ít đổ ngả. Lúc thu hoạch sướng cái bụng lắm”, bà Bùi Thị Mai ở thôn Điền Chánh, xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa - Quảng Ngãi) hào hứng cho biết.

Năm 2011, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Khương (Lào Cai) được Viện Nghiên cứu môi trường sinh thái thuộc Đại học Lâm nghiệp cung cấp 3 kg hạt giống cây quang bì. Sau đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện đã tổ chức gieo ươm, sản xuất được 1.650 cây giống, trồng trên diện tích 1,5 ha tại thôn Nhân Giống, thị trấn Mường Khương.

Cây ca cao chịu bóng râm nên trồng xen được với nhiều loại cây có giá trị kinh tế khác để tăng thêm thu nhập cho người dân trên cùng diện tích đất canh tác đã được người dân áp dụng. Trong 3 năm (từ 2009 - 2012), Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Hậu Giang đã thực hiện dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển vùng ca cao trồng xen trong vườn cây lâu năm góp phần phát triển nông nghiệp bền vững ở Hậu Giang” với quy mô 150ha.

Đây là đề tài “Nghiên cứu tuyển chọn giống sắn ngắn ngày và kỹ thuật thâm canh trồng rải vụ nhằm phục vụ cho phát triển cây sắn bền vững ở tỉnh Phú Yên”, do Sở NN-PTNT phối hợp với Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh và Trường đại học Nông lâm Huế thực hiện. Trong thời gian tới, Sở NN-PTNT sẽ nhân rộng đưa các giống mới trên vào sản xuất.

Hiện nay, nhiều cây lấy hạt ở Việt Nam đã đạt đỉnh cao về kinh tế (như cà phê, hồ tiêu...) lại đang phải đối diện với thách thức do sự già cỗi của các vườn cây. Trong bối cảnh ấy, cây macca nổi lên như một loại cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao với ưu thế vòng đời lên đến hơn 60 năm.