Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phòng Trị Bệnh Tiên Mao Trùng Cho Đàn Trâu

Phòng Trị Bệnh Tiên Mao Trùng Cho Đàn Trâu
Ngày đăng: 02/02/2015

Bệnh tiên mao trùng khiến trâu bị thiếu máu, suy nhược, giảm sức sản xuất, giảm hoặc mất khả năng sinh sản, mắc bệnh nặng rất dễ chết. Việc nghiên cứu cách phòng trị bệnh tiên mao trùng cho đàn trâu là một giải pháp khả quan giúp người nông dân biết cách phòng và chữa bệnh cho đàn trâu.

Từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu đề tài của Viện Khoa học sự sống Trường Đại học Thái Nguyên - đơn vị chủ trì đề tài, đã thực hiện đề tài “Xác định đặc điểm dịch tễ và biện pháp phòng chống bệnh ký sinh trùng đường máu do bệnh tiên mao trùng cho đàn trâu tỉnh Tuyên Quang” đã tiến hành nghiên cứu tại 3 huyện Yên Sơn, Chiêm Hóa và Hàm Yên, từ đó lựa chọn phác đồ điều trị bệnh tiên mao trùng hiệu quả và phù hợp với điều kiện chăn nuôi của tỉnh.
Đàn trâu của tỉnh được đánh giá là có tầm vóc lớn và có khả năng sinh trưởng tốt. Tuy nhiên, do hạ tầng phục vụ công tác chuẩn đoán và điều trị bệnh tiên mao trùng cho đàn trâu còn hạn chế, bởi người chăn nuôi chưa thật sự nắm chắc những biểu hiện ban đầu nhiễm bệnh của trâu nên khiến bệnh tiên mao trùng trở nên phổ biến và ảnh hưởng tới số lượng đàn trâu.
Nhóm nghiên cứu đã phân lập được 10 chủng tiên mao trùng ký sinh và gây bệnh cho đàn trâu của tỉnh và cả 10 chủng đều là loài Trypanosoma evansi. Tỷ lệ nhiễm bệnh tiên mao trùng ở trâu của 3 huyện Yên Sơn, Hàm Yên và Chiêm Hóa là 13,45%, biến động từ 10,89% đến 16,27% và tỷ lệ nhiễm tăng dần theo tuổi.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Lan, Viện Khoa học sự sống Trường Đại học Thái Nguyên, Chủ nhiệm đề tài cho biết: “Nhóm nghiên cứu đã sử dụng phác đồ điều trị cho trâu bị nhiễm bệnh với thuốc trypamidium samorin liều 1 mg/kgTT, kết hợp với các thuốc trợ tim và trợ sức: Cafein natri benzoat 20% 15 ml, dung dịch sinh lý mặn 200 ml, vitamin C 5% 20 ml, vitamin B1 2,5% 20 ml để điều trị bệnh tiên mao trùng cho trâu. Trong thời gian sử dụng thuốc điều trị, cho trâu nghỉ tại chuồng 3 đến 5 ngày và có chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tốt”.
Ngoài ra, đề tài cũng đưa ra giải pháp diệt ruồi, mòng hút máu truyền bệnh tiên mao trùng bằng cách thay đổi môi trường sống của chúng như phát quang cây cối ở các khu vực chăn nuôi, không để nước tù đọng; ủ phân trâu, bò để diệt trứng và ấu trùng ruồi, mòng; chuồng trâu phải luôn khô ráo… để tạo ra những điều kiện bất lợi cho đời sống của ruồi, mòng hút máu, nhằm hạn chế sự phát triển và hoàn thành vòng đời của chúng.
Phương pháp dùng đèn thu hút côn trùng, dùng bẫy bắt ruồi, mòng, lưới ngăn ruồi, mòng hút máu, dùng hóa dược pyrethroids, permethrin, cypermethrin, spinosad, amitraz… là những biện pháp hiệu quả trong việc tiêu diệt ruồi, mòng - vật môi giới truyền bệnh tiên mao trùng cho trâu.
Nhóm nghiên cứu đưa ra biện pháp hướng dẫn người dân thực hiện làm bẫy bắt ruồi, mòng. Trong đó bẫy Malaise có cấu trúc giống như một cái lều lớn dùng để bắt ruồi, mòng vào trong một hộp có chứa cồn ethanol 70 độ, môi trường phù hợp để bảo quản chúng.
Bẫy Malaise được làm bằng lưới có màu sắc khác nhau, ruồi, mòng bay vào bẫy và được dẫn lên một hộp hứng gắn liền ở trên cùng của bẫy. Bẫy được làm với khoảng mở rộng ở dưới và thu hẹp dần lên trên để ruồi, mòng theo thành lưới bay lên đến điểm cao nhất ở đó có hộp chứa cồn.
Nếu người dân sử dụng cồn ethanol thì nên thay ít nhất 1 lần/tuần. Mặt khác việc phòng bệnh tiên mao trùng cho đàn trâu bằng hóa dược nên được thực hiện thường xuyên, đó là loại thuốc trypamidium samorin liều 1 mg/kgTT, 2 lần/năm pha với nước cất thành dung dịch 1%, tiêm sâu bắp thịt cho trâu vào đầu mùa hè và cuối mùa thu để phòng bệnh tiên mao trùng cho đàn trâu.
Gia đình ông Tướng Văn Thông, thôn Khe Đảng, xã Tứ Quận (Yên Sơn) đã được nhóm nghiên cứu hướng dẫn và điều trị bệnh tiên mao trùng cho con trâu ở tuổi thứ 7 và một nghé con.
Sau khi được hướng dẫn điều trị, hai con trâu của gia đình ông đã khỏi hoàn toàn. Hay gia đình ông Hoàng Văn Huyền, thôn Bản Man, xã Bình Phú (Chiêm Hóa) cũng có trâu bị nhiễm bệnh tiên mao trùng nhưng do biểu hiện ban đầu của bệnh khi trâu bị mắc phải ông Huyền không biết nên để trâu bị nhiễm bệnh nặng hơn.
Trâu của gia đình ông đã được nhóm nghiên cứu điều trị kịp thời nên đã ăn trở lại và không còn biểu hiện nhiễm bệnh. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng hướng dẫn gia đình ông cách phòng bệnh cho trâu và nhắc nhở gia đình thường xuyên vệ sinh chuồng trại của trâu sạch sẽ.
Sau khi kết thúc đề tài, nhóm nghiên cứu đã điều trị cho trên 100 con trâu nhiễm bệnh tiên mao trùng và phát gần 300 liều thuốc phòng và điều trị bệnh tiên mao trùng cho trâu cho các trạm thú y ở các huyện thực hiện dự án. Kết quả của đề tài là cơ sở khoa học để khuyến cáo người chăn nuôi cách nhận biết và áp dụng biện pháp phòng, trị bệnh tiên mao trùng hiệu quả; hạn chế tỷ lệ nhiễm và những thiệt hại do bệnh tiên mao trùng gây ra, góp phần nâng cao năng suất chăn nuôi trâu trên địa bàn tỉnh.


Có thể bạn quan tâm

Giá lúa Hè Thu duy trì ổn định ở mức tương đối cao đến cuối vụ Giá lúa Hè Thu duy trì ổn định ở mức tương đối cao đến cuối vụ

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang, toàn tỉnh cơ bản hoàn thành thu hoạch diện tích gieo sạ lúa Hè Thu 2015 với trên 230.100ha.

16/09/2015
Dừa Bến Tre tăng giá gấp đôi Dừa Bến Tre tăng giá gấp đôi

Theo Hiệp hội Dừa Bến Tre, liên tiếp trong những tuần qua giá dừa khô trên địa bàn tăng so với thời gian trước đó.

16/09/2015
Thịt bẩn từ lò mổ lậu Thịt bẩn từ lò mổ lậu

Rất nhiều lò mổ lậu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, địa phương cung ứng thịt heo chủ yếu cho TP.HCM, có quy trình giết mổ cực kỳ dơ bẩn.

16/09/2015
Giống rau mầm trôi nổi có hóa chất bảo quản Giống rau mầm trôi nổi có hóa chất bảo quản

Không biết hạt giống được xử lý bằng hóa chất sẽ tồn dư nếu lấy để sản xuất rau mầm, không ít người tiêu dùng vẫn vô tư mua hạt giống trôi nổi về làm rau mầm.

16/09/2015
Xoài cát chu Việt Nam vào Nhật Xoài cát chu Việt Nam vào Nhật

Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản thông báo sẽ mở cửa cho trái xoài cát chu của Việt Nam vào thị trường này từ ngày 17-9.

16/09/2015