Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phú Yên Chăn Trâu Chạy Đồng

Phú Yên Chăn Trâu Chạy Đồng
Ngày đăng: 15/09/2014

Những ngày qua, các cánh đồng ở TP Tuy Hòa (Phú Yên) đã vào mùa thu hoạch lúa hè thu sớm, nhiều người dân quanh vùng thức đêm lùa trâu chăn thả chạy đồng.

Lùa trâu xuống phố

Mới 1 giờ sáng, vợ chồng ông Trần Văn Thịnh và bà Nguyễn Thị Hiền Dung ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa) lục đục thức dậy lùa trâu xuống cánh đồng phường 9, TP Tuy Hòa đang thu hoạch lúa để thả ăn. Trong đêm tối, hai vợ chồng “kèm” bầy trâu 7 con, vượt qua chặng đường 30 cây số, mờ sáng trâu mới “lọt” xuống cánh đồng ung dung gặm gốc rạ.

Tại cánh đồng phường 9 có đến 100 con trâu đang chăn thả. Gần trưa, bà Dung đang chăn trâu, không chịu nổi cái nắng như đổ lửa nên lại ngồi nấp bên hông chiếc xe tải chở rơm đậu sát lề đường nội đồng. Chồng bà (ông Thịnh) sau khi cùng bà “kèm” bầy trâu đến nơi rồi về làm việc nhà, chiều tối xuống thay bà ngủ lại giữ trâu.

Bà Dung cho hay: “Trâu lùa ban đêm lạ đường cứ ngước cổ “nghinh” lên trời nên đi chậm lắm. Chồng tôi đi sau cầm roi “thúc” đàn trâu, còn tôi đi trước đón đầu cho trâu vào đường rẽ tránh xe cộ. Thời điểm 1 đến 2 giờ sáng, hiếm có người qua lại nhưng mình đề phòng”.

Phía bên kia đường nội đồng, ông Nguyễn Chốn (76 tuổi) ở xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa chăn trâu trên cánh đồng trống, không có chỗ tránh nắng nên vô ngồi “ké” bóng mát trước sân của một ngôi nhà. Ông Chốn cho biết, ở quê, trâu chủ yếu ăn lá cây rừng, bờ bụi. Tuy nhiên, lá cây bị khô hạn khan hiếm nên trâu ăn không no.

Mấy năm trước, đầu tháng 3 thu hoạch lúa đông xuân, ông chở rơm bằng xe tải về chất 3 nọc rơm dự trữ. Hàng ngày, ông cắt cỏvoi trồng ngoài đồng về cho ăn xen với rơm khô, qua đến đầu tháng 8 là bước vào vụ lúa mới cũng vừa hết rơm.

 “Riêng năm nay nắng hạn kéo dài mấy tháng qua nên cỏvoi trồng ngoài đồng khô héo, trâu ăn toàn rơm khô nên rơm giờ không còn cọng nào cho trâu ăn. Tôi đi thăm các cánh đồng, rất may là đồng lúa phường 8 gặt đầu tiên, có gốc rạ khô “giải hạn” cho trâu” - ông Chốn nói.

Ngủ ngoài đồng giữ trâu

Thời gian qua, hạn hán kéo dài nên nguồn thức ăn cho trâu bò khan hiếm, vì thế vụ thu hoạch này trên cánh đồng phường 8 xuất hiện “cảnh lạ”, đó là người và trâu tranh nhau… gốc rạ.

Mấy ngày qua, sáng sớm có đến hàng chục người ở xã An Hiệp, An Cư (huyện Tuy An) vượt chặng đường gần 20 cây số đến đây cắt gốc rạ về cho bò ăn. Ông Bảy Thịnh, một người chăn trâu ở xã Hòa Quang Bắc, cho hay: “Các vùng ở huyện Tuy An năm nay bị nắng hạn nên thiếu thức ăn cho bò, người dân những vùng này đổ xô vô đây cắt gốc rạ”.

Chiều tối, cánh đồng phường 8 vui nhộn bởi người chăn trâu tụ tập về. Chăn trâu, nằm ngủ tại ruộng hơn tuần qua, ông Nguyễn Long ở xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa), nhẩm tính cánh đồng lúa trước nhà mới chín đỏ đuôi nên chắc phải chăn trâu ngủ lại tại ruộng ở đây gần tháng nữa.

Sắp đến cánh đồng xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) thu hoạch lúa, ông lùa trâu lên đó thả ăn, chờ trên quê lúa chín mới lùa trâu về. Chăn trâu lội ruộng từ đồng này sang đồng khác, gian khổ nhưng ông Long gắng sức nuôi “đầu cơ nghiệp” kiếm tiền cho con ăn học.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Tùng, Phó giám đốc phụ trách Sở NN-PTNT cho biết, thời gian qua nắng hạn diễn ra rất gay gắt, thiếu nước sản xuất cũng như sinh hoạt, nguồn thức ăn gia súc cạn kiệt, sở khuyến khích nông dân phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững gắn với an toàn dịch bệnh; tập trung phát triển các trang trại và các cơ sở chăn nuôi theo phương pháp công nghiệp, bán công nghiệp với quy mô phù hợp.


Có thể bạn quan tâm

Sầu Riêng Nghịch Mùa Trúng Giá Sầu Riêng Nghịch Mùa Trúng Giá

Trái với tình hình thị trường ảm đạm hồi cuối năm ngoái, khoảng hơn một tháng nay, nhà vườn ở “vương quốc sầu riêng” của Tiền Giang, gồm các xã Long Trung, Tam Bình, Ngũ Hiệp (H.Cai Lậy)... rất vui mừng vì mùa sầu riêng nghịch vụ vừa trúng mùa, lại trúng đậm giá.

11/11/2014
Xây Dựng 5 Vùng Nguyên Liệu Lúa Cho Đồng Bằng Sông Cửu Long Xây Dựng 5 Vùng Nguyên Liệu Lúa Cho Đồng Bằng Sông Cửu Long

Cụ thể là các vùng nguyên liệu sản xuất giống jasmine; giống gạo trắng, chất lượng cao; giống đặc sản (như ST, nàng thơm chợ Đào... hiện chủ yếu tiêu thụ nội địa, không đủ hàng xuất khẩu); giống nếp, giống hạt tròn (nhu cầu các nước Đông Á và châu Âu rất cao) và giống chất lượng trung bình, thấp.

11/11/2014
Khai Thác Cây Lâm Sản Ngoài Gỗ Gắn Phát Triển Với Bảo Tồn Khai Thác Cây Lâm Sản Ngoài Gỗ Gắn Phát Triển Với Bảo Tồn

Với diện tích rừng tương đối lớn, Việt Nam có nhiều loài lâm sản ngoài gỗ (LSNG) có giá trị. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều loài LSNG chưa được khai thác, bảo tồn hiệu quả, thậm chí có nguy cơ biến mất.

11/11/2014
Thu Hút Các Doanh Nghiệp Tham Gia Tái Cơ Cấu Ngành Lúa Gạo Thu Hút Các Doanh Nghiệp Tham Gia Tái Cơ Cấu Ngành Lúa Gạo

Tuy nhiên, sản xuất lúa, gạo đang phải đối mặt với nhiều thách thức như tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; thị trường cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt, đất sản xuất lúa bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa và việc chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác…

11/11/2014
Bấp Bênh Thị Trường Tiêu Thụ Kèo Nèo Bấp Bênh Thị Trường Tiêu Thụ Kèo Nèo

Nhằm giúp người dân ấp Tân Phước, xã Tân Bình, TP.Tây Ninh chuyển đổi cây trồng trên vùng đất lúa kém hiệu quả, cách đây 3 năm, Hội Nông dân xã Tân Bình và Trạm BVTV TP.Tây Ninh đã chuyển một phần diện tích đất canh tác sang trồng kèo nèo, một loại thực vật phù hợp với đất sình lầy, bùn ẩm, có sức sống mạnh. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là thị trường tiêu thụ kèo nèo đang rất bấp bênh...

11/11/2014