Phù phép trái cây Trung Quốc thành trái cây của Mỹ, Australia

Các chợ đầu mối của TP HCM là nơi cung cấp thực phẩm chủ yếu cho người dân thành phố.
Trước tình trạng thực phẩm không an toàn ngày càng khó kiểm soát, các cơ quan chức năng và đơn vị kinh doanh chợ của thành phố đang tăng cường công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là từ nay đến tết.
Tuy nhiên, công tác này cũng còn nhiều bất cập.
Chị Nguyễn Thị Trinh ở khu phố 1, thị trấn Hóc Môn, làm nghề trông xe tại chợ Hóc Môn nên thường xuyên chứng kiến cảnh trái cây Trung Quốc được “phù phép” thành trái cây của Mỹ, Australia.
Chị Trinh rất lo lắng về tình hình an toàn, vệ sinh thực phẩm hiện nay: “Họ mua thùng trái cây để hình trái cây của Trung Quốc.
Họ dán tem lên trái lê, táo, nho, bằng tem Mỹ, Australia, NewZeland… Tôi hỏi họ nói, họ mua bộ tem này ở vựa trái cây chợ đầu mối bán cho và về họ tự dán lên”.
Trung bình mỗi ngày, chợ đầu mối Thủ Đức và chợ đầu mối Hóc Môn nhập về gần 6.000 tấn rau, củ, trái cây và thịt heo để cung cấp cho người dân thành phố.
Nếu kiểm soát tốt an toàn vệ sinh thực phẩm ở đây sẽ hạn chế được tình trạng thực phẩm không an toàn đưa về các chợ.
Vì vậy, công tác kiểm tra an toàn thực phẩm đang được các chợ đầu mối tăng cường, nhất là từ nay tới tết.
Ngoài việc kiểm tra hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, giấy kiểm dịch, các chợ đầu mối còn lấy mẫu kiểm tra nhanh một số loại rau củ, trái cây có nguy cơ cao.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ nông sản Hóc Môn cho biết: “Chúng tôi kiểm tra tất cả các vựa, các sạp, chứ không bỏ sót ai.
Đặc biệt, tháng cận Tết thì tăng tần suất kiểm tra hơn nữa, tập trung vào chủng loại rau có nguy cơ mà do Chi cục Bảo vệ thực vật thành phố chỉ định.
Đối với hàng Trung Quốc phải có giấy tờ qua cửa khẩu và qua kiểm tra ngành bảo vệ thực vật”.
Tuy nhiên, việc lấy mẫu kiểm tra nhanh rau củ, trái cây cũng chỉ định tính, chứ chưa định lượng được nên độ chính xác chưa cao.
Vì vậy, từ đầu năm 2015, các chợ đầu mối phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật thành phố lấy mẫu kiểm tra định lượng.
Điều đáng nói là các mẫu xét nghiệm này phải từ 2 đến 3 ngày mới có kết quả, trong khi các loại rau củ, trái cây chỉ lưu lại trong chợ vài ba tiếng đồng hồ.
Trong khi chưa có kết quả xét nghiệm thì các loại rau củ, trái cây này đã lưu thông ra thị trường và nếu có kết quả là các mẫu này không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và nguy hại cho sức khỏe thì cơ quan chức năng cũng không thể thu hồi được.
Đây là bất cập lớn trong việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ đầu mối hiện nay.
Để khắc phục tình trạng này, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức kiến nghị: “Chúng tôi nghĩ trong quá trình kiểm định với thời gian như vậy là chậm.
Nếu thật sự là hàng hóa độc hại sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Chúng tôi muốn Nhà nước có loại thuốc kiểm định ra kết quả nhanh chóng, kịp thời”.
Những ngày cuối năm, lượng rau, củ, trái cây và thịt heo về các chợ đầu mối càng tăng nên rất khó kiểm soát.
Với những bất cập trong kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ đầu mối của TP HCM hiện nay, đang là điều đáng lo ngại cho người tiêu dùng
.
Có thể bạn quan tâm

Những ngày này, bà con nông dân ở các xã Lục Sĩ Thành, Phú Thành (Trà Ôn - Vĩnh Long) đang rộn ràng bước vào mùa thu hoạch củ sắn. Hiện tại, giá củ sắn dao động từ 3.000 - 3.300 đ/kg, trừ chi phí phân thuốc, nhân công, nông dân còn lời trên 15 triệu đồng/công.

“Giống mì NA1 này vừa cho củ to lại nằm sát mặt đất dễ thu hoạch, lượng tinh bột nhiều, kháng được sâu bệnh, cây ít đổ ngả. Lúc thu hoạch sướng cái bụng lắm”, bà Bùi Thị Mai ở thôn Điền Chánh, xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa - Quảng Ngãi) hào hứng cho biết.

Năm 2011, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Khương (Lào Cai) được Viện Nghiên cứu môi trường sinh thái thuộc Đại học Lâm nghiệp cung cấp 3 kg hạt giống cây quang bì. Sau đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện đã tổ chức gieo ươm, sản xuất được 1.650 cây giống, trồng trên diện tích 1,5 ha tại thôn Nhân Giống, thị trấn Mường Khương.

Cây ca cao chịu bóng râm nên trồng xen được với nhiều loại cây có giá trị kinh tế khác để tăng thêm thu nhập cho người dân trên cùng diện tích đất canh tác đã được người dân áp dụng. Trong 3 năm (từ 2009 - 2012), Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Hậu Giang đã thực hiện dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển vùng ca cao trồng xen trong vườn cây lâu năm góp phần phát triển nông nghiệp bền vững ở Hậu Giang” với quy mô 150ha.

Đây là đề tài “Nghiên cứu tuyển chọn giống sắn ngắn ngày và kỹ thuật thâm canh trồng rải vụ nhằm phục vụ cho phát triển cây sắn bền vững ở tỉnh Phú Yên”, do Sở NN-PTNT phối hợp với Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh và Trường đại học Nông lâm Huế thực hiện. Trong thời gian tới, Sở NN-PTNT sẽ nhân rộng đưa các giống mới trên vào sản xuất.