Phòng trừ sâu bệnh gây hại lúa thu đông giai đoạn làm đòng
Thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng xen lẫn mưa là điều kiện thuận lợi để các loại sâu bệnh gây hại cho lúa thu đông, nhất là lúa vào giai đoạn làm đòng. Vì vậy, các địa phương trong tỉnh Đồng Tháp cần chủ động thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phòng trừ sâu, bệnh kịp thời.
Nông dân phải chủ động bảo vệ lúa thu đông giai đoạn làm đòng
Hiện tại, số diện tích lúa đang trong giai đoạn làm đòng là 23.111ha, tập trung tại các huyện: Châu Thành, Tháp Mười, Lấp Vò, Cao Lãnh.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Đồng Tháp, qua kiểm tra đồng ruộng cho thấy, tình hình sâu, bệnh gây hại lúa giai đoạn làm đòng vụ thu đông năm nay không đáng kể. Các đối tượng sâu, bệnh xuất hiện ở giai đoạn này thường là: rầy nâu, bệnh lem lép hạt, bệnh cháy bìa lá, bệnh đạo ôn...
Cụ thể, mật độ rầy nâu gây hại mật số 50 - 100 con/m2 chiếm 819ha; mật độ rầy từ 100 - 300 con/m2 chiếm 1.520ha; mật độ rầy từ 750 - 1500 con/m2 chiếm 989ha. Ngoài ra, các loại dịch hại khác gây hại cho lúa như: bệnh đạo ôn lá chỉ ở mức nhẹ, chiếm khoảng 1.050ha; bệnh cháy bìa lá chiếm 592ha, với tỷ lệ nhiễm bệnh từ 10 - 20%; bệnh lem lép hạt số diện tích nhiễm bệnh là 2.500ha. Đặc biệt, người dân đã chủ động tốt trong việc quản lý dịch muỗi hành.
Để đảm bảo cho người dân chủ động phòng trừ các loại sâu bệnh gây hại trên lúa thu đông giai đoạn làm đòng, Chi cục BVTV tỉnh thường xuyên có những dự báo về tình hình sâu, bệnh hại lúa; thường xuyên có cán bộ cơ sở kiểm tra đồng ruộng tại các địa phương trong tỉnh để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Nhiều diện tích có mật độ rầy nâu cao đã được quản lý kịp thời nên đảm bảo cho lúa phát triển tốt.
Bên cạnh đó, nông dân nên chú ý không bón phân thừa đạm giúp kéo giảm tỷ lệ nhiễm bệnh cháy bìa lá và đạo ôn lá; còn bệnh đạo ôn cổ bông, lem lép hạt phải phun ngừa thời điểm lúa trổ lác đác và sau khi lúa trổ đều. Ngoài ra, nông dân nên chú ý phun thuốc đặc trị rầy nâu giai đoạn tuổi 2 - 3, mật số 2 - 3 con/tép.
Đối với một số diện tích lúa thu đông trễ, sau khi thu hoạch xong vụ hè thu nông dân nên vệ sinh đồng ruộng kỹ và bón các hoạt chất dinh dưỡng để trả lại chất hữu cơ cho đất. Song song đó, khi sử dụng thuốc hóa học phải theo nguyên tắc “4 đúng” và phải theo hướng dẫn ghi trên bao bì. Lượng nước đảm bảo cho lúa phát triển giai đoạn này phải giữ thường xuyên ở mức 5 - 7cm.
Ông Trần Thanh Tâm – Trưởng phòng BVTV Chi cục BVTV tỉnh khuyến cáo: “Để phòng trừ sâu, bệnh gây hại lúa giai đoạn làm đòng, cùng với kỹ thuật canh tác, nông dân nên chú ý việc sử dụng thuốc hóa học hợp lý cho từng loại bệnh và từng giai đoạn. Bên cạnh đó, nên nắm chặt chẽ diễn biến thời tiết và kiểm tra ruộng đồng thường xuyên để phát hiện bệnh sớm và có biện pháp ngăn chặn kịp thời”.
Có thể bạn quan tâm

Sáng 29.11, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức họp bàn, tìm cách giải quyết dứt điểm tình trạng nuôi tôm thẻ chân trắng tràn lan, tự phát tại các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang chủ trì.

Các nhà quản lý và chuyên gia nông nghiệp cho rằng, ứng dụng công nghệ cao mới giúp phát triển ngành công nghiệp bò sữa ở Việt Nam.

Đầu tháng 10-2013, tổng đàn bò toàn tỉnh có trên 82.800 con, tăng trên 3.470 con so cùng kỳ năm trước. Các địa phương có số lượng đàn bò tăng nhanh theo mô hình “2b” vẫn là các xã, thị trấn vùng cù lao Giêng và cù lao Ông Chưởng (Chợ Mới), với trên 21.260 con, vượt 28,8% kế hoạch và tăng 23% so năm 2012.

Khoảng dăm năm trở lại đây, tại khu vực ngoại thành Hà Nội, sau mỗi vụ thu hoạch lúa, số người tham gia bắt chuột ngoài đồng ngày một nhiều. Có thể gọi họ là những “dũng sỹ” bảo vệ mùa màng bội thu, cho dù chưa hẳn ai cũng ý thức được đầy đủ rằng cần phải diệt chuột vì chúng là “chuyên gia” cắn phá cây trồng.

Xã Mê Linh, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), vùng đất kinh tế mới hôm nay gần như độc canh cây cà phê với trên 95% diện tích đất nông nghiệp. Làm sao để cây cà phê nơi đây phát triển bền vững, mang lại lợi ích kinh tế cho cả người sản xuất, người tiêu dùng và người thu mua cũng như giữ ổn định môi trường sinh thái đang là câu hỏi được đặt ra.