Phong Trào Trồng É Phát Triển Mạnh

Vào những ngày này, đi dọc theo con đường từ thị trấn An Phú đến xã Khánh An (huyện An Phú - An Giang), đâu đâu chúng ta cũng bắt gặp bà con nông dân thu hoạch cây é.
Cây é còn có tên là hương thảo, húng lông, húng quế lông. Cây thân bụi, cao từ 0,5 - 1m. Khi bông é già sẽ cho hạt nhỏ như hạt mè, màu đen tuyền. Hạt é, còn được gọi là trà tiên, khi cho vào nước sẽ nở phình ra, dùng làm nước giải khát rất mát lành.
Ông Nguyễn Văn Xừng (ấp Thạnh Phú, xã Khánh An) trồng 5 công é đang thu hoạch. Theo ông, trồng é đầu tư không cao, chi phí khoảng 2 triệu đồng/công. Điều mà người trồng lo ngại nhất là thời tiết và giá cả.
Trong điều kiện thời tiết như hiện nay, năng suất bình quân mỗi công từ 60 - 100kg. Nếu giá ở mức 68.000 đ/kg như hiện nay thì người trồng sẽ lời khoảng 2 triệu/công. Cây é rất thích nắng và khô ráo. Trước khi thu hoạch mà gặp vài đám mưa, năng suất và chất lượng sẽ bị giảm sút.
Hộ ông Trương Văn Chẩm (xã Khánh An) năm nay trồng 10 công đang chuẩn bị thu hoạch, hy vọng sẽ trúng mùa được giá.
Nhiều bà con nông dân cho biết cây é chỉ mới phát triển gần đây. Nhiều người thấy có hiệu quả nên chuyển đổi cây màu sang trồng é, nhiều nhất là từ năm 2014. Trồng é sau 3 tháng là thu hoạch, sau đó chuyển sang trồng thứ khác. Ông Xừng cho biết, giá é lên xuống bất thường, có năm 40.000 đ/kg, lúc hút hàng lên tới 90.000 đ/kg.
Cây é sau khi thu hoạch đem phơi vài ba nắng cho thật khô, tiếp theo là buộc lại thành bó rồi cho vào máy suốt tách hạt. Thương lái sẽ đến tận nơi thu mua hạt thành phẩm, một phần bán sang Campuchia, số còn lại tiêu thụ nội địa.
Theo y học cổ truyền, hạt é tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, thông tiện, chữa ho khan, trị viêm đường tiết niệu. Dược sĩ Mỹ Nữ cũng có bài viết: hạt é chữa được táo bón, cảm cúm, viêm lợi, viêm thận (phụ nữ có thai không nên dùng).
Do đó, hạt é được coi là món giải khát được nhiều người ưa chuộng. Thông thường, người ta thích hòa chung hột é với đười ươi và phổ tai xắt sợi nhằm tăng thêm độ tươi mát.
Hiện nay, mô hình trồng é đang phát triển khá mạnh trên địa bàn huyện An Phú và một số địa phương. Ông Phạm Thành Tâm - Phó Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện An Phú cho biết: Từ khi trồng cây lúa và cây bắp lợi nhuận không cao, một số bà con nông dân đã chuyển đổi cây trồng, trong đó có cây é - một loại cây thích hợp với đất cồn, chịu hạn tốt lại ít dùng thuốc.
Chính vì thế mà năm 2013 toàn huyện chỉ 20ha đất trồng é thì bước sang năm 2014 lên đến 100ha và còn đang tiếp tục tăng nếu như giá cả ổn định. Huyện cũng khuyến cáo bà con nông dân nơi nào trồng lúa, trồng màu không đạt hiệu quả có thể chuyển sang trồng é để tăng thu nhập.
Theo ý kiến của một số bà con, việc trồng é tuy bước đầu đạt hiệu quả nhưng còn quá mới mẻ, chủ yếu mang tính tự phát, thị trường chưa ổn định. Về lâu về dài, nếu như đầu ra thuận lợi, hiệu quả kinh tế cao, bà con sẽ tiếp tục nhân rộng, còn như gặp rủi ro, bất trắc, người trồng sẽ năng động chuyển đổi sang cây trồng có lợi nhuận cao hơn - ông Nguyễn Văn Xừng nói như thế.
Có thể bạn quan tâm

Theo ghi nhận, thị trường phân bón Bình Định đầu vụ đang khá dồi dào về chủng loại, nguồn cung; giá cả có xu hướng giảm so với cùng kỳ các năm trước…

Từ đầu năm đến nay, UBND huyện Hàm Thuận Nam đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh đốm nâu trên cây thanh long và hướng dẫn tiêu hủy cành, trái bị bệnh bằng chế phẩm sinh học BIO-ADB để làm phân bón.

Diện tích cây mắc ca ở các tỉnh Tây Nguyên đang tăng lên chóng mặt trong khi hiệu quả từ loài được cho là “cây tỉ đô” này lại không như kỳ vọng

Thời gian gần đây, ở các huyện miền núi tỉnh Nghệ An như Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Hợp... xuất hiện tình trạng người dân ồ ạt vào rừng khai thác các loại cây thuốc bán cho thương lái đưa đi Trung Quốc.

Hiện mức giá thu mua tại vườn dao động từ 30.000-33.000đ/kg, tăng từ 5.000-6.000đ/kg so với cùng kỳ năm trước.