Phong Trào Trồng É Phát Triển Mạnh

Vào những ngày này, đi dọc theo con đường từ thị trấn An Phú đến xã Khánh An (huyện An Phú - An Giang), đâu đâu chúng ta cũng bắt gặp bà con nông dân thu hoạch cây é.
Cây é còn có tên là hương thảo, húng lông, húng quế lông. Cây thân bụi, cao từ 0,5 - 1m. Khi bông é già sẽ cho hạt nhỏ như hạt mè, màu đen tuyền. Hạt é, còn được gọi là trà tiên, khi cho vào nước sẽ nở phình ra, dùng làm nước giải khát rất mát lành.
Ông Nguyễn Văn Xừng (ấp Thạnh Phú, xã Khánh An) trồng 5 công é đang thu hoạch. Theo ông, trồng é đầu tư không cao, chi phí khoảng 2 triệu đồng/công. Điều mà người trồng lo ngại nhất là thời tiết và giá cả.
Trong điều kiện thời tiết như hiện nay, năng suất bình quân mỗi công từ 60 - 100kg. Nếu giá ở mức 68.000 đ/kg như hiện nay thì người trồng sẽ lời khoảng 2 triệu/công. Cây é rất thích nắng và khô ráo. Trước khi thu hoạch mà gặp vài đám mưa, năng suất và chất lượng sẽ bị giảm sút.
Hộ ông Trương Văn Chẩm (xã Khánh An) năm nay trồng 10 công đang chuẩn bị thu hoạch, hy vọng sẽ trúng mùa được giá.
Nhiều bà con nông dân cho biết cây é chỉ mới phát triển gần đây. Nhiều người thấy có hiệu quả nên chuyển đổi cây màu sang trồng é, nhiều nhất là từ năm 2014. Trồng é sau 3 tháng là thu hoạch, sau đó chuyển sang trồng thứ khác. Ông Xừng cho biết, giá é lên xuống bất thường, có năm 40.000 đ/kg, lúc hút hàng lên tới 90.000 đ/kg.
Cây é sau khi thu hoạch đem phơi vài ba nắng cho thật khô, tiếp theo là buộc lại thành bó rồi cho vào máy suốt tách hạt. Thương lái sẽ đến tận nơi thu mua hạt thành phẩm, một phần bán sang Campuchia, số còn lại tiêu thụ nội địa.
Theo y học cổ truyền, hạt é tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, thông tiện, chữa ho khan, trị viêm đường tiết niệu. Dược sĩ Mỹ Nữ cũng có bài viết: hạt é chữa được táo bón, cảm cúm, viêm lợi, viêm thận (phụ nữ có thai không nên dùng).
Do đó, hạt é được coi là món giải khát được nhiều người ưa chuộng. Thông thường, người ta thích hòa chung hột é với đười ươi và phổ tai xắt sợi nhằm tăng thêm độ tươi mát.
Hiện nay, mô hình trồng é đang phát triển khá mạnh trên địa bàn huyện An Phú và một số địa phương. Ông Phạm Thành Tâm - Phó Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện An Phú cho biết: Từ khi trồng cây lúa và cây bắp lợi nhuận không cao, một số bà con nông dân đã chuyển đổi cây trồng, trong đó có cây é - một loại cây thích hợp với đất cồn, chịu hạn tốt lại ít dùng thuốc.
Chính vì thế mà năm 2013 toàn huyện chỉ 20ha đất trồng é thì bước sang năm 2014 lên đến 100ha và còn đang tiếp tục tăng nếu như giá cả ổn định. Huyện cũng khuyến cáo bà con nông dân nơi nào trồng lúa, trồng màu không đạt hiệu quả có thể chuyển sang trồng é để tăng thu nhập.
Theo ý kiến của một số bà con, việc trồng é tuy bước đầu đạt hiệu quả nhưng còn quá mới mẻ, chủ yếu mang tính tự phát, thị trường chưa ổn định. Về lâu về dài, nếu như đầu ra thuận lợi, hiệu quả kinh tế cao, bà con sẽ tiếp tục nhân rộng, còn như gặp rủi ro, bất trắc, người trồng sẽ năng động chuyển đổi sang cây trồng có lợi nhuận cao hơn - ông Nguyễn Văn Xừng nói như thế.
Có thể bạn quan tâm

Trong mấy năm gần đây phương pháp trồng mía xen đậu tương hoặc lạc có che phủ nilon tự hủy của Trường ĐHNN1 Hà Nội đã được bà con nông dân áp dụng rộng rãi tại nhiều vùng trồng mía nguyên liệu vụ xuân ở các tỉnh phía Bắc như Thanh Hoá, Hoà Bình, Tuyên Quang v.v...cho hiệu quả cao.

Sau một thời gian dài đối mặt triền miên với dịch bệnh, hàng loạt đầm tôm công nghiệp của người dân trên địa bàn huyện Đầm Dơi (Cà Mau) bỏ trống. Thế nhưng, những tháng gần đây nuôi tôm công nghiệp có dấu hiệu phục hồi trở lại khi quy trình sản xuất cũ được thay đổi bằng quy trình nuôi mới an toàn, đạt chất lượng, hiệu quả cao. Đây thật sự là một tín hiệu vui không chỉ cho nông dân mà còn cho nền kinh tế của huyện.

Những ngày qua, nhiều người dân hiếu kỳ kéo đến chùa Phước Thạnh - Cây Dương (ấp Phước Thuận, xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng - Tây Ninh) để chiêm ngưỡng bụi củ mì khổng lồ nặng trên 90kg, trong đó củ to nhất có chiều dài khoảng 1m, nặng gần 12kg.

Khi diện tích đất sản xuất ít, nhiều hộ nông dân đã xen canh những loại cây trồng ngắn ngày vừa tăng thêm nguồn thu, vừa có tác dụng bổ sung chất dinh dưỡng cho cây trồng chính. Trước đây, nông dân thường chọn xen cây mì vào vườn cao su non nhưng đất ngày càng bạc màu, làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của cây trồng chính.

Ông Lê Xuân Phiên, Bí thư chi bộ thôn 10, xã Thống Nhất (Bù Đăng) cho biết, toàn thôn có 168 hộ dân nhưng đã có khoảng 70% số hộ biết đa dạng hóa cây trồng trên cùng một diện tích cho hiệu quả kinh tế cao. Người dân thôn 10 chủ yếu trồng xen hồ tiêu, cà phê trong vườn điều. Một số hộ kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm dưới tán cây...